Mùa đại hội cổ đông, mùa tái cấu trúc doanh nghiệp!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp đang bước vào cao điểm mùa đại hội cổ đông, đây cũng là dịp nhiều doanh nghiệp trình kế hoạch tái cấu trúc hoạt động, đặc biệt là những đơn vị thua lỗ kéo dài.

Tại đại hội cổ đông sắp diễn ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) dự kiến trình cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 2.740 tỷ đồng. Cụ thể, HBC dự kiến phát hành 74 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ có tổng giá trị 740 tỷ đồng thành vốn cổ phần cho các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của Công ty.

Bên cạnh đó, HBC dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu, tổng giá trị dự kiến phát hành (theo mệnh giá) là 2.000 tỷ đồng, giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Mục đích của đợt phát hành là thanh toán các khoản nợ ngân hàng.

Năm 2023, HBC báo lỗ hơn 1.100 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 2.401 tỷ đồng. Theo đó, vào ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 893,4 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả lên tới 13.716 tỷ đồng (riêng nợ ngắn hạn chiếm gần 12.837 tỷ đồng). Tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023, đơn vị kiểm toán có ý kiến nhấn mạnh về “dấu hiệu cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Năm nay, HBC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 433 tỷ đồng. Công ty đã thông tin trúng thầu 5 dự án tại Kenya. Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC, Công ty đang từng bước tháo gỡ khó khăn và mục tiêu khôi phục vị thế trong ba năm tới.

Tại báo cáo kiểm toán năm 2023 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), kiểm toán viên nhấn mạnh: “Công ty có khoản lỗ luỹ kế 1.669,17 tỷ đồng và tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 941,88 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục”.

Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, không ít doanh nghiệp vẫn đang phải bỏ nhiều tâm sức xử lý các hệ lụy cũ, để nhẹ gánh triển khai kế hoạch mới.

Giải trình về nội dung này, HAG cho biết, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán, Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Theo thông tin từ HAG, 2 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu thuần 1.043 tỷ đồng (trong đó ngành trái cây ghi nhận 630 tỷ đồng, ngành chăn nuôi ghi nhận 201 tỷ đồng và ngành phụ trợ 212 tỷ đồng), tương đương cùng kỳ năm ngoái. HAG kỳ vọng doanh thu năm 2024 sẽ tăng đột biến vào quý III và quý IV khi chính thức khai thác một phần diện tích sầu riêng.

Ngày 10/5 tới, HAG sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024, song đến nay tài liệu đại hội chưa được công bố. Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG cho biết, Công ty cố gắng đến tháng 6/2024 xóa xong lỗ lũy kế. Hiện Công ty đã có dòng tiền, kế hoạch lợi nhuận năm 2024 là 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2023.

Ngày 29/4 tới, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Trong tài liệu đại hội, có nội dung đáng chú ý là tờ trình đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần TTF và hủy phương án chào bán 41,12 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Năm 2023, TTF ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.567 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 144 tỷ đồng. Năm 2024, Hội đồng quản trị TTF xác định vẫn là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và Gỗ Trường Thành nói riêng. Các chỉ tiêu kinh doanh dự kiến trình cổ đông là doanh thu đạt 2.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 57 tỷ đồng.

Thực tế, hàng chục năm nay, TTF hay HAG nỗ lực tái cấu trúc nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn. Thời điểm ông Mai Hữu Tín về làm Chủ tịch TTF vào tháng 6/2019, nhiều cổ đông kỳ vọng tình hình kinh doanh của Công ty sẽ khởi sắc sau cú sốc “bốc hơi” hàng tồn kho với giá trị gần 1.000 tỷ đồng, dẫn tới số lỗ tương ứng vào năm 2016. Dẫu vậy, thực tế cho thấy, hoạt động kinh doanh lõi vẫn ghi nhận thua lỗ: năm 2019 lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2021, công ty mẹ lỗ 8,6 tỷ đồng và năm 2023 công ty mẹ lỗ hơn 133 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau nhiều lần tái cấu trúc ngành nghề sản xuất - kinh doanh, tái cấu trúc tài chính, HAG vẫn gặp khó khăn về dòng vốn. Năm 2016, HAG lỗ hơn 1.137 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh khôi phục có lãi trở lại trong các năm 2017-2019 nhưng đến năm 2020 lại thua lỗ 2.383 tỷ đồng. Ba năm gần đây, Công ty báo lãi sau thuế lần lượt 127,6 tỷ đồng; 1.124,6 tỷ đồng; 1.781 tỷ đồng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục