Và mỗi 21.6 không chỉ là ngày để xã hội tôn vinh vai trò của báo chí, mà đó cũng là thời điểm để các cơ quan truyền thông bày tỏ sự tri ân với những bạn đọc, những đối tác thông tin - vừa là chủ thể phản ánh vừa là đối tượng hướng đến của bất kỳ cơ quan báo chí nào.
Ngày 21/6 năm nay có những điểm đặc biệt!
Đặc biệt không chỉ vì 2015 là chẵn 90 năm ra đời nền báo chí cách mạng, mà còn bởi Đề án tái cơ cấu hệ thống báo chí toàn quốc đang được quyết liệt triển khai. Đồng thời, chưa bao giờ mạng xã hội lại trở thành vừa là “đối tác” vừa là “đối thủ” tiềm tàng của báo chí chính thống đến như vậy.
Những điều này chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc đến bất kỳ một nhà báo, một tòa soạn báo nào. Và một điều chắc chắn nữa, cũng như nền kinh tế buộc phải tái cơ cấu để tạo động lực tăng trưởng mới, rất nhiều ấn phẩm báo chí đang đứng trước câu hỏi, “tồn tại hay không tồn tại” và “tồn tại bằng cách nào”???
Trong cuộc hội thảo tổ chức ngày hôm qua (18/6), ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận xét một cách tổng quát rằng: “90 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã lớn mạnh không ngừng, góp phần xứng đáng vào thành công của đất nước…”.
Trong dòng chảy chung đó, cũng đã có những nhìn nhận tích cực về vai trò của báo chí kinh tế, của truyền thông trong các ngành như chứng khoán, tiền tệ, bất động sản… Như đánh giá của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, rằng sự phát triển của nền kinh tế hiện chịu tác động rất nhiều bởi các thông tin về giá cả, diễn biến và xu hướng của thị trường. Trong khi người dân, DN cần thông tin kinh tế từ báo chí để tính chuyện buôn bán, làm ăn, thì các cơ quan quản lý Nhà nước lại cần những thông tin này để hoàn thiện công tác quản lý và hệ thống chính sách.
Đúng là trong thời gian qua, thông tin về tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công và lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hàng ngày, hàng giờ được các cơ quan báo chí kinh tế chuyển tải đậm nét đến công chúng.
Riêng về thông tin trong lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Người phát ngôn của UBCK nhìn nhận, báo chí không chỉ đơn thuần đóng vai trò là truyền tải thông tin về các chính sách của Chính phủ, cơ quan quản lý TTCK đến với các thành viên thị trường, mà còn là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi, phản biện chính sách từ dưới lên nhằm giúp cơ quan quản lý thị trường có đầy đủ thông tin để điều chỉnh chính sách cho phù hợp…
Những đánh giá đó khiến mỗi người làm báo kinh tế cảm thấy mình có ích. Nhưng đó mới chỉ là mặt lạc quan của vấn đề. Trong bối cảnh hiện tại, cũng không thể không nhắc đến những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến không ít người có tâm trạng như ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương, khi ông này nói rằng, “hiện nay DN đang rất sợ báo chí”!
Nói đúng hơn là sợ cách viết hời hợt, thậm chí có lúc, có nơi còn cố tình bôi nhọ, xuyên tạc.
Vậy nên, ý kiến của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái về việc “trong bối cảnh tái cơ cấu trăm nghìn khó khăn, báo chí không chỉ đồng hành cùng DN mà phải làm bạn mới thấu hiểu được DN” không phải là không đáng suy ngẫm.
Tất nhiên, là “bạn” để chia sẻ những khó khăn, chứ không phải là “bè” để bao che những sai phạm!
Và như một ai đó đã nói, một mối quan hệ bền vững nào cũng cần nỗ lực duy trì từ hai phía. Báo chí đang trong quá trình tự thanh lọc để phát triển, nhằm đáp ứng tốt hơn vai trò của các cơ quan truyền thông chính thống trước sự “lấn sân” của mạng xã hội. Trong quá trình đó, rất cần sự ủng hộ và “soi xét” của độc giả để tạo cho những người làm báo sức ép phải tự đổi mới.
Chính vì vậy, xin được lấy ngày 21.6 là ngày để chúng tôi tri ân những độc giả thân thiết của mình!