Sửa đổi Luật Dược: 5 nhóm chính sách lớn

(ĐTCK) Sau 8 năm triển khai Luật Dược, đặc biệt là qua đại dịch Covid vừa qua, chúng ta nhận thấy có nhiều điều cần sửa đổi. Hiện tại, Dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung bao gồm 5 nhóm chính sách lớn.
Sửa đổi Luật Dược: 5 nhóm chính sách lớn

Ngày 25/9/2024, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo: “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược” với sự hiện diện của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Trong phiên thảo luận “Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo ngành dược”, ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ, qua 30 năm, ngành dược đã có những tăng trưởng tích cực, với việc chi tiêu thuốc trên đầu người trước đây chỉ 0,5 USD và hiện đã đạt 75 USD. Tuy nhiên, ngành dược còn tồn tại một số vấn đề.

Thứ nhất, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành dược còn hạn chế. Trong thời đại công nghiệp 4.0, quá trình số hoá ngành dược rất chậm.

Thứ hai là về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu phát triển. Hiện tại, ngành dược đang phát triển thuốc sinh học, trong khi Việt Nam chủ yếu là các nhà máy thuốc hoá dược. 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, doanh nghiệp không thể lập tức phát triển hoặc tiếp thu sản xuất thuốc sinh học. Ở đây có vấn đề về nguồn nhân lực.

Thứ ba là các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) quá phân tán, không có cơ sở tầm cỡ quốc gia làm công tác R&D, mỗi doanh nghiệp có phòng R&D chỉ vài người làm nghiên cứu. Chưa kể là vấn đề về thể chế, sau khi doanh nghiệp có kết quả R&D thì cơ chế chuyển giao kết quả phát triển như thế nào.

Ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại phiên thảo luận

Ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại phiên thảo luận

Thứ tư, năng lực tài chính của các doanh nghiệp dược trong nước hạn chế. Tỷ lệ đầu tư R&D thấp, với tỷ lệ này thì không thể phát triển được. Chưa kể, khi đầu tư vào R&D với số tiền lớn thì các chi phí được tính toán như thế nào, làm ra được bao nhiêu sản phẩm để đưa ra thị trường… Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Thứ năm, sự thay đổi cấu trúc thị trường ảnh hưởng tới danh mục sản phẩm thuốc trên thị trường. Chỉ còn 40% thuốc generic của các doanh nghiệp địa phương đang sản xuất…, vậy việc chuyển đổi như thế nào?

"Điểm sáng hiện nay là các vấn đề này đã được đề cập tại Chiến lược phát triển ngành dược tới năm 2030 và các quy định sửa đổi tại các Luật Bộ y tế đang thực hiện đã có hướng giải quyết. Đó là niềm hy vọng từ nay tới năm 2030 và 2045 sẽ giải quyết các vấn đề trên”, ông Truyền cho biết.

Chia sẻ thêm về việc giải quyết các tồn tại và quá trình sửa đổi Luật Dược, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt sau Luật Dược 2016, ngành dược đã có nhiều khởi sắc, từ việc trước đây chủ yếu là các nhà máy của Nhà nước thì giờ là hơn 200 nhà máy chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, từ thị trường mà thuốc không đủ nhu cầu, đến nay cơ bản đã cung ứng đủ thuốc cho công tác khám, chăm sóc sức khoẻ người dân.

"Qua 8 năm triển khai Luật Dược, nhất là qua đại dịch Covid vừa qua, chúng ta nhận thấy có nhiều điều cần sửa đổi. Hiện tại, Dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung bao gồm 5 nhóm chính sách lớn", ông Hùng nói và chỉ ra 5 nhóm chính sách cụ thể.

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân.

Thứ hai, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc/nguyên liệu thuốc sinh học, thuốc dược liệu được tiêu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước.

Thứ năm, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

“Ngành dược rất đặc thù, liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng, nhiều ngành có thể cắt giảm thủ tục hành chính và thực hiện hậu kiểm…, nhưng thuốc thì không như vậy, việc cấp phép thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy trình. Việt Nam và các quốc gia đều làm như vậy, không thể cứ cấp phép sau đó thu hồi vì như vậy rất nguy hiểm.

Ở đây chúng tôi muốn đơn giản thủ tục, đơn giản hồ sơ tài liệu, nhưng vẫn chặt chẽ, kỹ càng để đảm bảo chất lượng thuốc, đảm bảo sức khoẻ. Chúng tôi muốn tăng cường lưu hành thuốc nhưng đó là thuốc tốt, an toàn, hiệu quả, không phải là tập trung phát triển ồ ạt, không đảm bảo chất lượng”, ông Hùng chia sẻ.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục