Chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng có chiều hướng xấu, do thị trường bất động sản gặp khó khăn và phần lớn khách hàng doanh nghiệp thiếu đầu ra.
Hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi đây là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi đây là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Nợ xấu gia tăng

Chất lượng nợ vay của Saigonbank suy giảm trong nửa đầu năm 2023 khi tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,12% lên 2,3%.

Nợ xấu của LPBank tăng 65% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 80%, lên 2.438 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,46% cuối quý II/2023 lên 2,23% cuối quý II/2023; tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 142,1% xuống 78,5%.

Chất lượng nợ vay của BaoViet Bank giảm rõ rệt khi tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2023 ghi nhận 1.756 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi và chiếm đến 87% trong tổng nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Ngân hàng tăng từ 3,34% lên 4,69%.

ABBank vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 638 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 23% kế hoạch cả năm. Theo lý giải của lãnh đạo ABBank, lợi nhuận giảm là do nợ xấu tăng, dẫn tới Ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Ngân hàng tính đến cuối quý II/2023 là 2,86%, song các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ABBank đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước (216 tỷ đồng). Nợ xấu của Ngân hàng tăng 65,1%, lên 5.656 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng ở cả ba nhóm nợ. Riêng tỷ lệ nợ xấu trong quý II/2023 là 2,27%, tăng so với mức 1,49% cuối năm 2022.

Tại PG Bank, ngân hàng này đã trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm 2023, giảm 39% so với cùng kỳ, do đó lợi nhuận trước thuế tăng 24%, đạt 303 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của PG Bank tăng 4% so với đầu năm nay, nhưng tổng nợ xấu tăng 13%, lên hơn 839 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là nhóm tăng mạnh, còn nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhưng chiếm tới 66% trong tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,77%.

Nợ xấu của BacA Bank tăng 32% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 316%, lên 175 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,55% lên 0,7%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu là 158%, giảm so với mức 204% cuối năm 2022.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng đang được kiềm chế, nhưng có thể tăng thêm trong năm 2024 và có sự phân hóa rõ nét. Với nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao.

Thực tế hiện nay, các ngân hàng được tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, song nhiều nhà băng không mặn mà giãn, hoãn nợ. Một số ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đã giãn, hoãn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho khách hàng, nhưng nguồn tin đáng tin cậy cho biết, không ít doanh nghiệp, người dân làm đơn yêu cầu được giãn, hoãn nợ và bị ngân hàng từ chối vì không đủ điều kiện.

Áp lực sẽ lớn hơn vào năm 2024

Nợ xấu của ngành ngân hàng được dự báo sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, diễn biến của chất lượng tài sản sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập năm 2023 của các ngân hàng và lợi nhuận khó đột biến. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng chủ yếu đến từ việc lãi suất tăng cao đi kèm với tình hình kinh doanh của khách hàng kém khả quan.

Theo TS. Huân, tỷ lệ nợ xấu mở rộng phần nào cho thấy nợ xấu chưa đạt đỉnh, nhưng các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc cắt giảm lãi suất, cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của VCBS nhận định, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Tuy nhiên, hoạt động xử lý nợ xấu có thể tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động, các ngân hàng đã gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng. Chẳng hạn, Techcombank trích gần 1.342 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm 2023, gấp 2 lần cùng kỳ. Riêng quý II/2023, Ngân hàng dùng 807 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 93% so với cùng kỳ, do đó lãi trước thuế quý II năm nay còn 5.649 tỷ đồng, giảm 23%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến hết quý II/2023 là 115,8%.

Ngược lại, Saigonbank dự phòng rủi ro tín dụng hơn 85 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, giảm 53% so cùng kỳ, nhờ đó lợi nhuận trước thuế tăng 4%, lên 183 tỷ đồng. Riêng quý II năm nay, mức trích lập dự phòng của Ngân hàng giảm 48% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 53 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 2% lên gần 79 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng tái cấu trúc dư nợ (tiêu dùng và sản xuất); tái cấu trúc thời hạn trả nợ lên đến 12 tháng; cho phép ngân hàng thương mại trích lập dần trong năm 2023 và 2024.

Theo các chuyên gia, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Các ngân hàng đang tích cực bán các khoản nợ xấu với tài sản thế chấp lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trước bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng hết hiệu lực từ cuối năm 2023 đặt ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, giúp ngân hàng khoanh nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng, cũng như duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục