Sửa Luật đất đai: quan ngại lợi dụng thu hồi đất

(ĐTCK) Trong buổi thảo luận sáng nay (6/11) tại hội trường về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề thu hồi, giá đền bù, tái định cư…
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương

>> Luật Đất đai mới sẽ tạo “hứng khởi” cho thị trường

Các đại biều cho rằng quy định về thu hồi đất cho các dự án phục vụ kinh tế xã hội còn chung chung sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng và khiếu kiện. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đồng tình với việc thu hồi đất cho các dự án an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như quy định trong điều 62.

Với các dự án kinh tế xã hội mà quy định như dự thảo là là chung chung, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng trong áp dụng. Thực tế Hà Nội có nhiều dự án bị ách tắc do đền bù giải phóng mặt dẫn đến khiếu kiện, đơn thư phức tạp. Do đó, đại biểu Hồng Hà đề nghị quy định thành điều riêng cho các trường hợp nhà nước thu hồi đất cho các dự án KTXH đồng thời cũng cần làm rõ suất tái định cư tối thiểu là như thế nào.

Các đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đều yêu cầu làm rõ những dự án kinh tế xã hội nào Nhà nước thu hồi, dự án nào chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận với người dân. Ví dụ, hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt thuộc dự án phát triển kinh tế xã hội Nhà nước thu hồi đất. Nhưng đại biểu Mỹ Hương đề nghị quy định rõ phải là công trình Nhà nước thực hiện đầu tư nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế. Nếu là dự án của doanh nghiệp phục vụ kinh doanh thì phải thỏa thuận với người dân.

Tương tự đại biểu Trần Ngọc Vinh kiên trì đề nghị đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội vẫn phải trưng mua để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng nếu không quy định thì khiếu kiện, đơn thư càng nhiều.

“Cần làm rõ các dự án kinh tế xã hội và phân loại các dự án loại các dự án thuần túy của nhà đầu tư tránh bị lợi dụng và tạo ra bất bình xã hội. Chỉ dự án do Nhà nước phê duyệt đầu tư mới thu hồi đất, nếu là dự án Nhà nước  ra thông báo đầu tư thì phải trưng mua của dân”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Liên quan đến nguyên tắc và phương pháp xác định giá đền bù, các đại biểu góp ý cần làm rõ thế nào là giá đền bù phù hợp giá đất phổ biến trên thị trường. Đây là câu hỏi khó cho cơ quan Nhà nước trong việc xác định giá đất bồi thường cũng như đảm bảo quyền lợi của người có đất. Chính quyền căn cứ vào đâu để nói rằng giá bồi thường đã được tính đúng tính đủ? Người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của họ đã được bảo đảm? Nơi không có giao dịch căn cứ vào đâu để tính?

Một số ý kiến đề nghị dự thảo cần thể hiển rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất đồng thời Nhà nước cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu. 

Cũng theo Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương, cần nghiên cứu xem xét về lợi nhuận hình thành trong tương lại của người sử dụng đất. Việc xác định giá đất khi thu hồi phải tính đến yếu tố này để đảm bảo người bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước đây. Tránh tình trạng người dân bị thua thiệt bức xúc và khiếu nại, đơn thư.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục