Sửa Luật Đất đai: “Mở” quyền cho Việt kiều để thu hút kiều hối

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhiều người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam. Nhiều người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam.

Chính phủ đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước.

Tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có sự thay đổi.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có ý kiến đề nghị làm rõ về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với đất ở: theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được “nhận chuyển quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển nhà ở”.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư bỏ cụm từ “trong dự án phát triển nhà ở” , tuy nhiên, tại các tài liệu Hồ sơ dự án Luật chưa rõ nội dung đánh giá tác động cụ thể. Dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân tiếp tục giữ nội dung như Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Tại Báo cáo số 277/BC-CP ngày 29/5/2023 của Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo việc bổ sung phạm vi người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận quyền sử dụng đất ở là phải “trong dự án phát triển nhà ở” và chỉnh lý tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (điểm g khoản 1 Điều 29); tuy nhiên, chưa có nội dung giải trình cụ thể về việc bổ sung lại quy định này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là nội dung chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không còn quốc tịch Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam đã có quy định mang tính nguyên tắc về “Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 của Chính phủ đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam), dự thảo Luật thiết kế 2 phương án.

Phương án 1: Chỉnh sửa quy định theo đề xuất của Chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước.

Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Do Nghị quyết số 18-NQ/TW không đề cập nội dung về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về nội dung này, báo cáo nêu rõ.

Theo phương án mở rộng phạm vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, điều 28 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi mới nhất gồm 16 chương, 265 điều, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ sáu này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật hết sức quan trọng này.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục