Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, do năm vừa qua, thị trường tái bảo hiểm trong nước có liên quan đến sự kiện tháng 5 tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh nên càng làm cho các nhà tái bảo hiểm khắt khe hơn.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn cho biết, không chỉ yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam phải kiểm soát chặt rủi ro, các nhà tái bảo hiểm quốc tế còn đưa ra những điều khoản, điều kiện rất chặt chẽ trước khi nhận các hợp đồng tái bảo hiểm từ trong nước, thậm chí là giảm khả năng nhận tái bảo hiểm và tăng phí nhận tái bảo hiểm cao hơn…
“Việc thắt chặt điều kiện nhận tái bảo hiểm từ các nhà tái bảo hiểm quốc tế cho năm 2015 không chỉ vì năm 2014 thị trường Việt Nam có nhiều tổn thất, mà điều này đã được các nhà tái bảo hiểm thực hiện từ vài năm gần đây, đặc biệt đối với những hợp đồng tái bảo hiểm liên quan đến rủi ro cháy nổ…”, vị đại diện trên nói.
Cũng theo phản ánh của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, có một số hợp đồng bảo hiểm trước đây không cần đồng tái bảo hiểm thì hiện nhà tái bảo hiểm yêu cầu phải có đồng tái bảo hiểm…
Các yêu cầu nhận tái bảo hiểm của các nhà tái bảo hiểm ngày càng khắt khe, khiến các doanh nghiệp trong nước cũng buộc phải kiểm soát chặt ngay từ khâu nhận các hợp đồng bảo hiểm, nhất là với những đơn bảo hiểm liên quan đến hàng hóa dễ cháy nổ thuộc nhóm rủi ro Cat 3, Cat 4 (phân loại rủi ro trong ngành bảo hiểm). Được biết, đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, kỹ thuật, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã cảnh bảo, nhóm rủi ro Cat 1, Cat 2 đang có chiều hướng xấu vì cạnh tranh không lành mạnh. Phí và miễn thường thấp quá ngưỡng cho phép và nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phải từ bỏ không tham gia bảo hiểm. Tổn thất của loại rủi ro này tăng lên chủ yếu do mở rộng phạm vi bảo hiểm phụ và không tính phí. Trong khi đó, phí bảo hiểm cho nhóm Cat 3 và Cat 4 cũng ở mức thấp, có thể gây rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Thực tế, việc tái bảo hiểm đối với các đơn bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, thị trường tái bảo hiểm đã khó khăn từ vài năm trước đây do các nhà tái bảo hiểm đưa ra mức giới hạn trách nhiệm cho một sự kiện bảo hiểm. Một số công ty môi giới bảo hiểm còn đưa thêm cả những rủi ro loại trừ vào rủi ro được bảo hiểm so với mẫu đơn chuẩn của thị trường bảo hiểm quốc tế. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm với loại rủi ro này, chắc chắc sẽ không được tiền bồi thường của nhà tái bảo hiểm quốc tế. Việc nhận tái trong nước ngay từ những năm 2012, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã từng cảnh báo việc các doanh nghiệp bảo hiểm chưa quản lý chặt chẽ khâu tái bảo hiểm trong nước dẫn đến nhiều rủi ro xấu. Doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận bảo hiểm khi đánh giá bảo hiểm gốc, nhưng lại vô tình bảo hiểm tại khâu nhận tái…
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc tái bảo hiểm cho các nhà tái quốc tế của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng khắt khe hơn không chỉ vì sự kiện Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh. Quyết định 3230 QĐ/BGTVT về thời hạn bảo hành 48 tháng cho các công trình xây lắp cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi tái bảo hiểm ra thị trường quốc tế.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, theo thông lệ, các công trình xây lắp chỉ quy định thời hạn bảo hành là 24 tháng, nên việc kéo dài gấp đôi thời hạn bảo hành các dự án xây dựng lắp đặt sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.
“Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ mất thêm thời gian, công sức thuyết phục nhà tái bảo hiểm chính chấp thuận cho việc kéo dài thời hạn dự án như quy định mới. Nếu nhà tái bảo hiểm không đồng ý, doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ phải tìm nhà tái bảo hiểm tạm thời (thường là những nhà tái bảo hiểm có quy mô nhỏ) hoặc phải chia nhỏ hợp đồng tái bảo hiểm. Việc quản lý các đơn bảo hiểm này vì thế cũng phức tạp hơn”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên cho biết.