Tái cấu trúc hoạt động để chuẩn bị cho chặng đường mới

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 tạo ra chấn động lớn cho các doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang cố tìm cách bảo vệ dòng tiền và tính thanh khoản của mình.
Tái cấu trúc là hoạt động cần thiết của doanh nghiệp để ứng phó tình hình mới Tái cấu trúc là hoạt động cần thiết của doanh nghiệp để ứng phó tình hình mới

Ai cũng biết dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp, một khi dòng tiền mất ổn định, doanh nghiệp có thể nhanh chóng rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp khả thi mà lãnh đạo doanh nghiệp có thể thực thi để duy trì thanh khoản, kiểm soát dòng tiền và dịch chuyển hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới.

Cũng phải nói rõ rằng, tái cấu trúc là một trong những hoạt động cần thiết khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc không nhất thiết phải gặp khó khăn trầm trọng về tài chính, đôi khi chỉ là tình huống mà doanh nghiệp cần gọi thêm vốn, hợp lý hóa dòng tiền, cải tiến hiệu quả hoạt động để tăng lợi nhuận và một số lý do khác. Tái cấu trúc có thể giúp doanh nghiệp xác định các vấn đề trọng yếu ảnh hướng đến tính thanh khoản và hiệu quả hoạt động, đồng thời đưa ra các giải pháp khả thi.

Phản ứng với thay đổi đang xảy ra

Bán lẻ và khách sạn là hai ngành đại diện cho lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Trong các ngành này, nhu cầu tái cấu trúc và tổ chức lại các quy trình của doanh nghiệp thật sự lớn. Trước đại dịch, chưa hề có tiền lệ về việc cần xây dựng một nền tảng phản ứng nhanh, nhưng với tốc độ lây lan của virus như hiện nay, phản ứng nhanh quan trọng hơn bao giờ hết. Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi lớn về cách thức vận hành của thị trường bán lẻ.

Phục hồi sức mua thị trường nội địa cùng nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của Việt Nam trong việc giữ được tăng trưởng dương.

Với dự đoán kinh tế hiện nay, chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các thay đổi của ngành bán lẻ trong những tháng tiếp theo. Các doanh nghiệp bán lẻ thành công đã tận dụng được cơ hội này để hợp lý hóa và giảm thiểu số lượng cửa hàng hoặc đại lý. Điều này không phải là không tạo ra các hậu quả tiêu cực, vì việc giảm thiểu cửa hàng sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm việc làm và sa thải nhân viên. Một số doanh nghiệp bán lẻ như siêu thị còn thành công hơn nữa do được hưởng lợi từ việc không bị tác động bởi giãn cách xã hội và nhanh chóng áp dụng quy trình an toàn cho khách hàng và nhân viên, tạo cơ hội thu hút thêm lượng khách hàng lớn đến mua sắm ngay cả trong mùa dịch.

Những thay đổi được thực hiện thông qua việc tái cấu trúc hoạt động đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phục hồi và tiếp tục hoạt động của nhiều tổ chức. Nếu không nhanh chóng đưa ra quyết định và thực hiện các bước tái cấu trúc cần thiết, nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì được vị thế trên thị trường. Có thể quan sát thấy nhiều nhà hàng, quán bar, beer club đã đưa ra được hệ thống kinh doanh hoàn toàn khác với cách thức kinh doanh trước thời Covid-19 như tổ chức đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, ngồi bàn giãn cách, khuyến khích mua đem về, giao hàng tận nhà…

Ngành công nghiệp ô tô cũng nằm trong số những ngành phải thực hiện điều chỉnh vì sự thay đổi đột ngột từ Covid-19. Việc sản xuất quá nhiều xe trong giai đoạn nhu cầu thấp và việc thay đổi nhu cầu sử dụng từ xe xăng sang xe điện của người tiêu dùng đã tác động không nhỏ đến quá trình tái cấu trúc của ngành này. Các thay đổi này sẽ tiếp tục tác động đến cách thức chọn lựa của người tiêu dùng và hệ thống cửa hàng trưng bày trong tương lai có thể không còn quan trọng bằng tốc độ đưa ra phiên bản xe mới phù hợp.

Tiếp tục bình thường mới và những gì sau đó

Trên toàn cầu, chúng ta đã có dịp chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nhu cầu và sự quan tâm đối với các dịch vụ tái cơ cấu trong thời gian đầu đóng cửa, nhưng trong 12 tháng tới, yêu cầu này sẽ như thế nào? Sự hỗ trợ lớn chưa từng có từ Chính phủ đã góp phần giúp doanh nghiệp cầm cự, hạ nhiệt một phần nhu cầu tái cấu trúc. Song, Chính phủ không thể hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp vô thời hạn, nên có lý do chính đáng rằng dịch vụ tái cơ cấu sẽ có nhu cầu ngày càng cao trong những tháng tới. Thực tế là số tiền mà doanh nghiệp được vay để vượt qua Covid-19 sẽ đến lúc phải hoàn trả, điều này đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải đưa ra các quyết định cứng rắn hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Một trong những tác động phụ thú vị từ Covid-19 là xu hướng chuyển sang làm việc tại nhà. Chắc chắn điều này sẽ tác động nhất định đến bất động sản văn phòng cho thuê tại các vị trí trung tâm thành phố. Các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái, cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản nhà ở. Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể trong mua sắm trực tuyến gần như chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu tăng cao về kho bãi.

Một tác dụng khác của việc làm việc tại nhà là nhiều tổ chức nhận ra rằng, họ có thể duy trì hiệu quả khi nhân viên làm việc từ xa, điều này có khả năng dẫn đến giảm việc sử dụng không gian văn phòng sau thời Covid-19. Đã có rất nhiều ví dụ về các doanh nghiệp sắp xếp nơi làm việc nhỏ hơn để nhân viên có thể thay ca đến làm việc. Mọi người làm việc tại nhà nhiều hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ hàng ngày, cũng như các ngành dịch vụ kinh doanh thực phẩm và đồ uống trong ngày. Các quán café, đồ uống văn phòng và các địa điểm tương tự là những cơ sở cảm nhận rõ nhất về các tác động này.

Trọng tâm của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới là không nên quá tập trung vào những tình huống tiêu cực mà họ đang phải đối mặt, mà cần hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp tích cực. Có nhiều cách thức thông minh để tái cấu trúc lại hoạt động doanh nghiệp dựa trên môi trường kinh doanh hiện hữu, trong đó một số cách sẽ liên quan đến những quyết định khá khó khăn mà chủ doanh nghiệp phải cương quyết thực hiện trước khi doanh nghiệp có thể phục hồi.

Lê Khánh Lâm (Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục