Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự thảo Luật này đã được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào tháng 6/2024.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để phát triển ngành công nghiệp dược, trong đó có nội dung ưu đãi doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc lĩnh vực này.
Góp ý trực tiếp vào khoản 4 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 về phát triển ngành công nghiệp dược của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung quy định rõ các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay hoặc miễn, giảm cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển thuốc mới, đặc biệt là thuốc công nghệ cao để có thể phát triển và cạnh tranh với thị trường quốc tế.
"Các chính sách ưu đãi này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này", ông Hùng nhấn mạnh.
Về chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược (khoản 5 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 8), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 quy định quy mô của dự án đầu tư trong một số lĩnh vực dược với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Phương án 2 không quy định số vốn tối thiểu.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng lựa chọn phương án 2 là thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho các dự án trong các ngành dược đáp ứng quy định của Luật Đầu tư nhưng không yêu cầu cụ thể về quy mô vốn đầu tư tối thiểu vì cho rằng đây là phương án linh hoạt cho nhà đầu tư nhỏ, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp dược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển đa dạng và bền vững trong ngành dược.
Mặt khác, theo ông Hùng, quy định này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Việc không giới hạn quy mô vốn đầu tư tối thiểu phù hợp với vùng kinh tế khó khăn, nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ để phát triển ngành dược, đặc biệt là việc nuôi trồng dược liệu.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải giải ngân 1.000 tỷ đồng trong 3 năm đầu là một điều kiện cực kỳ khó khăn.
"Chúng ta xem lại những lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc generic, thuốc công nghệ cao, vaccine thành phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương hoàn toàn là những lĩnh vực rất hẹp, nếu yêu cầu quy mô đầu tư rất cao thì hoàn toàn không khả thi", ông Thành nói và đề nghị xem xét lại nội dung điều khoản này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) |
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu chúng ta quy định phải 3.000 tỷ thì không thể thực hiện được.
"Vừa qua, Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chương trình dược liệu Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo triển khai có thể nói chúng ta không thành công và không thực hiện được một dự án nào", ông Thành lưu ý.
Đối với phương án 2 (không yêu cầu quy mô tối thiểu về vốn nhưng phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư thì mới được hưởng ưu đãi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng "lại là một điều rất khó, vì ưu đãi của Điều 20 rất khó".
Từ đó, ông Thành đề nghị nên kết hợp giữa 2 phương án, cụ thể là có xác định quy mô dự án cụ thể nhưng giảm vốn đầu tư xuống mức 1.000 tỷ đồng.
"Mức quy mô vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng là khó như lên trời đối với những quy định trong nội dung hoạt động dự án. Quy định 3 hoặc 4 năm đầu giải ngân chỉ khoảng 300 tỷ tôi cho rằng còn khả thi", vị đại biểu nhấn mạnh.
Đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành đoàn Thái Nguyên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị chọn phương án là có quy định về quy mô vốn tối thiểu với dự án đầu tư mới trong ngành dược song chỉ yêu cầu mức tối thiểu từ 1.000 tỷ đồng trở lên và thực hiện giải ngân tối thiểu là 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) |
Với những lý lẽ đưa ra, ông Trí cho rằng ông cảm thấy rất thuyết phục. Đồng thời, vị đại biểu nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương nói thêm rằng, nếu mời được các công ty dược rất nổi tiếng trên thế giới đầu tư vốn vào Việt Nam thì quả thật chưa thực sự hấp dẫn.
"Bây giờ chúng ta cần ưu đãi thế nào đó để các công ty dược có số vốn rất nhỏ nhưng có nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam vào cuộc, mức 1.000 tỷ đồng đã là khá khó", ông Trí nói.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào tháng 6/2024 và nhận được 81 ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường, 5 ý kiến góp ý bằng văn bản.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo luật trình Quốc hội gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của luật hiện hành, bổ sung 3 điều mới. Điều 2 sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá ban hành kèm theo Luật Giá năm 2023. Điều 3 về điều khoản thi hành.
Dự kiến, dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào chiều 21/11 tới.