Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực thi, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế: một số nội dung thiếu rõ ràng, chồng chéo với luật khác, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở và làm tăng chi phí của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Riêng đối với quy định về mô hình, hoạt động của khối công ty cổ phần đã có nhiều bất cập trong thực tế.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận, tuy đã có nỗ lực lớn, nhưng mức độ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở nước ta vẫn liên tục bị xếp hạng ở mức thấp. Theo cách đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức độ bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta được xếp thứ 160 trong 189 quốc gia, nền kinh tế .
Một số quy định liên quan chưa tạo thuận lợi để thực hiện quyền khởi kiện người quản lý như: hạn chế tiếp cận thông tin, tự chịu chi phí khởi kiện trong trường hợp khởi kiện nhân danh công ty...
Với Dự thảo Luật sửa đổi, cơ bản cấu trúc của Luật được giữ nguyên, nhưng thêm một chương về doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập hai chương cũ về Quản lý nhà nước và Điều khoản thi hành thành Chương X về tổ chức thực hiện.
Về số lượng điều khoản, Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung tăng 57 điều mới; có 99 điều được sửa đổi, bổ sung; bãi bỏ 6 điều.
Đáng chú ý, về thành lập và đăng ký doanh nghiệp, dự luật bỏ quy định về xác nhận vốn pháp định và không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, để thuận tiện cho DN, Dự thảo kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến khâu tổ chức quản trị, dự luật quy định thống nhất thời hạn thanh toán đủ phần vốn góp, cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp là 90 ngày cho mọi loại hình doanh nghiệp. Hiện quy định thời hạn này là 3 năm đối với công ty TNHH.
Đối với khối công ty cổ phần, tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định ĐHCĐ đã giảm xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định quan trọng để phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Tỷ lệ tương ứng theo quy định hiện hành là 65% và 75%.
Các tỷ lệ về triệu tập cuộc họp ĐHCĐ cũng được giảm xuống, theo đó, cuộc họp ĐHCĐ sẽ được tiến hành nếu lần đầu tiên triệu tập, có số cổ đông đại diện tối thiểu 51% vốn điều lệ có mặt. Lần thứ 2 là 33% và lần thứ 3 không phụ thuộc vào số lượng cổ đông có mặt. Quy định hiện hành là 65%, 51% và không quy định.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn và bổ sung tăng thêm phạm vi hoạt động và thẩm quyền của kiểm soát viên, Ban kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, tăng cường yêu cầu minh bạch hóa và công khai hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan theo dõi, giám sát doanh nghiệp; cho phép các công ty linh hoạt hơn trong tổ chức quản trị nội bộ; không bắt buộc áp dụng phương thức bầu dồn phiếu đối với thành viên Hội đồng quản trị; cho phép Điều lệ công ty quy định cụ thể trình tự, thủ tục triệu tập họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị…
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội còn nghe báo cáo về Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường.