Sửa đổi 4 pháp lệnh liên quan đến quy hoạch

Sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch gồm Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Pháp lệnh Thư viện; Pháp lệnh Quản lý thị trường; và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Sửa đổi 4 pháp lệnh liên quan đến quy hoạch
Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh liên quan đến quy hoạch.

Cụ thể, đối với Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng được sửa, đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch do quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng không tiếp tục lập riêng kể từ 1/1/2019 (thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực) mà là một nội dung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.

Do Pháp lệnh Quản lý thị trường quy định quy hoạch phát triển lực lượng quản lý thị trường không phù hợp với khái niệm quy hoạch tại Luật Quy hoạch nên được sửa đổi theo hướng phát triển lực lượng quản lý thị trường thực hiện theo kế hoạch phát triển lực lượng quản lý thị trường.

Theo Pháp lệnh Thư viện, quản lý nhà nước về thư viện bao gồm tổ chức lập phương án phát triển mạng lưới thư viện trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và các quy hoạch có liên quan khác. Theo Luật Quy hoạch thì các quy hoạch kể trên không được lập riêng mà tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Tương tự, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bên có liên quan xác định công trình ghi công liệt sỹ trong các quy hoạch có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch thì các công trình ghi công liệt sỹ không được lập riên mà là nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, theo ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công.

“Luật Quy hoạch đã tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự nhất quán và tính hiệu quả thiết thực, từ đó giúp các cấp, các ngành quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương”, ông Mạnh phát biểu.

Vẫn theo ông Mạnh, Luật Quy hoạch góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua việc loại bỏ các loại quy hoạch sản phẩm đang tồn tại. Đây là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch, sau khi thông qua Luật Quy hoạch, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 5 và Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 6. Và ngày 22/12/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lênh có liên quan đến quy hoạch gồm Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Pháp lệnh Thư viện; Pháp lệnh Quản lý thị trường; và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục