Tái cấu trúc Bianfishco: Những rủi ro pháp lý chưa được đánh giá đúng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) BIDV, VDB đều đã khởi kiện SHB, đề nghị tòa án buộc ngân hàng này phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tái cấu trúc Bianfishco: Những rủi ro pháp lý chưa được đánh giá đúng

Vài năm trước, khi CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) lâm vào tình trạng mất thanh khoản, nợ ngân hàng, nợ người dân, là một trong những chủ nợ, SHB đã đứng ra tái cấu trúc doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến nay, công cuộc tái cấu trúc Bianfishco chưa có nhiều kết quả, trong khi các chủ nợ đối mặt với các tranh chấp pháp lý kéo dài.

Theo đó, BIDV, VDB đều đã khởi kiện SHB, đề nghị tòa án buộc ngân hàng này phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ðược biết, giữa năm 2012, khi đứng ra nhận tái cấu trúc, vực dậy Bianfishco, để có quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp, SHB và các chủ nợ BIDV, VDB đã có trao đổi, thỏa thuận và lập biên bản về việc các chủ nợ sẽ bàn giao các tài sản thế chấp, cầm cố và hồ sơ pháp lý các tài sản này cho doanh nghiệp để doanh nghiệp bàn giao cho SHB.

Ðổi lại, SHB sẽ phát hành chứng thư bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản nợ của Bianfishco tại VDB, BIDV.

Sau nhiều năm thực hiện thỏa thuận này, tranh chấp đã xảy ra. Các ngân hàng chủ nợ cho rằng đã giải chấp và bàn giao đầy đủ các tài sản, hồ sơ pháp lý cho doanh nghiệp, vì vậy, SHB phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Trong khi SHB lại cho rằng họ chưa được bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, vì thế, chứng thư bảo lãnh chưa phát sinh hiệu lực.

Trong số các tài sản thế chấp, cầm cố, ngoài các bất động sản, nhà xưởng, thiết bị, còn có 25 triệu cổ phần của bà Diệu Hiền tại Bianfishco (50% vốn điều lệ Công ty), số cổ phần này phải được giải chấp để chuyển về SHB thì SHB mới có thể cử người tham gia HÐQT, Ban giám đốc để điều hành doanh nghiệp.

Thông tin công bố cho thấy, vào tháng 8/2012, Bianfishco được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới ghi nhận SHB sở hữu 50% cổ phần tại Bianfishco.

Nhưng đến năm 2014, Bianfishco thông báo Nghị quyết HÐQT về việc miễn nhiệm, bầu bổ sung và phân công nhiệm vụ các thành viên HÐQT, đại diện của SHB tại Bianfishco đã rút lui.

Sau này, do Bianfishco không trả được nợ, các ngân hàng BIDV, VDB đều đệ đơn ra tòa đề nghị tòa án buộc SHB phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Tranh luận và các chứng cứ mà các ngân hàng đưa ra tại tòa án cho thấy có nhiều vấn đề phức tạp trong việc giải cứu một doanh nghiệp ở bờ vực phá sản cũng như các vấn đề pháp lý tài sản bảo đảm.

Ðầu tiên, đối với 25 triệu cổ phần của bà Diệu Hiền, bà này đã sử dụng để cầm cố cho nhiều ngân hàng, trong đó có BIDV và VDB, đồng thời cũng đem bán cho Công ty Hồ Mây.

Bianfishco dưới thời bà Diệu Hiền làm Chủ tịch HÐQT đã phát hành khống nhiều giấy chứng nhận cổ phần. Nhờ đó, bà Diệu Hiền đã sử dụng các giấy chứng nhận cổ phần này để cầm cố, bán cho nhiều bên.

SHB đã nhận được ủy quyền từ Công ty Hồ Mây để có 50% cổ phần này và tham gia vào doanh nghiêp theo quyền này. Sau khi ủy quyền hết hiệu lực, SHB đã rút lui khỏi Bianfishco.

Lật lại thông tin xa hơn, trước đây, Habubank đã ủy thác cho Công ty Hồ Mây mua 50% cổ phần này từ bà Diệu Hiền. Khi Habubank sáp nhập về SHB, việc này cũng được chuyển giao về SHB. Do đó, khi ra tòa, SHB khẳng định không nhận được bàn giao khối cổ phần này từ VDB, BIDV.

Với phần tài sản là các bất động sản, BIDV khẳng định đã bàn giao 65 bất động sản và hồ sơ pháp lý cho Bianfishco để Bianfishco bàn giao cho SHB.

Trong khi đó, SHB nhấn mạnh họ không nhận được tài sản. Chỉ có một danh mục tài sản được bàn giao cho ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền trong khi ông Trí không phải là đại diện theo pháp luật của Công ty, cũng không phải là thành viên HÐQT. Chưa kể, thẩm định tại chỗ của tòa án cho thấy có tài sản gắn liền với đất không tồn tại.

Một vấn đề khác là tư cách pháp lý của ông Trần Văn Trí trong Bianfishco. Tại thời điểm doanh nghiệp này lâm vào tình cảnh phá sản, bà Diệu Hiền xuất cảnh và không trở lại, các thành viên HÐQT của doanh nghiệp đều rời bỏ vị trí, ông Trí đã dựa vào một ủy quyền của bà Hiền để tham gia giải quyết các vấn đề của Công ty.

Trong biên bản thỏa thuận về việc phát hành chứng thư bảo lãnh và bàn giao tài sản bảo đảm, bàn giao hồ sơ pháp lý, ông Trí đã ký vào biên bản với tư cách là đại diện cho Bianfishco.

Tuy nhiên, đến nay, SHB và Bianfishco phủ nhận tư cách pháp lý của ông Trí. Lý do là bà Diệu Hiền có ủy quyền cho ông Trí một số phạm vi nhất định nhưng việc ủy quyền điều hành Công ty là trái quy định Luật Doanh nghiệp do ông Trí không phải là thành viên HÐQT. Chưa kể, khi đó ông Trí đang là viên chức Nhà nước, không được phép tham gia quản lý, điều hành Công ty.

Những vấn đề này khiến vụ kiện giữa BIDV và SHB, giữa VDB và SHB kéo dài nhiều năm. Gần đây nhất, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa 2 vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2 và đều bác đơn khởi kiện của BIDV, VDB với nhận định chính cho rằng, thư bảo lãnh của SHB chưa phát sinh hiệu lực.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục