Sửa Luật Doanh nghiệp: Tạo thuận lợi hơn cho cổ đông kiện lãnh đạo doanh nghiệp

(ĐTCK) Với nhiều điểm đổi mới và bổ sung cho hoạt động của loại hình CTCP, Luật Doanh nghiệp sửa đổi được kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các NĐT, cổ đông cũng như mở rộng hơn quyền lựa chọn cho DN. Tuy nhiên, câu chuyện về môt hình quản trị khối DN này lại gặp phải những tranh luận trái chiều.
Nhiều kiến đồng tình với quy định giảm yêu cầu về tỷ lệ tham dự ĐHCĐ Nhiều kiến đồng tình với quy định giảm yêu cầu về tỷ lệ tham dự ĐHCĐ

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương, đối với loại hình CTCP, Luật sửa đổi bổ sung thêm mô hình quản trị DN đơn hội đồng bên cạnh mô hình đa hội đồng như hiện nay, để các NĐT có thêm lựa chọn mô hình quản trị phù hợp.

Luật cũng mở rộng quyền lựa chọn cho DN quy định cụ thể trong điều lệ những nguyên tắc quản trị DN cụ thể hơn, chi tiết hơn và có thể khác so với quy định của Luật cho phù hợp với mong muốn và hoàn cảnh cụ thể của DN, như: quy định linh hoạt trong việc áp dụng bầu dồn phiếu; linh hoạt hơn trong một số nội dung về tổ chức họp, giảm tỷ lệ biểu quyết tại cuộc họp...

Đối với cổ đông và NĐT, Luật bổ sung các quy định để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông, theo đó đưa ra các quy định về bổn phận người quản lý DN, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông khởi kiện người quản lý, bổ sung quy định bảo vệ lợi ích của cổ đông trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập DN...

Các điểm mới này hiện đang thu hút khá nhiều luồng ý kiến khác nhau về tính khả thi cũng như khả năng tương thích trong áp dụng thực tiễn khi Luật ban hành. Về mô hình quản trị, theo ý kiến của một số chuyên gia, không nên quy định cùng một lúc về hai mô hình quản trị công ty, vì sẽ tạo sự không đồng nhất khi kinh nghiệm và kiến thức về quản trị công ty của các NĐT còn hạn chế, ít khả năng tự bảo vệ, nhất là các NĐT nhỏ.

Tuy nhiên, nhiều DN lại tán thành và coi đây như sự tăng quyền lựa chọn cho DN. “Nếu chỉ quy định một mô hình hội đồng thì sẽ dẫn đến bó hẹp sự sáng tạo và thiếu linh hoạt trong tổ chức quản lý của DN, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động điều hành của CTCP”, đại diện một DN niêm yết nhận xét và cho biết thêm, việc bổ sung mô hình quản trị đơn một mặt giúp nâng cao hiệu quả quản trị của CTCP, nhất là các DN niêm yết, mặt khác lại tăng thêm lựa chọn phù hợp cho NĐT trong khâu tổ chức quản trị DN.

Ở đây, có một điểm đáng lưu ý đối với trường hợp áp dụng mô hình đơn hội đồng, ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nên cân nhắc điều kiện áp dụng vì quy định như Dự án luật là rất khó đạt được và chỉ phù hợp với công ty niêm yết, còn đối với công ty đại chúng chưa niêm yết thì chỉ nên áp dụng một mô hình như quy định ở luật hiện hành.

Về quy định nguyên tắc bầu dồn phiếu trong bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, mặc dù được đánh giá là giúp mở rộng quyền lựa chọn của DN trong việc quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong Điều lệ công ty hoặc chỉ áp dụng quy định của luật nếu điều lệ không có quy định khác, song nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại rằng, việc quy định như Dự luật có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng để lựa chọn phương án có lợi cho họ, thay vì lợi ích chung của công ty.

Theo phân tích tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc  hội, ngay bản thân Luật Doanh nghiệp hiện hành vốn đã có quy định về nguyên tắc dồn phiếu, một mặt quy định này đảm bảo quyền lợi cổ đông của DN, nhưng mặt khác cũng còn tồn tại nhiều bất cập dễ bị lợi dụng nhằm thao túng DN.

Nhiều DN cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với quy định giảm yêu cầu về tỷ lệ tham dự ĐHCĐ để cuộc họp đủ điều kiện và tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định ĐHCĐ xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt” mà Dự luật đưa ra. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp có mâu thuẫn, tranh chấp, các cổ đông lớn đã lợi dụng quy định về tỷ lệ biểu quyết để kéo dài thời gian ra quyết định nhằm thỏa mãn lợi ích riêng, theo đó dẫn đến việc DN mất cơ hội kinh doanh cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của DN.

Theo ông Vũ Văn Tính, đại diện Công ty Tư vấn Luật OPIC, việc quy định giảm tỷ lệ biểu quyết sẽ góp phần khắc phục cơ bản tình trạng này thông qua giải quyết tốt những xung đột trong nội bộ DN, cân đối hài hòa lợi ích của các cổ đông, tạo sự đồng thuận để kịp thời và nhanh chóng đưa ra các quyết định kinh doanh. “Giảm tỷ lệ tham dự họp sẽ giúp DN hạn chế những tốn kém về thời gian, tiền bạc trong tổ chức họp và ra các quyết định của ĐHCĐ của CTCP, nhất là các công ty đại chúng; do đó xét cho cùng sẽ có lợi cho công ty và đa số cổ đông của công ty”, ông Tính nhận xét.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục