Sức ép vẫn lớn, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giảm điểm hôm qua chưa thực sự kích hoạt lực mua bắt đáy, mà trái lại nhà đầu tư lại tận dụng triệt để những nhịp tăng để bán mạnh cổ phiếu, khiến thị trường tiếp tục giảm về dưới ngưỡng hỗ trợ 1.140 điểm.
Sức ép vẫn lớn, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm

Đà giảm cuối phiên sáng tiếp tục diễn ra ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ mất thêm vài điểm về gần 1.140 điểm thì đã có nhịp bật mạnh hơn 20 điểm lên trên 1.160 điểm nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh, dù quá trình đi lên cũng gặp vài lần rung lắc.

Tưởng chừng đà hồi phục sẽ tiếp diễn, nhưng dường như đây chỉ là nhịp bull trap, khi sức ép đã quay trở lại trên diện rộng và khiến chỉ số lao dốc nhanh, trả lại ngay lập tức hơn 20 điểm có được trong đợt phục hồi đầu phiên và tiếp tục nới rộng đà giảm về dưới 1.140 điểm trong phiên ATC.

Phiên giảm điểm hôm nay dự báo sẽ gây áp lực rất lớn cho những phiên tiếp theo khi khả năng call margin đã gia tăng đáng kể.

Chốt phiên, sàn HOSE có 180 mã tăng và 317 mã giảm, VN-Index giảm 15,24 điểm (-1,32%), xuống 1.137,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,04 tỷ đơn vị, giá trị 21.617,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 88,6 triệu đơn vị, giá trị 1.723 tỷ đồng.

Cổ phiếu tác động mạnh nhất đến VN-Index phiên này là VCB khi “đóng góp” hơn 3 điểm tiêu cực với mức giảm 2,6% xuống 87.000 đồng.

Theo sau là những cái tên như GVR giảm sàn -6,9% xuống 18.950 đồng, nhóm cổ phiếu là Vin là VHM -4,3% xuống 45.000 đồng và VIC -3,2% xuống 45.000 đồng, VRE -3% xuống 25.800 đồng. Tiếp theo là BCM -3,1% xuống 65.900 đồng và VJC, TCB, POW, BID, TPB, SHB, VNM giảm từ 1% đến gần 2%.

Ở chiều ngược lại, phần lớn các trụ cột đều không giữ được mức cao nhất của phiên, với MSN là cổ phiếu tăng tốt nhất +3,8% lên 73.000 đồng, dù có thời điểm đã chạm gần giá trần.

Tương tự là SSI, khi đã có lúc tăng trần, nhưng đóng cửa chỉ còn +1,8% lên 30.900 đồng. Các cổ phiếu HPG, MWG, VPB, CTG, MBB chỉ tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm sâu và về giá sàn, với sự hiện diện ở nhiều nhóm ngành như bất động sản, dịch vụ, xuất khẩu, nguyên vật liệu, logistics, vận chuyển như TCO, DXS, PTL, IDI, LCG, ANV, TLH, HHS, KPF, GEX, GIL, SGR, FCN…

Đáng chú ý là giao dịch ở nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, khi nhiều mã có lúc đã chạm giá trần hoặc áp sát mức giá này, nhưng đã bất ngờ "quay xe" và thu hẹp đáng kể đà tăng, thậm chí còn quay đầu giảm sâu.

Theo đó, ngoài SSI nêu trên thì FTS, HCM, TVS, BSI, ORS, CTS đều có lúc tăng 5-6%, nhưng kết phiên chỉ còn nhích nhẹ. Trong khi đó, cổ phiếu APG hoạt động kém nhất nhóm khi giảm sàn -7% xuống 9.440 đồng, VDS -3,5% xuống 15.300 đồng, AGR -3,2% xuống 16.200 đồng.

Hai cổ phiếu đáng chú ý là VIX và VND, khi từ mức đỉnh tăng 4%-5% đã đảo chiều giảm, với VIX -5,1% xuống 15.700 đồng, VND -1,7% xuống 20.650 đồng. Đây cũng là hai cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong phiên hôm nay với lần lượt hơn 56 triệu và 40,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngược dòng thị trường, với SRF tăng trần +6,6% lên 10.600 đồng, NHH +5,1% lên 15.550 đồng, NO1 +4,5% lên 9.000 đồng, DIG +2,7% lên 24.500 đồng…

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index được kéo dần lên ngay khi giao dịch trở lại và sau đó cũng đã lao dốc và đóng cửa ở mức nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 129 mã giảm, HNX-Index giảm 1,75 điểm (-0,76%), xuống 229,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120,4 triệu đơn vị, giá trị 2.120,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,18 triệu đơn vị, giá trị 112,8 tỷ đồng.

Giao dịch đáng chú ý tại CMS, khi mã này tăng trần +9,9% lên 34.500 đồng, khớp 0,89 triệu đơn vị.

Nhích lên đáng kể còn có NRC +8% lên 5.400 đồng, MBS +5,1% lên 20.700 đồng, trong khi SHS, HUT, PVS chỉ nhích nhẹ và là những cổ phiếu còn tăng trong số những cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, trong đó, SHS khớp lệnh vượt trội với hơn 33 triệu đơn vị.

Trong khi đó, lực bán mạnh áp đảo tại MBG, VGS, VC7, C69 đã khiến những mã này đều giảm sàn. Các mã giảm sâu còn APS -8% xuống 6.900 đồng, TNG -7% xuống 18.500 đồng, IDJ -6,4% xuống 5.900 đồng…

Trên UpCoM, sắc đỏ lan rộng cũng đã khiến UpCoM-Index lùi về dưới tham chiếu sau khi cũng đã được kéo mạnh vào giữa phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,31%), xuống 88,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,6 triệu đơn vị, giá trị 821 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,12 triệu đơn vị, giá trị 87,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thanh khoản cao đều mất điểm, với những cái tên VGT -11,2% xuống 11.900 đồng, DGT -10,7% xuống 6.700 đồng, LMH -10,5% xuống 3.400 đồng là những cái tên giảm sâu nhất.

Cổ phiếu BSR -2,8% xuống 20.600 đồng và vẫn là mã có khối lượng khớp lệnh tốt nhất với hơn 9,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm từ gần 9 đến 11 điểm. Trong đó, VN30F2310 mất 10,9 điểm, tương đương -0,94% xuống 1.151,6 điểm, khớp lệnh hơn 380.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, với CMWG2307 phiên này khớp lệnh cao nhất với 4,18 triệu đơn vị và đứng tham chiếu tại 740 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục