Cơ Điện Lạnh (REE) tái cấu trúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đang đẩy mạnh quá trình cấu trúc lại doanh nghiệp theo mô hình holdings.
Các khoản đầu tư của REE đều được "gom" vào các công ty TNHH theo giá trị sổ sách. Các khoản đầu tư của REE đều được "gom" vào các công ty TNHH theo giá trị sổ sách.

Sắp xếp lại theo từng mảng kinh doanh

Đầu tháng 9/2020, REE đã thông qua quyết định sắp xếp lại tổ chức. Theo đó, Công ty thành lập các công ty TNHH, mỗi công ty quản lý từng lĩnh vực hoạt động chuyên biệt. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng, REE thành lập Công ty TNHH Năng lượng R.E.E, với vốn điều lệ 6.380 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực nước sạch, chuyển hình thức từ Công ty cổ phần Nước sạch REE sang Công ty TNHH Nước sạch REE, với vốn điều lệ là 1.630 tỷ đồng.

Với lĩnh vực bất động sản, REE chuyển hình thức Công ty cổ phần Bất động sản R.E.E sang Công ty TNHH Bất động sản REE với vốn điều lệ 912,1 tỷ đồng.

Trong đó, chuyển nhượng 14 công ty trong lĩnh vực năng lượng với giá trị sổ sách 6.201,3 tỷ đồng vào Công ty TNHH Năng lượng R.E.E; chuyển nhượng 8 công ty trong lĩnh vực cấp nước với giá trị sổ sách 1.610,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Nước sạch REE và chuyển nhượng 2 công ty trong lĩnh vực bất động sản với giá trị sổ sách 262,1 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bất động sản REE.

Ngày 13/11/2020, REE hoàn thành chuyển đổi 12 công ty năng lượng sang cho Năng lượng R.E.E (thiếu Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Phát triển điện Nông thôn Trà Vinh (DTV). Tới ngày 25/12/2020, REE đã chuyển nhượng toàn bộ PPC cho Năng lượng R.E.E.

Tính tới 5/1/2021, REE đã chuyển nhượng được 5 công ty trong lĩnh vực nước sang Công ty TNHH Nước sạch REE và 1 công ty bất động sản sang Bất động sản REE. Như vậy, về cơ bản, quá trình tái cơ cấu đã hoàn thành trong quý IV/2020, việc chuyển nhượng một số công ty còn lại sẽ thực hiện tiếp trong quý I/2021.

Theo giải thích của doanh nghiệp tại Đại hội cổ đông năm 2020, việc cấu trúc lại hoạt động theo mô hình holdings sẽ giúp nhà đầu tư, cổ đông đánh giá REE đúng với giá trị thực hơn. Mô hình hiện tại không phản ánh đầy đủ kết quả kinh doanh, tiềm năng sinh lời của từng mảng trên báo cáo tài chính. Điều này dẫn tới hạn chế khả năng huy động vốn của Công ty.

Được biết, khi doanh nghiệp huy động vốn cổ phần, trái phiếu, đi vay… từ quỹ đầu tư, ngân hàng để phục vụ hoạt động mở rộng kinh doanh, rủi ro lớn nhất đối với các tổ chức bên ngoài là khó kiểm soát được việc sử dụng vốn đúng mục đích đối với doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Nếu như việc tách bạch từng lĩnh vực này giúp REE huy động vốn tốt hơn trong tương lai, đây là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tham vọng mở rộng kinh doanh trong tương lai.

Nhiều khoản đầu tư ghi nhận giá vốn thấp

Việc chuyển nhượng các công ty con, công ty liên kết cho các công ty TNHH của REE đều được ghi nhận theo giá trị sổ sách, phần nhiều trong số đó thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Đơn cử, giá trị khoản đầu tư vào Thuỷ điện Thác Mơ (TMP) trên sổ sách là 382,2 tỷ đồng, nhưng giá thị trường tại ngày 5/1/2021 là 1.253,4 tỷ đồng, tức tăng thêm 871,24 tỷ đồng. Cùng thời điểm, khoản đầu tư vào Nhiệt điện Phả Lại có giá thị trường là 1.900,1 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách là 1.074,4 tỷ đồng.

Giá trị khoản đầu tư vào Thuỷ điện Thác Mơ (TMP) trên sổ sách là 382,2 tỷ đồng, nhưng giá thị trường tại ngày 5/1/2021 là 1.253,4 tỷ đồng, tức tăng thêm 871,24 tỷ đồng.

Tại Đầu tư Nước sạch Sông Đà (VCW), giá thị trường ước đạt 1.153,9 tỷ đồng, cao hơn giá sổ sách 462,7 tỷ đồng…

Các khoản đầu tư tại Thuỷ điện Thác Bà (TBC), Thuỷ điện Miền Nam (SHP), Cấp nước Thủ Đức (TDW), Cấp nước Gia Định (GDW), Cấp nước Nhà Bè (NBW)… cũng có giá thị trường cao hơn giá trị sổ sách.

Được biết, tính tới 30/9/2020, REE ghi nhận 9.339,1 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chiếm tới 47,1% tổng tài sản, trong đó, chủ yếu là đầu tư vào công ty trong lĩnh vực điện, nước và bất động sản, với giá trị sổ sách tương đối thấp.

Nhóm doanh nghiệp các ngành thiết yếu như điện, nước có hoạt động kinh doanh ổn định, luôn duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao hàng năm.

Với giá trị sổ sách của REE là 37.369 đồng/cổ phiếu, trong khi nhiều tài sản là các khoản đầu tư vào các công ty điện, nước có giá trị sổ sách thấp hơn nhiều giá trị thị trường, cổ phiếu REE đã thu hút sự chú ý của dòng tiền trong thời gian qua.

Kể từ khi có kế hoạch tái cơ cấu ngày 30/9/2020, thị giá REE đã tăng từ 40.200 đồng/cổ phiếu lên 50.200 đồng/cổ phiếu (ngày 5/1/2021), tức tăng gần 25%.

Mặc dù trải qua nhịp tăng điểm mạnh, tuy nhiên, định giá P/E của cổ phiếu mới chỉ đạt 10,92 lần, thấp hơn so với chỉ số VN-Index là 19,45 lần (theo dữ liệu Bloomberg ngày 5/1).

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục