Chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là điểm đáng lưu ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận xét của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) về bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng thương mại.
Chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là điểm đáng lưu ý

Bà nhận định gì về kết quả kinh doanh của các ngân hàng sau khi báo cáo tài chính quý IV/2023 được công bố?

Tính đến ngày 31/1, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 của ngành ngân hàng đã lộ diện với nhiều điểm tích cực hơn so với kỳ vọng. Ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của các ngân hàng niêm yết tăng 25% so với cùng kỳ năm trước đó, mức tăng trưởng đáng kể so với đà giảm của các quý trước đó (giảm 4% trong quý I/2023, giảm lần lượt 1,2% và 1,4% trong quý II và quý III). Lợi nhuận của các ngân hàng khởi sắc hơn trong quý cuối năm chủ yếu do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cũng như chi phí vốn giảm mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2023, tín dụng tăng trưởng 13,5% so với đầu năm, trong khi đó mức tăng tính đến 30/9/2023 chỉ đạt gần 7%, có nghĩa là lượng vốn cho vay mới tăng gấp đôi chỉ trong quý cuối năm. Đây là kết quả từ những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy cả cung và cầu vốn.

Về phía cung, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối tháng 11/2023, cũng như nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn thông qua giãn/hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ… đối với các trường hợp cụ thể.

Về phía cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân bằng môi trường lãi suất thấp, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1%/năm so với năm 2022 và ngang giai đoạn đại dịch Covid-19, thậm chí là thấp hơn từ 0,3 - 0,5%/năm.

Ngoài yếu tố tăng trưởng tín dụng thì con số lợi nhuận quý IV/2023 của các ngân hàng còn nhờ biên lãi ròng (NIM) đã cải thiện đáng kể?

Đúng vậy. NIM của các ngân hàng thương mại niêm yết đã cải thiện đáng kể trong quý IV/2023, khi chi phí vốn giảm.

Theo quan sát của tôi, chi phí vốn tăng trong nửa đầu năm 2023, sau đó đảo chiều giảm mạnh từ quý III theo đà giảm của lãi suất huy động. Tại thời điểm cuối năm 2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm chi phối vào khoảng 5,1%/năm và 4,9%/năm, giảm khoảng 1,5 - 2%/năm so với đầu năm, thậm chí thấp hơn so với mức trung bình 5,5%/năm trong giai đoạn dịch Covid-19. Do chi phí vốn giảm, biên lãi ròng trung bình của các ngân hàng thương mại niêm yết trong quý IV/2023 cải thiện khoảng 10 điểm cơ bản so với các quý trước đó. Đây là hai yếu tố chủ yếu đẩy lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này.

Kết quả lợi nhuận khởi sắc trong quý IV đã kéo lợi nhuận chung của ngành ngân hàng tăng khoảng 3% trong cả năm 2023. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đều có tăng trưởng lợi nhuận tích cực như: Vietcombank (tăng 10%), BIDV (tăng 21%), MB (tăng 16%), VietinBank (tăng 19%), ACB (tăng 17%), HDBank và Sacombank lần lượt ghi nhận lợi nhuận tăng 17% và 51% trong năm 2023. Ở chiều ngược lại, trong số các ngân hàng lớn, Techcombank và VPBank ghi nhận lợi nhuận giảm 10% và 48%.

Năm 2023, MB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 16% so với năm trước đó

Năm 2023, MB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 16% so với năm trước đó

Đã có sự phân hoá trong bức tranh lợi nhuận năm 2023, thưa bà?

Theo quan sát của tôi, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 13,5% song tập trung mạnh ở nhóm ngân hàng có quy mô lớn như BIDV, MB, HDBank, Techcombank… Điều này cho thấy những ngân hàng có danh mục khách hàng doanh nghiệp lớn có lợi thế đẩy mạnh hoạt động cho vay nhanh hơn, trong khi tín dụng bán lẻ, cho vay cá nhân đang tăng trưởng chậm.

Ngoài thu nhập từ lãi, trong năm 2023, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cũng đã cải thiện khi nhiều ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đáng kể, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm doanh thu từ hoạt động bancassurance. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ mức 22% trong năm 2022 lên mức 25% trong năm vừa qua.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng đã giảm đáng kể trong năm 2023. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trung bình của các ngân hàng niêm yết ước giảm 200 điểm cơ bản, xuống khoảng 41%. Nhiều ngân hàng thương mại lớn đã đưa tỷ lệ này xuống mức dưới 35% trong năm nay.

Bà có nhận định gì về bức tranh nợ xấu của các ngân hàng?

Chất lượng tài sản vẫn là điểm đáng lưu ý trong bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ở mức 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với năm 2022 và là mức cao nhất từ năm 2015 đến nay. Hầu như tất cả các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với đầu năm và các quý liền trước. Trung bình, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, con số này ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 0,7%.

Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ghi nhận 93,8% (năm 2022, tỷ lệ này là 136,9%). LLR của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cao hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ đã giúp tỷ lệ nợ xấu và sự sụt giảm LLR giảm tốc. Nợ xấu toàn ngành tăng mạnh từ 1,4% cuối năm 2022 lên 2,1% vào cuối quý II/2023, nhưng chỉ tăng 10 điểm cơ bản trong quý III/2023. LLR giảm hơn 21% trong nửa đầu năm 2023 nhưng chỉ giảm 5,8% trong quý III/2023.

Trong năm 2023, hoạt động tăng vốn của ngân hàng không có nhiều điểm nhấn. Ngoại trừ VPBank với thương vụ phát hành thành công riêng lẻ 15% cho SMBC, các ngân hàng khác hầu như không có hoạt động tăng vốn nào đáng kể.

Liên quan đến câu chuyện nợ xấu của ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI cho biết, mặc dù việc luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu là một trong những điểm được thảo luận nhiều trong các phiên góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, nhưng trong văn bản Luật chính thức được thông qua hôm 18/1 đã không đưa vào toàn bộ các điều khoản của nghị quyết này.

Theo bà Hà, Nghị quyết 42 được ban hành khi nợ xấu toàn hệ thống trên mức 10% (theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước) và có hiệu lực từ năm 2017 đến năm 2022. Nghị quyết này chỉ áp dụng đối với nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017. Điểm quan trọng nhất của nghị quyết này là trao quyền lớn hơn cho các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản thế chấp liên quan các khoản nợ xấu và áp dụng quy trình rút gọn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, cơ chế này chưa được quy định thành điều khoản cụ thể và chưa được áp dụng cho tất cả các khoản vay. Ở các dự thảo trước, điều khoản cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã được đề cập, nhưng cuối cùng bị lược bỏ ở văn bản Luật được chính thức thông qua.

Theo đó, bà Hà cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu trong chu kỳ này sẽ cần thêm thời gian và những ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng cũng như bộ đệm vốn tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục