Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 4): Tăng phạt tiền là cần, nhưng chưa đủ

(ĐTCK) Ban soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã đề xuất nhiều giải pháp mới để ngăn chặn các vi phạm tinh vi. Không ít ý kiến cho rằng, các giải pháp đề xuất vẫn chưa đủ, cần bổ sung một số chế tài theo thông lệ quốc tế, chẳng hạn tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. 
Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 4): Tăng phạt tiền là cần, nhưng chưa đủ

Kỳ 4: Tăng phạt tiền là cần, nhưng chưa đủ

Vi phạm phức tạp

Do sử dụng 18 tài khoản để mua - bán, tạo cung - cầu giả tạo đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV), bà Nguyễn Thị Nhung (xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vừa qua đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phạt 550 triệu đồng.

Lịch sử giá cổ phiếu AMV cho thấy, giá cổ phiếu này từ đầu năm đến nay có diễn biến giảm từ gần 40.000 đồng/CP xuống sát 30.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong 4 tháng cuối năm 2018, cổ phiếu AMV tăng giá từ 16.000 đồng/CP lên gần 40.000 đồng/CP.

Đó chỉ là một trong số nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu bị UBCK phát hiện và xử phạt từ đầu năm đến nay. Ngoài hành vi vi phạm này, UBCK đã công bố nhiều quyết định xử phạt liên quan đến vi phạm về minh bạch thông tin; lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu mà không báo cáo, hoặc chậm báo cáo Sở giao dịch chứng khoán, UBCK…

Chia sẻ về nỗ lực phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý trong những năm qua nhằm đảm bảo tính công bằng, kỷ cương trên thị trường, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Chứng khoán sửa đổi tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong hai năm 2007 - 2018, UBCK đã ban hành hơn 1.950 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền phạt trên 116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi việc thu thập thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thẩm quyền... Vì vậy, kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý còn hạn chế.

Trong số các hành vi vi phạm, theo ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK, tình trạng vi phạm về công bố và minh bạch thông tin có xu hướng tăng: năm 2017, UBCK ban hành 214 quyết định xử phạt 80 cá nhân và 134 tổ chức; năm 2018, có 268 cá nhân và 129 tổ chức bị xử phạt. Đáng chú ý, UBCK xử phạt 9 cá nhân có hành vi thao túng, tạo cung cầu cổ phiếu giả; buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch.

“Số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt, với các lỗi vi phạm phổ biến như báo cáo không đúng hạn; công bố thông tin không chính xác, đầy đủ; không công bố thông tin. Những vi phạm này ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Điền cho hay.

Theo báo cáo đánh giá của Chính phủ, quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành về thẩm quyền của UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế đảm bảo thực thi pháp luật trên thị trường chứng khoán. Điều này khiến UBCK gặp nhiều khó khăn trong thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nghiêm trọng như giao dịch nội gián, thao túng thị trường.

Khi thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thị trường chứng khoán...

Nhiều hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, nhưng theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, việc xử lý hình sự các hành vi như cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thao túng giá chứng khoán chưa được mạnh tay áp dụng. Đây là một trong những lý do khiến cho việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán chưa đảm bảo tính răn đe. 

Tăng phạt tiền, cần nhưng chưa đủ

Để tăng tính răn đe cho các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đề xuất 3 nhóm giải pháp.

Một là, bổ sung thẩm quyền cho UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm gồm yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán theo quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin của pháp luật về các tổ chức tín dụng; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm...

Hai là, nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức (hiện là 2 tỷ đồng) và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân (hiện là 1 tỷ đồng). Mức phạt này đã tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm tới (5%/năm x 10 năm).

Ba là, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp: đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn...

Liên quan đến nội dung tăng mức phạt tiền, khi thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc nâng mức phạt tiền tối đa về xử phạt hành chính là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định mức xử phạt tối đa dựa trên số tiền gây thiệt hại, hoặc quy định các hình phạt bổ sung trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của pháp luật hiện hành liên quan.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cần làm rõ tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi khi đề xuất tăng mức phạt tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Liệu điều này có tạo ra mâu thuẫn khi quy định về mức phạt tại dự thảo cao hơn mức xử lý quy định tại Bộ luật Hình sự.

Chẳng hạn, liên quan đến tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, Điều 209, Bộ luật Hình sự quy định mức xử phạt hình sự là từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Nhìn nhận một số nội dung của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật như các quy định về thanh tra chứng khoán, quy định về xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền của UBCK…, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề xuất, Ban soạn thảo cần rà soát để có hướng quy định cho phù hợp với các luật liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, cũng như các luật về tố tụng.

Luật sư Trần Minh Hải nhận xét, việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, nhưng chưa đủ. Thực tế áp dụng chế tài xử lý khiến các đối tượng vi phạm sợ nhất ở các nước là tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính do vi phạm mà có. Điều này tạo ra tính răn đe cao đối với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

“Đây là kinh nghiệm quốc tế tốt mà Việt Nam nên nghiên cứu, để vận dụng phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán”, ông Hải nói.

Để các biện pháp xử lý ngoài tiền có tính khả thi và tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, qua đó tách các biện pháp xử lý như cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhiệm chức vụ... với các hình thức xử lý đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tách bạch các biện pháp mang tính đảm bảo an ninh, an toàn thị trường, phòng ngừa rủi ro với biện pháp xử lý vi phạm.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục