Áp lực giải chấp gia tăng, tìm cơ hội lúc thị trường giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên hôm qua thị trường đã có mức giảm rất lớn điều này sẽ kích thích thêm áp lực giải chấp nếu thời gian tới xu hướng giảm điểm chưa chấm dứt.
Áp lực giải chấp gia tăng, tìm cơ hội lúc thị trường giảm sâu

Áp lực giải chấp gia tăng

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho rằng, áp lực giải chấp phiên hôm nay (26/9) sẽ tiếp tục do phiên hôm qua (25/9) giảm quá mạnh, độ dốc xuống lớn, dẫn đến tỷ lệ phải giảm margin sẽ cao hơn. Tuy nhiên, không phải là điều gì “quá khủng khiếp”.

Góc độ CTCK cũng sẽ có các chính sách đồng hành với nhà đầu tư, sẽ có thương lượng bán dần thay vì bán tống tháo 100% khi cổ phiếu giảm xuống. Giảm sâu và nhanh khiến nhà đầu tư lỗ kép, lỗ lớn, nên tâm lý sẽ tìm cách tăng ký quỹ thay vì chấp nhận bán tống tháo.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Huy, Trưởng phòng Khách hàng Cao cấp CTCK DNSE, Founder PSĐT ước lượng margin hiện tại quanh 140.000 tỷ đồng (chưa tính nguồn thứ 3) và đã tăng hơn 30% so với đầu năm do thị trường tích cực đã thu hút dòng tiền quay lại và nhà đầu tư tự tin sử dụng đòn bẩy hơn. Cũng bởi vậy, việc call margin trong giai đoạn hiện tại và sắp tới là có khi mà chỉ số đã giảm hơn 100 điểm từ đỉnh và nhiều cổ phiếu đã giảm từ mức 15-20%. Tuy vậy, điểm tích cực là các CTCK đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm qua các giai đoạn thị trường nên việc xử lý call margin linh hoạt và chủ động hơn.

Thị trường có thể giảm mạnh thêm, đặc biệt trong phiên hôm nay, sau đó sẽ bình ổn dần lại, theo ông Phương. Việc bán các phiên qua có sự tham gia của những nhà đầu tư lớn dẫn đến lực bán nhanh, diện rộng, vùng giá bán cũng cho thấy quyết liệt. Lực bán này chắc chắn không đến từ bán call margin từ công ty chứng khoán.

Trong khi đó, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) chia sẻ, ghi nhận một số định lượng cho thấy với lượng cho vay lên đến khoảng 150.000 tỷ đồng cuối quý II/2023 và có thể đã tăng lên khoảng 170.000 tỷ đồng trong tháng 08-09/2023.

Theo ông Nhật, tỷ lệ vay nợ margin trên tổng vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn ở thời điểm hiện tại (đang khoảng 256 tỷ USD) là khoảng 2,83%. Tỷ lệ này tương đương với ở thời điểm đỉnh năm 2022, khi VN-Index đạt 1.520 điểm, với tổng vốn hóa thị trường là khoảng 353 tỷ USD, dư nợ margin tương ứng 230.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu xét theo tỷ lệ, nhiều quan điểm e ngại tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa đạt đỉnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại hoàn toàn khác so với vùng đỉnh năm 2022 khi tổng dư nợ cho vay vẫn còn thấp (chủ yếu căng thẳng ngắn hạn ở một số công ty khi tỷ lệ dư nợ cho vay đã vượt hơn 150%/VCSH, phải cắt giảm tỷ lệ cho vay) và vốn hóa thị trường hiện tại là khá thấp, chỉ tương ứng 64%/GDP.

Như vậy áp lực margin hiện tại là chỉ xảy ra cục bộ, ngắn hạn ở một vài công ty. Còn tổng thể tổng dư nợ vẫn không cao trên nền vốn hóa toàn thị trường đang ở mức rất thấp trong khi GDP vẫn duy trì tăng trưởng.

Nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh, tìm cơ hội nhóm ngành nào?

VN-Index đã trải qua 2 tuần giảm điểm mạnh từ vùng giá 1.250 điểm với khối lượng khá đột biến và hiện tại đang ở vùng giá 1.150 điểm, gần với vùng đỉnh giá cao nhất tháng 06/2023, tương ứng 1.130 - 1.140 điểm.

Ông Phan Tấn Nhật chỉ ra nguyên nhân dẫn đến áp lực bán mạnh trong những phiên gần đây đến từ ẩn số bất định mới đã xuất hiện, đó là sau khi FED đưa ra thông điệp sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm ở cuối năm 2023 (kỳ họp tháng 11/2023), thì các mức lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5, 10 năm đều đã vượt đỉnh lợi tức năm 2022 (lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm tháng 10/2022 cao nhất 4,499%). Hiện mức chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ 5 năm đang 4,569% so với mức 2,0% của trái phiếu Việt Nam cùng kỳ hạn, mức rất cao. Điều này dẫn đến áp lực lớn hơn về tỷ giá, áp lực dịch chuyển từ nơi có lợi tức thấp sang lợi tức cao. Điều này chỉ có thể kết thúc khi mức lợi tức trái phiếu Mỹ giảm trở lại dưới đỉnh năm 2022, hoặc những thông tin mới về giảm lãi suất sau tháng 11/2023.

Đồng thời với những thông tin về cắt giảm tỷ lệ cho vay margin ở một số công ty đã dẫn đến hiện tượng bán tháo khá mạnh ngắn hạn trên diện rộng.

Giai đoạn hiện tại, ông Võ Văn Huy đánh giá là đã bước vào xu hướng giảm bởi các yếu tố VN-Index có tương quan chặt chẽ với S&P 500, chỉ số này cũng đã nằm dưới các đường MA50, MA100. Nói cách khác, VN-Index đã xác nhận 2 đỉnh và nằm dưới MA50, MA100.

Hai nhóm ngành dẫn dắt xuyên suốt giai đoạn vừa rồi là bất động sản và chứng khoán đã có dấu hiệu phân phối và gãy trend tăng ngắn hạn.

Nếu so với thời điểm thị trường chỉnh mạnh 18/8 thì giai đoạn thị trường hiện tại có phần xấu hơn, bởi chứng khoán Mỹ lúc đó chưa gãy trend tăng. Và DXY và US bond yield hiện tại đang cao hơn với thời điểm 18/8. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán hiện đã không còn trụ vững được như giai đoạn trước đó.

Ông Huy cho rằng, điểm tích cực lớn nhất giai đoạn hiện tại chắc có lẽ là hành động mua ròng của khối ngoại và tự doanh, điều này chứng tỏ tổ chức vẫn đánh giá thị trường trong trung hạn vẫn tích cực và có nhiều cổ phiếu bắt đầu về vùng mua của tổ chức.

Sau tất cả, ông Huy vẫn đánh giá giai đoạn này còn nhiều khó khăn và sẽ cần thời gian để thị trường cân bằng và thiết lập một sóng tăng lớn mới. Nên chiến lược của nhà đầu tư vẫn là nên lướt sóng ngắn hạn ở những đoạn hồi phục hơn là mua và nắm giữ.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư may mắn thoát sớm ở vùng đỉnh của thị trường có thể mua thăm dò tỷ trọng dưới 30% đối với những phiên call margin mạnh (vì lúc này cổ phiếu bị giảm do vấn đề giải chấp chứ không phải do cơ bản doanh nghiệp).

Đối với nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu (không sử dụng margin) thì nên tận dụng những nhịp thị trường rung lắc do call margin để giảm giá vốn.

Nhóm ngành cổ phiếu khi thị trường sụt giảm mà ông Huy cho rằng cần quan tâm 2 nhóm (1) Nhóm cổ phiếu mạnh hơn thị trường: VNM, FPT, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, Logistics và nhóm Comodities. Nhóm này thường sẽ là nhóm sớm vượt đỉnh khi thị trường cân bằng (phù hợp để nắm giữ cho sóng tăng mới). Nhóm cổ phiếu giảm sâu: Chứng khoán, bất động sản Thương mại. Đây sẽ là nhóm hồi từ đáy tích cực nhất khi thị trường tạo đáy (phù hợp để bắt đáy), theo ông Huy.

Còn theo ông Nhật, như ở trên, tổng vốn hóa thị trường trên 3 sàn hiện tại đang tương đương khoảng 256 tỷ USD, tương ứng khoảng 64%/GDP 2022 là ở mức thấp. Trong nguy có cơ, do đó thị trường càng giảm điểm thì lại có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư ở vùng giá hợp lý hơn.

Ông Nhật cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành vẫn duy trì tăng trưởng tốt, có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh tốt và có đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời có thể được hưởng lợi lớn từ dòng vốn đầu tư mới từ Mỹ sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Đó là các nhóm ngành Bất động sản Khu Công nghiệp, Cảng biển, Logistics, năng lượng.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương có sự ưa thích với các nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách chính phủ như đầu tư công (VCG, FCN..), bất động sản KCN (SZC, KBC…), bất động sản dân dụng (PDR, NVL…), bên cạnh đó, chứng khoán (VCI, VND, SSI…) cũng hưởng lợi khi là kênh đầu tư thanh khoản tốt, dễ tham gia trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa có diễn biến tích cực. Dầu khí với mức giá neo cao như hiện nay cũng là cơ hội, như cặp cổ phiếu được dòng tiền ưa thích như PVD, PVS…

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục