"Tác động của bão Yagi với chất lượng tài sản ngân hàng ở mức thấp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Phan Duy Hưng, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating.
Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating

Dữ liệu GDP quý III/2024 được công bố cho thấy nền kinh tế khởi sắc so với 2 quý đầu năm. Theo ông, điều này sẽ tác động đến hoạt động ngân hàng như thế nào?

Mức tăng trưởng kinh tế 7,4% trong quý III khá ấn tượng, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Động lực chính của đà tăng trưởng này đến từ sản xuất công nghiệp và chế biến, chế tạo, đồng thời với đó là dòng vốn FDI dồi dào. Đây cũng là những động lực tác động đến toàn ngành ngân hàng, giúp tăng trưởng tín dụng của hệ thống được cải thiện trong quý vừa qua.

Nói cách khác, động lực cho tăng trưởng tín dụng trong quý III vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi khối doanh nghiệp thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu - vốn đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm, thay vì những năm trước là tăng trưởng tín dụng dẫn dắt bởi bán lẻ. Chúng tôi dự báo, những động lực này sẽ tiếp tục phát huy trong quý IV cũng như cả năm 2024.

Dẫu vậy, lĩnh vực bán lẻ đã có sự cải thiện nhất định trong quý III, ở một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính như Techcombank hay VIB. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng mảng chủ lực của Techcombank là sản phẩm cho vay mua nhà đã tăng 6% so với quý II và ở VIB là 7%. Đây là những tín hiệu khá tích cực.

Thị trường bất động sản ấm lên đang hỗ trợ tich cực cho tín dụng bán lẻ cũng như xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng

Thị trường bất động sản ấm lên đang hỗ trợ tich cực cho tín dụng bán lẻ cũng như xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng

Theo ông, điều gì giúp tín dụng bán lẻ cải thiện?

Theo tôi, sự cải thiện đến từ lĩnh vực bất động sản. Cung bất động sản trong 9 tháng đầu năm tăng, dẫn dắt chủ yếu bởi thị trường Hà Nội, khi thanh khoản đạt 19.000 - 20.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (ở khu vực Hà Nội), đến từ những đại dự án của các chủ đầu tư lớn. Theo đó, những ngân hàng có thế mạnh cho vay bán lẻ, bất động sản như Techcombank được hưởng lợi từ những cải thiện này.

Thị trường bất động sản TP.HCM 9 tháng dù khá trầm lắng so với thị trường phía Bắc do vướng mắc về mặt pháp lý tại nhiều dự án, nhưng thời gian gần đây đã có sự cải thiện rõ rệt, đến từ động thái của các cơ quan quản lý liên quan đến việc phê duyệt dự án hoặc ban hành giá đất, khung giá đất… Đây là những tiền đề để chủ đầu tư tiếp tục triển khai các dự án và đưa thêm nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường.

Quan sát của chúng tôi trên thị trường cho thấy, các chủ đầu tư ở TP.HCM đã lên kế hoạch, trong quý IV/2024 hoặc giai đoạn đầu năm 2025 công bố dự án mới sau khi đã được khơi thông về mặt pháp lý, như Đất Xanh với dự án Gem Riverside. Những chuyển biến tích cực cũng diễn ra với chủ đầu tư như Khang Điền, Nam Long, Phát Đạt sẽ giúp cung cấp thêm các dự án mới cho thị trường trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2024. Được biết, cuộc điều tra này được thực hiện trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, vậy nhưng, các tổ chức tín dụng cho biết, trong quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ”, có xu hướng “tăng nhẹ”. Ông có nhận định gì về điều này?

Trên cơ sở tổng hợp số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tác động của cơn bão Yagi lên chất lượng tài sản các ngân hàng là ở mức thấp. Tổng dư nợ bị ảnh hưởng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, vào khoảng 165.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,1% tổng dư nợ toàn ngành. Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh bị ảnh hưởng nhiều hơn các ngân hàng tư nhân, ví dụ như Agribank, do đối tượng khách hàng ở trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão.

Theo chia sẻ của các ngân hàng tại những cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước được thống kê lại cho thấy, tổng dư nợ bị ảnh hưởng tại VietinBank chiếm khoảng 1,1%, Agribank xấp xỉ 1,4%… Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng đã có những động thái tích cực để giảm thiểu tác động của cơn bão Yagi.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo một số thông tư để có thể hỗ trợ cơ cấu giãn nợ các khoản vay cho những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão. Theo đó, thời gian cơ cấu, giãn nợ sẽ áp dụng cho các khách hàng phát sinh việc trả gốc, lãi từ thời điểm đầu tháng 9 đến hết 31/12/2025 và việc cơ cấu thêm ngày đáo hạn không quá 31/12/2026. Các thông tư được ban hành nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn là các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường.

Thứ hai, các ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra những gói hỗ trợ về lãi suất từ 0,5 - 2%/năm nhằm giảm gánh nặng trả nợ cho khách hàng.

Tổng quan lại, những động thái từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng quốc doanh là chủ động trong việc quản lý rủi ro và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi để có thêm thời gian cải thiện dòng tiền.

Về tỷ lệ nợ xấu trong quý III, mặc dù chưa có số liệu đầy đủ, chính thức nhưng qua các sự kiện ngân hàng chia sẻ với nhà đầu tư cho thấy đã có sự phân hoá. Cụ thể, đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, tỷ lệ này đang dần giảm dưới 1,5%, đối với nhóm ngân hàng tư nhân, tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng.

Đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, khẩu vị rủi ro khá chặt chẽ và tập khách hàng có sự chọn lọc về phân khúc khách hàng hơn (so với những ngân hàng tư nhân và đặc biệt là ngân hàng tư nhân cỡ vừa) nên tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, tỷ lệ nợ xấu cũng có sự phân hóa. Ví dụ, nhóm ngân hàng nhỏ đã công bố báo cáo tài chính như PGBank tăng khá mạnh trong giai đoạn vừa qua. Nguyên nhân vốn tiếp diễn từ các quý đầu năm là tập khách hàng của hai ngân hàng này đến từ phân khúc khách hàng SME và bán lẻ, vốn chịu ảnh hưởng, tác động của kinh tế vĩ mô. Đối với nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn, nợ xấu có tăng nhưng mức tăng không lớn, khoảng 0,1% như Techcombank.

Tác nhân gây ra nợ xấu, kể cả ở các ngân hàng quốc doanh hay tư nhân chủ yếu đến từ nhóm ngành xây dựng và bất động sản, hay như bán lẻ cũng liên quan đến cho vay mua nhà...

Tín dụng mới chỉ bật tăng mạnh từ tháng 9 vừa qua trong bối cảnh tăng chậm trong các tháng trước đó. Theo ông, tăng trưởng tín dụng chậm tác động ra sao đến nợ xấu?

Thị trường đang đề cập nhiều đến vấn đề tín dụng tăng đột biến vào thời điểm cuối quý II, hay quý III, nhưng nếu nhìn lại năm 2023, chúng ta cũng sẽ thấy có sự tăng đột biến như vậy. Điều chỉnh lại những yếu tố đột biến, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm khoảng 9%, khá tích cực so với mức 7% cùng kỳ năm ngoái.

Quan trọng hơn cả, quan điểm của chúng tôi là, khách hàng nợ xấu hiện hữu nhưng có sự cải thiện về dòng tiền, thu nhập để có thể trả được nợ cho ngân hàng. Hay nói cách khác, ngân hàng quản trị rủi ro như thế nào để có thể giảm thiểu những nợ xấu phát sinh mới trong tương lai. Tóm lại, chúng tôi không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng, mà tập trung vào chất lượng tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Ông dự báo nợ xấu quý VI và cả năm 2024 sẽ diễn biến như thế nào?

VIS Rating vẫn dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ dần giảm từ nay đến cuối năm và một trong những nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ đến từ nhóm ngân hàng quốc doanh - vốn chiếm quy mô rất lớn trong hệ thống - đang có sự phục hồi về chất lượng tài sản sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành giảm đi.

Đáng chú ý, chiến lược cho khoản vay mới của ngân hàng cũng đã thay đổi. Sau giai đoạn 2022 - 2023, nợ xấu đi kèm với môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, rất nhiều ngân hàng, đặc biệt trong mảng bán lẻ đã có sự chuyển dịch nhất định. Ví dụ như đối với sản phẩm cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng…, các điều kiện đi kèm được thắt chặt hơn.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục