Âm gần 2000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu – gấp 4 lần vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lần lượt rút lui khỏi vai trò Chủ tịch, thành viên HĐQT của CTCP Thủy sản Bình An khiến thị trường mường tượng khả năng Bianfishco có thể sẽ bị phá sản, kéo theo đó là khoản đầu tư cổ phần và dư nợ cho vay của SHB tại đây cũng mất trắng.
Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB lại cho thấy một bức tranh khác về thực trạng hoạt động của Bianfishco.
Thưa ông, thị trường đã khá sốc khi tiếp nhận thông tin Bianfishco sau hơn 2 năm được SHB tham gia tái cấu trúc vẫn ghi nhận con số âm vốn chủ sở hữu lên tới trên 1.996 tỷ đồng, trong đó riêng lỗ năm 2014 là 426 tỷ đồng. Dường như quá trình tái cấu trúc đã bị thất bại?
Không, thực sự là Bianfishco vẫn có những bước tăng trưởng! Con số lỗ phát sinh trên 426 tỷ đồng không phải do Bianfishco kinh doanh tiếp tục sa sút, mà là con số của cách hạch toán kế toán và hệ quả quá khứ để lại.
Cụ thể, năm 2012, khi SHB tham gia tái cấu trúc Bianfishco, lúc đó, Công ty có khoản nợ khoảng 1.700 tỷ đồng tại 7 ngân hàng khác nhau, nhà máy ngừng hoạt động, cả nghìn công nhân không có việc làm. Người dân bị nợ tiền cá nên rất bức xúc, họ đến nhà bà Diệu Hiền, trước nhà máy… để biểu tình, thậm chí là tẩm xăng dọa đốt…
Trong khi đó, SHB lúc đó do nhận sáp nhập Habubank nên đã trở thành cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ của công ty này. Một khách hàng của Habubank là Công ty Hồ Mây cũng có khoản cổ phần 50% vốn điều lệ của Công ty. Công ty Hồ Mây đã ủy quyền cho SHB đại diện 50% vốn tại Bianfishco. Trước tình cảnh phải tái cấu trúc nợ xấu Habubank, chúng tôi đã tham gia vào tái cấu trúc Bianfishco như thế.
Và khi tham gia tái cấu trúc, chúng tôi đã đàm phán với các chủ nợ để khoanh nợ khoản vay của Bình An, đứng ra trả nợ tiền mua cá cho người dân (trên 265 tỷ đồng), cấp vốn để công ty có nguồn vốn lưu động hoạt động, xúc tiến phát triển thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là bán đi những tài sản có giá trị nhưng giá trị sử dụng không lớn…
Ngay sau khi vào tái cấu trúc, Bình An đã bắt đầu có lãi. Hiện tại, nhà máy của Bình An vẫn đang hoạt động với hàng nghìn công nhân, xuất khẩu cá đang ngày một tăng trưởng chứ không có chuyện tiếp tục bị thua lỗ lớn và có nguy cơ đóng cửa.
Vậy ông giải thích thế nào về việc Chủ tịch, Tổng giám đốc SHB lần lượt rút lui khỏi HĐQT Bianfishco và khoản lỗ 426 tỷ đồng năm 2014?
Như tôi đã nói, các khoản nợ phát sinh trước tái cấu trúc đã được các ngân hàng chủ nợ cho phép khoanh nợ để tái cấu trúc. Khoanh nợ tức là tạm thời cho phép để riêng khoản đó lại, không phải chịu lãi vay và áp lực trả nợ. Thế nhưng, trong hạch toán kế toán, công ty vẫn phải ghi nhận lãi vay phát sinh, dẫn tới khoản lỗ tăng thêm như thế
Còn việc tôi và anh Lê (Tổng giám đốc SHB) rút lui khỏi Bình An, không phải là việc chúng tôi không tham gia tái cấu trúc công ty này nữa, mà đó là câu chuyện liên quan đến quy định tại Thông tư 36 của NHNN. Theo đó, NHTM không được cấp tín dụng cho tổ chức có liên quan.
Chúng tôi vừa làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của SHB, vừa tham gia lãnh đạo Bình An thì theo quy định sẽ không được cấp vốn vay cho Công ty nữa. Trong khi đó, toàn bộ khoản vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của Bình An là do SHB cấp, Công ty vẫn đang sinh lời và nuôi sống hàng nghìn công nhân. Đó là lý do chúng tôi rút lui, và cử cán bộ lãnh đạo cấp thấp hơn tham gia vào Bình An.
Bianfishco đang hạch toán lỗ thêm trên 400 tỷ đồng chi phí lãi vay năm 2014 dù đã được ngân hàng khoanh nợ
Ông nói Bình An vẫn đang sinh lời. Vậy năm 2014, Công ty có lãi bao nhiêu, nếu loại trừ yếu tố lãi vay mà ông nói trên thực tế Công ty không phải chịu?
Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế, cùng với việc tiết giảm chi phí tối đa, trong năm 2014, dù con số khiêm tốn, nhưng vẫn có lãi khoảng trên 10 tỷ đồng. Điều quan trọng là sau khi phục hồi sản xuất bên cạnh hoạt động sản xuất sản phẩm truyền thống là cá tra phile xuất khẩu, Bianfisco đang tập trung vào hai dự án lớn là nhà máy sản xuất nước uống bổ dưỡng collagen (đã sản xuất thành công 5 dòng sản phẩm) và nhà máy giá trị gia tăng. Đây là tiền đề quan trọng cho DN phát triển trong thời gian tới.
Thế mạnh của Việt Nam là nông – thủy sản, mỗi năm Việt Nam thu về khoảng 3 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản, với riêng cá ba sa là loại cá gần như độc quyền thế giới. Đó là lý do chúng tôi có niềm tin rất lớn vào việc thành công trong tái cấu trúc Bình An. Đó không chỉ là câu chuyện kinh doanh của riêng Bình An, SHB mà là lợi ích cộng đồng của người dân, công nhân, lợi ích quốc gia.
Nếu trong kịch bản tệ nhất của Bình An là đóng cửa, thì thiệt hại của SHB là bao nhiêu thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên rồi, SHB chỉ có khoản cổ phần 10%, tương đương 50 tỷ đồng vốn điều lệ tại Bình An, chứ không phải 50% vốn điều lệ như mọi người lầm tưởng, đó là khoản sở hữu của khách hàng, mà khi tham gia tái cấu trúc thì DN trên ủy quyền lại chúng tôi cùng tái cấu trúc. Ngoài ra, SHB có bơm tiền trả nợ cho người dân (hơn 265 tỷ đồng) và trên 100 tỷ đồng vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh..
Lại nói về câu chuyện tài sản, trong Báo cáo kiểm toán năm 2014, kiểm toán lưu ý về một số khoản tài sản được hạch toán nhưng không có đủ cơ sở kiểm toán để xác minh giá trị, có từ thời bà Diệu Hiền. Ông có thể cho biết lý do của tình trạng này?
Giai đoạn trước, việc quản lý tại Bianfishco mang phong cách gia đình, theo kiểu thích mua gì thì mua, mà đôi khi chứng từ không đầy đủ. Đây là lý do dẫn tới việc tài sản có nhưng chứng từ đi theo không đầy đủ, nên kiểm toán mới ngoại trừ như vậy, chứ không phải là Bình An không có hoặc bị thất thoát tài sản.