Điểm sáng xuất khẩu
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2023 (từ ngày 1/9 đến ngày 15/9/2023) đạt 28,07 tỷ USD, giảm 15,4% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2023. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 464,08 tỷ USD, giảm 62,82 tỷ USD, tương ứng mức giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 9 đạt 14,29 tỷ USD, giảm 21,6% so với nửa cuối tháng 8. Tính đến hết 15/9/2023, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 242,04 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu đề ra vào đầu năm là 730 tỷ USD. Vì để đạt được chỉ tiêu này, mức kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân cho 4 tháng còn lại của năm phải đạt hơn 73 tỷ USD, tức cao hơn gần 35% bình quân của 8 tháng đầu năm.
Tuy vậy, theo ông Minh, nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2023, có thể thấy sự phục hồi của một số nhóm hàng. Phục hồi mạnh nhất là nhóm linh kiện điện tử, máy vi tính và điện thoại di động, đây là hai nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta, với mức tăng lần lượt là 4,4% và 15,7% so với tháng trước. Nhóm mặt hàng xuất khẩu có liên quan nhiều đến các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán như dệt may, gỗ, thủy sản, gạo đều có mức tăng ấn tượng so với tháng 7, lần lượt đạt 5,5%, 15,1%, 10,2% và 50,7%.
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, đơn hàng xuất khẩu tại nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, thủy sản đã sự cải thiện sau giai đoạn dài thiếu hụt.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cho biết, hàng tồn kho của Công ty trong giai đoạn nửa đầu năm khá lớn, do khách hàng đề nghị để hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý III, tình trạng hàng tồn kho đã cải thiện. Quý IV, thị trường dự kiến tốt hơn, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng tồn kho để có thể đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Sau khi ghi nhận lỗ 88,12 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (trong đó riêng quý I lỗ hơn 98 tỷ đồng), Thủy sản Minh Phú cho biết, lợi nhuận quý III sẽ có sự cải thiện.
Dòng tiền chạy theo kỳ vọng
Nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu thuộc ngành dệt may, thủy sản trong các nhịp điều chỉnh để đón sóng tăng kỳ vọng về kết quả xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi
Đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may và thủy sản đã cải thiện, song dự báo sẽ khó tăng trưởng đột biến trong quý cuối năm và kết quả kinh doanh cả năm khó về đích.
Tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú, với việc thua lỗ trong quý nửa đầu năm, Công ty cho biết, vẫn còn rất xa để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023. Với TNG, dù tự tin với việc hoàn thành mục tiêu doanh thu, song Công ty cho rằng có thể chỉ thực hiện được 2/3 mục tiêu lợi nhuận…
Dù vậy, thị trường vốn là nơi của những kỳ vọng, dòng tiền đầu tư đã tìm đến các cổ phiếu thủy sản, dệt may… trước thông tin xuất khẩu của các mặt hàng này có tín hiệu phục hồi, giúp nhóm này mạnh mẽ đi ngược thị trường.
Đơn cử, trong nhóm dệt may, cổ phiếu TNG đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua ở mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu, tăng 1.700 đồng so với đầu tuần. Đáng nói, có thời điểm VN-Index mất tới gần 40 điểm trong phiên 22/9, cổ phiếu này vẫn giữ được sắc xanh. Thị giá MSH tăng từ 45.000 đồng/cổ phiếu lên 47.300 đồng/cổ phiếu trong tuần qua. Cùng mốc thời gian, cổ phiếu STK tăng từ 33.350 đồng/cổ phiếu lên 35.000 đồng/cổ phiếu.
Ở nhóm thủy sản, cổ phiếu IDI ghi nhận mức tăng từ 14.200 đồng/cổ phiếu lên 15.400 đồng/cổ phiếu trong tuần qua, tương ứng mức tăng gần 9%. Ấn tượng hơn, cổ phiếu ANV ghi nhận 5 phiên tăng giá liên tục trong tuần qua, từ mức 36.450 đồng/cổ phiếu lên 41.100 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 11%... Thậm chí, cổ phiếu ANV ghi nhận mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết với hơn 5 triệu cổ phiếu giao dịch trong một phiên.
“Mỗi nhóm hàng xuất khẩu đều có câu chuyện về động lực tăng trưởng riêng”, ông Trịnh Viết Hoàng Minh nhận xét.
Theo ông Minh, với mặt hàng gạo là câu chuyện việc Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á hạn chế xuất khẩu, trong khi nhu cầu lại tăng từ phía Trung Quốc và Phillipines. Với sản phẩm gỗ là sự tăng trưởng đơn hàng từ thị trường Mỹ, nhờ hoạt động xây dựng nhà ở mới tại thị trường này hồi phục. Đối với nhóm thủy sản là câu chuyện lượng hàng tồn kho tại Mỹ trong giai đoạn trước - là lý do chính hạn chế đơn hàng mới vào thị trường này - đang được hấp thụ dần và nhu cầu nhập khẩu dự báo được cải thiện tích cực trong mùa lễ Tết. Còn với ngành dệt may, mặc dù các doanh nghiệp trong nước hiện mới có lượng đơn hàng tương đối để duy trì hoạt động, nhưng các đơn hàng có thể tích cực hơn trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Noel và năm mới 2024.
“Xét về mặt kỹ thuật, các nhóm này thời gian qua chưa có sự tăng giá mạnh mẽ như các nhóm ngành khác và mới bắt đầu quá trình thoát khỏi đáy tích lũy. Nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu thuộc ngành dệt may, thủy sản trong các nhịp điều chỉnh để đón sóng tăng kỳ vọng về kết quả xuất khẩu trong thời gian tới. Các cổ phiếu đáng chú ý là GIL, TNG, ANV, VHC...”, ông Minh khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, nhóm ngành thủy sản, dệt may có thể là những nhóm ngành hưởng lợi ở giai đoạn cuối quý III và quý IV/2023.
“Thị trường đang đặt niềm tin vào nhóm doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu với kỳ vọng được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần”, ông Khánh nhận định.