Đó là thông điệp được các chuyên gia chuyển tới DN tại Hội thảo "Các hiệp định thương mại tự do FTA và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" do Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch TP. Hà Nội (UBND TP. Hà Nội) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.
Theo thống kê của Trung tâm WTO thuộc VCCI, trong giai đoạn từ 1996 cho đến nay, Việt Nam đã ký kết khoảng 10 FTA với các quốc gia và khu vực, trong đó chủ yếu là các đối tác truyền thống tại khu vực Đông Á, với lĩnh vực cam kết chính về thương mại hàng hóa. Hiện tại, Chính phủ đang đàm phán và chuẩn bị tiến tới ký kết 5 FTA, trong đó có các hiệp định thương mại được coi là FTA thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nếu như các FTA đã ký kết trước đây có mức độ cam kết ở mức trung bình, thì với các FTA đang đàm phán và chuẩn bị ký kết, đặc biệt là 2 FTA thế hệ mới là TPP và EVFTA, có mức độ cam kết và tự do hóa rất cao, với cùng lúc nhiều quốc gia trong khu vực và có diện tác động bao trùm rộng, từ lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu tới dịch vụ, đầu tư, thậm chí cả thể chế.
“Về mức độ tự do hóa, chắc chắn độ mở cửa của Việt Nam cũng như các đối tác trong các FTA thế hệ mới là rất sâu với cam kết thực hiện xóa bỏ phần lớn các dòng thuế, mở cửa mạnh các ngành dịch vụ, phạm vi cam kết rất rộng bao gồm những cam kết về nhiều lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa từng cam kết mở cửa trước đây như DNNN, mua sắm Chính phủ, lao động - công đoàn, môi trường… Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới sắp tới có nhiều cam kết ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến các vấn đề sau đường biên giới như thể chế, chính sách pháp luật nội địa, với các đối tác thương mại hàng đầu và đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Do đó, bên cạnh những lợi ích kỳ vọng có thể đem lại thì những thách thức gia nhập sân chơi hội nhập mới sẽ lớn hơn rất nhiều đối với các DN Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.
Cụ thể, đối với EVFTA, việc triển khai thực hiện đã ngay trước mắt khi Hiệp định đã kết thúc vòng đàm phán và chuẩn bị ký kết chính thức vào cuối năm nay. Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO VCCI, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và lâu dài hơn là được hưởng lợi từ sức ép cải cách thể chế, hệ thống các thiết chế pháp luật theo các điều kiện và cam kết tại Hiệp định.
“Với việc được xóa bỏ tới trên 99% các loại thuế quan theo EVFTA, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng thị phần xuất khẩu tại khu vực thị trường quan trọng này. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế quan cao như dệt may, da giày và hàng nông sản. Về nhập khẩu, các DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với giá cả hợp lý, chất lượng tốt và ổn định từ khu vực này. Đặc biệt, các DN sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn công nghệ/kỹ thuật cao, với trình độ quản lý/sản xuất hiện đại từ các nước EU để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm”, bà Phương nói.
Tuy nhiên, theo bà Phương, bên cạnh những cơ hội, DN Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức khi mở cửa. Chẳng hạn, phải đáp ứng những yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa đối với thị trường khó tính như EU; hay phải đối phó với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại được dựng lên thay cho rào cản thuế quan khi bị xóa bỏ. Trong khi đó, trên thị trường nội địa, sản phẩm cũng sẽ chịu sự cạnh tranh lớn từ hàng hóa và dịch vụ của các nước EU nhập khẩu vào.
Đối với TPP, theo bà Phương, đây là một FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn rất cao và mức độ tự do hóa sâu rộng chưa từng có ở các FTA mà Việt Nam đã đàm phán và tham gia từ trước tới nay. Quá trình đàm phán qua nhiều vòng vẫn chưa kết thúc cho thấy tính chất phức tạp cũng như khoảng cách khác nhau giữa các nước tham gia TPP trong nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, thuế một số mặt hàng nhạy cảm, mua sắm Chính phủ...
“Các vấn đề thỏa thuận trong khuôn khổ TPP ngoài thương mại, dịch vụ, đầu tư, còn bao trùm cả các nội dung phi thương mại khiến hiệp định này sau khi ký kết được dự báo sẽ tác động mạnh tới toàn bộ nền kinh tế cũng như từng ngành sản xuất của Việt Nam”, bà Phương nói.