Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Tại Việt Nam cũng như trong thông lệ quốc tế, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ luôn là công cụ pháp lý có tính chất dự phòng, nhưng quan trọng nhất để bảo toàn, thúc đẩy các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong đó, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) luôn là giải pháp cuối cùng mà cả bên cung ứng vốn và bên tiếp nhận vốn đều không mong muốn, nhưng buộc phải thực hiện để khắc phục, ngăn chặn những hệ quả tiêu cực do hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Sự lành mạnh, hiệu quả của chuỗi cung ứng vốn có bảo đảm cũng là một trong những “hàn thử biểu” của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Nhận thức rõ vấn đề này, Việt Nam trong thời gian qua luôn quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế. Thực tế, đến thời điểm hiện tại, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã là một chế độ pháp lý khá đầy đủ, đa dạng, nhưng phức tạp, không chỉ quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, mà còn tại nhiều luật khác có liên quan, tại văn bản pháp luật của Chính phủ, của cấp có thẩm quyền, từ pháp luật về nội dung (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, doanh nghiệp, đầu tư…), đến pháp luật về bảo đảm thực thi (công chứng, đăng ký, đấu giá, tố tụng, thi hành án).
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp |
Bên cạnh đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng cho thấy sự điều hành linh hoạt trong hoàn thiện thể chế và trong việc đưa ra các giải pháp kịp thời, xử lý các vấn đề thực tiễn vận hành của nền kinh tế nói chung, thị trường tín dụng nói riêng. Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua trên cơ sở hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện cũng đã không ngừng có chính sách điều hành, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu về vốn của nền kinh tế ngày một hiệu quả, an toàn hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều bất cập, vướng mắc về quy định pháp luật và trong áp dụng, thi hành pháp luật về lĩnh vực này. Trong đó, sự thiếu minh thị, nhất quán về chính sách pháp lý trong xử lý TSBĐ có lẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất, góp phần làm chậm lại sự vận hành hiệu quả của các chuỗi cung ứng vốn, không chỉ làm gia tăng rủi ro cho chủ thể cung ứng vốn, mà còn làm cho chủ thể có nhu cầu vốn ngày càng khó khăn hơn hoặc phải chịu chi phí cao hơn, sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.
Qua công tác quản lý nhà nước và theo dõi thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm, cũng như qua hoạt động tố tụng và thi hành án, cá nhân tôi nhận thấy, sự lúng túng của chúng ta về chính sách pháp lý trong xử lý TSBĐ trong thời gian qua chủ yếu là chưa tách bạch, minh thị rõ ràng giữa tôn trọng, thực hiện theo thỏa thuận của các bên và giới hạn thực hiện quyền xử lý TSBĐ; chưa tách bạch, thậm chí còn “lẫn lộn” về giải pháp trong tôn trọng, thực thi hợp đồng, bảo vệ người yếu thế (nếu có) và trong xử lý hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, pháp luật liên quan hiện hành cũng còn thiếu cơ chế pháp lý đồng bộ để bảo đảm thực thi quyền của bên nhận bảo đảm đối với TSBĐ trên cơ sở cam kết từ chính bên bảo đảm.
Sự lành mạnh, hiệu quả của chuỗi cung ứng vốn có bảo đảm là một trong những “hàn thử biểu” của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Thực tiễn pháp lý trong thời gian qua cho thấy, từ một số vụ việc liên quan đến việc bên nhận bảo đảm thực thi không đúng phạm vi quyền trong xử lý TSBĐ hoặc từ một số vụ việc việc xử lý TSBĐ mặc dù được thực hiện theo đúng cam kết, thỏa thuận, nhưng do làm xáo trộn cuộc sống của bên bảo đảm và người liên quan của họ mà dẫn tới có những tiếp cận từ cơ quan có thẩm quyền theo hướng khái quát hóa thành một giải pháp cứng nhắc, áp dụng chung.
Để khắc phục bất cập nêu trên, cá nhân tôi cho rằng, về tổng thể, Nhà nước cần đảm bảo thực thi đúng quy định của Hiến pháp về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, của Bộ luật Dân sự về “mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”; “cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”; “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”; “cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự” và “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Cần các giải pháp căn cơ, đồng bộ
Từ những tồn tại, hạn chế trên, cá nhân tôi cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ trên các khía cạnh sau đây:
Một là, trong xác định quyền, nghĩa vụ của các bên và trong giải quyết các vụ việc tranh chấp về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung, xử lý TSBĐ nói riêng, cần bảo đảm tối đa tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, ngay cả đối với các vấn đề pháp lý pháp luật không quy định, nhưng không thuộc điều cấm của luật. Trong quan hệ dân sự, trường hợp pháp luật không có quy định thì không xác định đó là điều cấm mà phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản, án lệ, lẽ công bằng.
Bên cạnh đó, tôn trọng nguyên tắc pháp lý đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự, biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì phải đảm bảo bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi TSBĐ, được quyền ưu tiên thanh toán.
Biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng thì mọi cá nhân, tổ chức khác phải biết về việc tài sản đã được dùng để bảo đảm, trên cơ sở đó bảo vệ bên nhận bảo đảm và giải quyết quan hệ pháp lý giữa người thứ ba với bên bảo đảm có giao dịch với họ độc lập với việc thực hiện quyền của bên nhận bảo đảm đối với TSBĐ.
Để đáp ứng có đủ công cụ pháp lý trong giải quyết vụ việc về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nhất là đối với những trường hợp pháp luật không quy định, quy định không rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, Tòa án nhân dân Tối cao cần xây dựng hệ thống án lệ, văn bản hướng dẫn xét xử; Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền khác về tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và thi hành án dân sự cần kịp thời có những hướng dẫn nghiệp vụ trong thực thi pháp luật về bảo đảm tôn trọng cam kết, thỏa thuận của các bên, trừ khi thỏa thuận đó vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội.
Số hóa đăng ký tài sản là giải pháp rất cần thiết. |
Hai là, cần cụ thể hóa cơ chế pháp lý về việc bên nhận bảo đảm tiếp cận TSBĐ để xử lý. Liên quan đến vấn đề này, Bộ luật Dân sự không quy định trực tiếp về thu giữ, nhưng đã ghi nhận một phần thông qua quy định cho phép các bên thỏa thuận về phương thức xử lý TSBĐ tại Điều 303, thanh toán chi phí thu giữ TSBĐ từ số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp tại Điều 307 và trong trường luật khác có liên quan có quy định tại Điều 301.
Cơ chế để thực hiện việc thu giữ TSBĐ hiện tại chỉ được quy định cụ thể trong xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhưng văn bản này không giải nghĩa rõ nội hàm và các hành vi được thực hiện trong thu giữ TSBĐ, dẫn tới vẫn còn có cách hiểu khác nhau và không có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, quy định tại Nghị quyết này cũng chỉ là áp dụng “thí điểm” nên tính ổn định về cơ sở pháp lý không cao.
Từ các quy định chung của Bộ luật Dân sự và yêu cầu về việc có cơ sở pháp lý ổn định hơn, cơ chế pháp lý về tiếp cận, kiểm soát TSBĐ để xử lý cần được kịp thời hoàn thiện ở tại văn bản luật của Quốc hội theo hướng, tôn trọng tối đa sự thỏa thuận của các bên theo đúng tinh thần các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong quy định về các phương thức xử lý TSBĐ, bao gồm cả việc thực hiện thu giữ, kiểm soát, trực tiếp TSBĐ.
Đồng thời, pháp luật cũng cần có cơ chế pháp lý phù hợp, linh hoạt hơn về xác lập quyền của bên nhận bảo đảm trong xử lý TSBĐ có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường, như TSBĐ là phần vốn góp trong các công ty cổ phần, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán; bổ sung cơ chế pháp lý để bên nhận bảo đảm hoặc chủ thể có quyền khác như cơ quan thi hành án dân sự tham gia vào tổ chức, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có TSBĐ bị xử lý để vừa đảm bảo kiểm soát theo thẩm quyền luật định đối với tài sản đang dùng để bảo đảm, vừa đảm bảo sự ổn định của giao dịch, của thị trường liên quan.
Liên quan đến thủ tục tố tụng, pháp luật tố tụng dân sự cần kịp thời hoàn thiện theo hướng ghi nhận và thực hiện khả thi hơn trong áp dụng thủ tục rút gọn đối với giải quyết tranh chấp về xử lý TSBĐ, theo hướng: Việc xử lý TSBĐ đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm (HĐBĐ), hợp đồng này đã được công chứng, biện pháp bảo đảm đã được đăng ký thì được áp dụng thủ tục rút gọn; bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan về việc không thực hiện, thực hiện không đúng cam kết trong HĐBĐ; công chứng viên phải chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Công chứng về việc bảo đảm giá trị pháp lý của HĐBĐ đã được công chứng; cơ quan có thẩm quyền về đăng ký biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về đăng ký trong việc cung cấp thông tin đối với biện pháp bảo đảm đã được đăng ký.
Ba là, Bộ luật Dân sự quy định biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng thì bên nhận bảo có quyền được truy đòi TSBĐ, được quyền ưu tiên thanh toán. Tuy nhiên, ngoại trừ quy định tại Điều 658 về thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ liên quan đến thừa kế, Bộ luật Dân sự tại Điều 308 mới chỉ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm khi xử lý TSBĐ mà chưa có hoặc có cơ chế pháp lý không đầy đủ để điều chỉnh quan hệ giữa bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác có liên quan về mặt lợi ích đến TSBĐ như Nhà nước trong trường hợp bên bảo đảm là chủ thể có nghĩa vụ tài chính với nhà nước; người lao động trong trường hợp doanh nghiệp là bên bảo đảm bị giải thể, phá sản... Điều này dẫn đến sự hạn chế về tính minh bạch, có thể làm phát sinh nhiều xung đột về lợi ích, tranh chấp liên quan đến thanh toán số tiền có được từ xử lý TSBĐ trong thực tế, nhất là khi thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp, TSBĐ có thể là đối tượng của giao dịch dân sự khác hoặc đối tượng của quản lý nhà nước, đối tượng đang có tranh chấp hoặc là tài sản thi hành án...
Bốn là, pháp luật cần có đầy đủ cơ chế pháp lý xử lý nghiêm, kịp thời, công bằng đối với những trường hợp bên nhận bảo đảm, chủ thể khác có liên quan lạm dụng quyền trong xử lý TSBĐ để trục lợi, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm, người liên quan của họ hoặc của chủ thể khác có liên quan.
Năm là, Nhà nước cần kịp thời hoàn thiện thể chế theo hướng có cơ sở pháp lý thống nhất, ổn định, hiệu lực cao và hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản. Theo hướng, hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm cùng cơ quan có thẩm quyền về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm phải đồng bộ, thống nhất với chiến lược xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động tố tụng, số hóa đăng ký tài sản, số hóa công chứng giao dịch, các hoạt động bổ trợ tư pháp khác, cũng như với thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Trong đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về biện pháp bảo đảm, TSBĐ giữa cơ quan đăng ký với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nêu trên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo minh bạch về tài sản, giao dịch, kịp thời, chi phí thấp trong xác lập, thực hiện giao dịch và trong giải quyết các vụ việc liên quan.