Những nghi vấn sai phạm đã “khui ra”
Trong tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2012 mà website của Sudico vẫn còn lưu giữ có Báo cáo Ban kiểm soát Công ty, với rất nhiều điểm nghi vấn sai phạm của Ban lãnh đạo Sudico trước 2012.
Theo Báo cáo này, Ban Kiểm soát của Sudico (là Ban Kiểm soát mới được thành lập sau phiên họp ĐHCĐ bất thường đầu năm 2012, không phải Ban Kiểm soát đã thực hiện nhiệm vụ trong năm 2011) nêu ra một số nghi vấn sai phạm lớn như sau.
Thứ nhất là sai phạm về sử dụng vốn.
Theo tài liệu của Ban Kiểm soát, trong năm 2011, Sudico đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu DN, với tổng giá trị phát hành 1.200 tỷ đồng, nhưng đều sử dụng sai mục đích phát hành.
Cụ thể, đợt 1 phát hành 500 tỷ đồng tỷ đồng ngày 26/7/2011 nhằm mục đích đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại Dự án Nam An Khánh, nhưng chỉ có 10,3 tỷ đồng sử dụng đúng mục đích. Phần còn lại (gần 490 tỷ đồng) Công ty dùng để đáo nợ và thanh toán các chi phí của dự án khác, mà không phải dự án Nam An Khánh.
Đợt 2, phát hành 700 tỷ đồng ngày 8/8/2011, với mục đích sử dụng triển khai đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại tại dự án Nam An Khánh, nhưng Công ty chỉ sử dụng đúng mục đích 62 tỷ đồng. Số tiền còn lại dùng để đảo nợ, trả nợ vay các công ty con và góp vốn vào 1 số công ty con. Đặc biệt hơn là Sudico còn dùng 1 phần tiền này để tài trợ xây dựng trường học tại Nam Định và Nghệ An!
Thứ hai, chi khen thưởng vô tội vạ.
Trong vòng 1 ngày, HĐQT (cũ) của Sudico quyết định chi thường và cấp nguồn khen thưởng 46,7 tỷ đồng với lý do “hoàn thành tốt công tác sản xuất kinh doanh năm 2010, 2011”, dù Sudico bị lỗ năm 2011 và theo Ban Kiểm soát, việc thực hiện chi trả này diễn ra trong bối cảnh “Công ty đang trong tình trạng thiếu vốn cho đầu tư, không cân đối nguồn trả nợ ngân hàng”.
Những tồn tại về đầu tư cổ phần, đầu tư dự án
Cũng theo báo cáo năm 2012 của Ban Kiểm soát Sudico, năm 2010, Công ty nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng với số tiền nhận chuyển nhượng là 963 tỷ đồng từ cá nhân ông Ngô Áng Hùng.
Tuy nhiên, đến thời điểm giữa năm 2012 (khi họp ĐHCĐ thường niên năm 2012), chi phí lãi vay khoảng trên 20%/năm đã đẩy chi phí của dự án thêm 400 tỷ đồng. Với con số này, Ban Kiểm soát Sudico cho rằng, “việc đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án này cần được khẩn trương xem xét lại”.
Ngoài khoản đầu tư vào dự án nói trên, Ban Kiểm soát Sudico lúc đó cũng đề xuất “nên xem xét lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư BĐS&TM Thăng Long, để đảm bảo rằng việc nhận chuyển nhượng này đúng quy trình, quy định, không gây thất thoát vốn của Công ty, quyền lợi của cổ đông không bị ảnh hưởng”.
Nguyên nhân của đề xuất này là do Sudico đã chi tới 220 tỷ đồng mua 14,82 tỷ đồng mệnh giá cổ phần của DN nói trên, tương đương giá mua 148.400 đồng/cổ phiếu!
Và những lời hứa… 2 năm chưa thực hiện
Ngoài những nghi vấn sai phạm đã nói ở trên, Ban Kiểm soát Sudico lúc đó còn chỉ ra hàng loạt sai phạm khác của Ban lãnh đạo Sudico cũ, liên quan đến cách điều hành DN trong giai đoạn trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2012, ông Hồ Sỹ Hùng, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Sudico, đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Sông Đà đã có lời cam kết: “tất cả những vấn đề mà Ban Kiểm soát nêu ra ngày hôm nay (30/6/2012), chúng tôi cam kết sẽ tìm hiểu rõ, làm rõ mọi vấn đề và trả lời sớm nhất, công khai cho tất cả các cổ đông được biết!”.
Đại diện Tập đoàn Sông Đà khi đó, ông Trần Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc đã thể hiện thái độ rất bức xúc trước những thông tin do Ban Kiểm soát cung cấp, yêu cầu phải rà soát các sai phạm để quy trách nhiệm cá nhân, giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại…
Thế nhưng…
Sau gần 2 năm, NĐT vẫn không thấy đâu những trả lời công khai của Sudico về các vấn đề nêu trên.
Không có quy trách nhiệm cá nhân.
Không có giải quyết các dự án đầu tư dang dở.
Tất cả những gì đã hứa, đến nay vẫn là… “lời nói gió bay”!
Liệu có phải, Nghị quyết ĐHCĐ khi đó đã cho phép… giữ nguyên cơ cấu thành viên HĐQT trong suốt nhiệm kỳ 5 năm, nên Ban lãnh đạo Sudico không có động lực để giữ lời hứa?