Tuy nhiên, sửa đổi, điều chỉnh văn bản luật được coi là thách thức đặc biệt, không cần đợi đến khi các hiệp định có hiệu lực.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận xét, hiện có không ít hạn chế về pháp luật và thực thi pháp luật trong kinh doanh, đặc biệt thực thi pháp luật về kinh doanh còn thiếu tính ổn định, minh bạch, không dễ dự báo cả trong nội dung và cách thức thực thi.
Các quy định pháp luật cạnh tranh, quá trình thực thi pháp luật về cạnh tranh, mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan cạnh tranh còn hạn chế. Hoạt động cải cách tư pháp còn thiếu đồng bộ. Hệ thống pháp luật dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tố tụng tư pháp, tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp chậm hoàn thiện…
“Chất lượng công tác tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu. Tồn tại tình trạng chồng chéo, không phân định rõ trách nhiệm trong các vấn đề có tính liên ngành, liên lĩnh vực”, bà Yến nhấn mạnh.
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch khu vực Đông Á -Thái Bình Dương, Nhóm WB cho rằng, vấn đề cốt lõi trong khai thác Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là khâu thực hiện.
Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam thì giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn và đây chính là một thách thức đặc biệt. Tâm điểm của TPP và EVFTA về các chính sách thương mại được xem là của thế kỷ 21 đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện đầy đủ, trong đó bao gồm các cam kết phía sau đường biên.
“Muốn vậy, cần tập trung nhiều công sức đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh văn bản luật, thủ tục quản lý nhà nước và khung thể chế xuyên suốt nhiều ngành kinh tế khác nhau”, bà Victoria Kwakwa nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình hội nhập quốc tế, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam chưa bị các nước khởi kiện về việc ban hành văn bản pháp luật vi phạm các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Gắn việc sửa đổi pháp luật để thực hiện Hiệp định TPP và EVFTA với những nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thực thi pháp luật, đảm bảo tuân thủ các cam kết trong Hiệp định TPP và EVFTA để đạt được mục tiêu đặt ra khi tham gia các hiệp định này và tận dụng tốt các cơ hội mà nó mang lại cho sự phát triển của đất nước. Nhiệm vụ này cũng phù hợp với việc chuyển hướng chiến lược xây dựng pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Đặc biệt, ngoài yêu cầu điều chỉnh pháp luật, EVFTA và TPP đề cao yếu tố bảo đảm thực thi và có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp ở mức độ mạnh mẽ, toàn diện hơn các FTA mà Việt Nam đã ký kết nhằm giám sát việc thực thi cam kết của các nước thành viên. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia một số vụ tranh chấp thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế, tuy nhiên, kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn mỏng và hạn chế.
“EVFTA đặt ra thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư của Hiệp định, một cơ chế chưa từng có trong lịch sử. Các bên phải chuẩn bị về nhân sự để giới thiệu người làm trọng tài viên tại các thiết chế này. Đây là vấn đề không đơn giản đối với Việt Nam trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh và cho rằng, việc tham gia TPP và EVFTA sẽ không hiệu quả nếu Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, trong đó có việc thông tin, tuyên truyền tạo nhận thức chung để cùng hành động.