Càng gần đến ngày Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên TTCK (thay thế Thông tư 74/2011) có hiệu lực, giới đầu tư càng nóng lòng chờ câu trả lời từ phía nhà quản lý, tổ chức thị trường cho một vấn đề mà họ đang quan tâm là cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) có được triển khai ngay sau thời điểm văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/7 tới hay không?
Không khó để lý giải tại sao giới đầu tư lại “khát” T+0 đến như vậy. Đơn giản là trong bối cảnh NĐT, nhất là NĐT cá nhân nhỏ lẻ vẫn luôn nghi ngờ về khả năng bị đối xử thiếu công bằng khi CTCK ưu ái cho một số NĐT “ruột” bán khống chứng khoán, đồng thời cơ chế giao dịch T+2 là rủi ro với họ trước thực tế diễn biến thị trường luôn tiềm ẩn khả năng đảo chiều khó lường, họ cần T+0 để giảm thiểu những rủi ro này.
Còn một tác động tích cực nữa một khi T+0 được triển khai. Đó là giới đầu tư kỳ vọng khi giải pháp này được áp dụng sẽ tăng vòng quay của dòng tiền, từ đó hỗ trợ cho tăng thanh khoản của thị trường- yếu tố mà giới đầu tư chờ đợi suốt thời gian qua, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào khả dĩ, ngay cả khi cơ chế nới room cho NĐT ngoại đã được triển khai.
Nói như vậy để thấy trông đợi triển khai T+0 của giới đầu tư là chính đáng. Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, giải pháp T+0 chưa thể áp dụng ngay sau khi Thông tư 203/2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Thời điểm áp dụng T+0 đang còn để ngỏ, bởi để triển khai được giải pháp khá phức tạp này về mặt kỹ thuật, đòi hỏi thời gian, công sức, chi phí đầu tư về hạ tầng kỹ thuật của các bên liên quan, đặc biệt là các CTCK và hệ thống thanh toán, bù trừ tại Trung tâm Lưu ký (VSD).
Trong khi đó, phía VSD cho biết, Trung tâm đang trong giai đoạn khảo sát kinh nghiệm quốc tế, để trên cơ sở đó tiến hành các bước nghiên cứu nhằm tìm lời giải tối ưu cho bài toán hạ tầng khá phức tạp cho triển khai T+0. Do đó, hiện chưa thể khẳng định thời điểm chắc chắn cho triển khai nghiệp vụ này.
Bước chuyển động trên của nhà quản lý và tổ chức thị trường cho thấy, nhiều khả năng triển khai T+0 khó có thể được tiến hành trong năm nay, nhất là trong bối cảnh cả VSD và các CTCK, Sở GDCK đang dồn sức cao độ cho hoàn thiện hệ thống giao dịch; thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh, để sẵn sàng cho mở cửa thị trường này đầu năm tới.
Dẫu khác với nhiều lĩnh vực khác, việc triển khai các giải pháp mới cho TTCK luôn có khoảng cách khá xa kể từ khi chính sách có hiệu lực đến triển khai trên thực tế, bởi liên quan đến tính phức tạp của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Tuy nhiên, với một nghiệp vụ được giới đầu tư và thị trường chờ đợi như T+0, họ đang chờ một lộ trình hợp lý với thời gian biểu dự kiến cụ thể, thay vì nhà quản lý đang để ngỏ như hiện tại.