Trong bối cảnh hiện tại, những yếu tố được phân tích có thể gây rủi ro cho Việt Nam phần lớn đều từ bên ngoài, như cán cân thanh toán, xuất khẩu, kiều hối… Các nguồn lực này có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư gián tiếp và trực tiếp, cũng được nhìn nhận sẽ suy giảm mạnh vào năm 2009.
"Chính phủ Việt Nam đã có lựa chọn chính sách đúng khi dùng nội lực để cân bằng với yếu tố bên ngoài, ví dụ như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Vấn đề quan trọng nhất là định hướng chính xác được Chính phủ Việt Nam đưa ra một cách chủ động và có sự chuẩn bị. Chúng tôi chờ đợi việc thực hiện các giải pháp này trong thực tế", ông Martin nói.
Tuy nhiên, khi Việt Nam đã tính toán nhiều hơn đến chính sách tài khóa, đặc biệt là kích cầu đầu tư, thì vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn lực được đặc biệt nhấn mạnh. Ông Martin nhắc tới chính sách kích cầu đầu tư từng được Việt Nam thực hiện vào cuối năm 2007, được cho là một trong những nguyên nhân gây nên đợt lạm phát, mà cao trào là giữa năm 2008. Và ông này cho rằng, đó là bài học Việt Nam cần tính đến vào thời điểm này.
Yếu tố thuận cho Việt Nam là thành công của 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã giảm nhẹ bớt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Giả định rằng, cuộc khủng hoảng đến sớm hơn 6 tháng, Việt Nam phải gánh chịu những tác động tiêu cực lớn hơn.
Tuy nhiên, thách thức lớn vào thời điểm hiện nay là dòng vốn dài hạn rất khó dự báo do kinh tế thế giới bất ổn. Trong khi đó, theo phân tích của WB tại Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009, tỷ lệ tiết kiệm nội địa vào khoảng 30% GDP trong vài năm qua không đủ để Việt Nam thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế của mình. Như vậy, khuyến nghị đưa ra là Việt Nam cần có một chương trình đầu tư được cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp tốt giữa những nhu cầu của Việt Nam với các nguồn tài chính dài hạn có thể được.
Hơn thế, với các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà Việt Nam đang kêu gọi đầu tư, ông Martin băn khoăn về những hạn chế trong việc thực hiện mối quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân. Cho dù vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo nhiều, song hiệu quả thực tế chưa rõ ràng.
Trong vài phiên họp gần đây của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, những đề xuất nhằm đẩy nhanh khả năng tiếp cận các dự án công từ giới đầu tư tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài, luôn là vấn đề nóng. Trong phiên họp gần nhất, giới đầu tư cho rằng, trở ngại chính liên quan đến mối quan hệ đối tác công - tư là thiếu một cơ quan chuyên môn có đủ năng lực để thúc đẩy cạnh tranh xung quanh các dự án đầu tư và xác định nguồn hỗ trợ tài chính cần thiết để làm các dự án đó hấp dẫn hơn khi chúng thiếu khả năng tồn tại độc lập.
Các đề xuất cụ thể được Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trình Chính phủ là thiết lập quy trình thực hiện dự án nhanh chóng, cải thiện ưu đãi để dự án tại Việt Nam hấp dẫn hơn. Riêng với các dự án ngành điện, khi mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thoái lui 13 dự án, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đề nghị điều chỉnh biểu giá điện trên cơ sở thị trường để các dự án trong ngành dễ gọi vốn hơn. Cũng đã có lo ngại rằng, với tình hình chính sách này, có thể nhiều dự án có khả năng sinh lời cao sẽ không thực hiện được vì thiếu vốn.
Đặc biệt, hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công vẫn đang là tâm điểm từ phía các nhà tài trợ. Hai giai đoạn được cho là yếu trong công tác nâng cao hiệu quả đầu tư của Việt Nam là lựa chọn dự án đầu tư và quản lý thực hiện. Các dự án tư nhân bị loại trừ do các trường hợp quyết định đầu tư sai sẽ bị thị trường thải loại. WB cho rằng, điều quan trọng trong vấn đề này là tách bách dự án đầu tư tiền ngân sách và dự án do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư.
"Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam được thành lập để thực hiện một số lĩnh vực theo yêu cầu. Như vậy, để đảm bảo hoạt động tốt trong lĩnh vực truyền thống và lĩnh vực khác, các đơn vị này cần được kiểm soát và chắc chắn về vai trò, khả năng quản lý và hoạt động của chúng", ông Martin nhận xét.
Với dự án từ ngân sách, hai giải pháp được đưa ra. Thứ nhất đó là sớm có Luật Đầu tư công với quy định chi tiết các bước để các bộ, ngành, địa phương phải tiến hành trong bước chuẩn bị, thẩm định và thực hiện dự án. Thứ hai là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng năng lực để đánh giá các nghiên cứu khả thi và theo dõi các bước thực hiện. Bước thứ hai này, theo WB, là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khả năng điều chỉnh khối lượng đầu tư có thể là chìa khoá để ổn định kinh tế vĩ mô trong một thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn.