Bước sang ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, sáng 30/5/2018, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy trình lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị đề xuất vào chương trình, soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đến xem xét, thông qua.
Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật vẫn còn những điểm phải lưu ý như: trong hồ sơ chưa phản ánh được những chính sách đã được Chính phủ quyết định;
Có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết chưa phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện đối với nhu cầu khách quan của việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật cũng như đối với các chính sách cơ bản của dự án;
Dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng; đề cương dự thảo luật mới chỉ là danh mục các chương, điều...
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định.
Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án.
Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình.
Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến. Kỹ thuật văn bản còn một số điểm chưa thống nhất.
Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định
Đai biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho biết, nhìn vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 thấy rõ sự là quá tải, việc lập chương trình chưa sát thực tế nên tính khả thi chưa cao nên một số luật đưa vào lại rút ra khỏi chương trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, đồng ý với nhiều nội dung trong tờ trình của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. UBTVQH đã nhìn thẳng vào thực tế để có cải tiến để nâng cao chất lượng xây dựng luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Dù vậy, nếu điều chỉnh quá nhiều và thường xuyên sẽ mất đi tính nghiêm túc. Đại biểu lưu ý, tình trạng xin lùi, rút và bổ sung các dự án luật còn thường xuyên cho thấy Quốc hội cần nâng cao trách nhiệm của mình.
Đáng lưu ý,đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) cho biết, do không hài lòng với tình trạng chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên thay đổi, nay xin rút, mai xin lùi ngày càng gia tăng, chứng tỏ kỷ cương hành chính chưa nghiêm.
Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Lê Thành Long cho rằng, tờ trình cho thấy một bức tranh khá toàn diện về những mặt được và hạn chế. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến giờ đã thông qua được 32 Luật.
Dù còn hạn chế nhưng đã có dự án luật ta đã đánh trúng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội (Nghị quyết về Giải quyết nợ xấu; Nghị quyết về một số chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh…, cơ bản các dự án luật trình Quốc hội được thông qua, có 2 dự án đạt 100%). Cố gắng trình sớm, hồ sơ tài liệu tương đối đầy đủ.
Thừa nhận hạn chế yếu kém, Bộ trường Lê Thành Long đề cập thẳng vào tình trạng xin lùi, xin rút và trình chậm, hồ sơ chưa đầy đủ. Nhất trí với ý kiến của đại biểu Triệu Thị Thu Phương là có sự quá tải.
Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục trong thời gian tới, cần chủ động rà soát mạnh hơn, để tránh quá tải, phân công và triển khai sớm.
Tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu, chỉ làm sớm mới có đươc thời gian và thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, phát huy vai trò 2 tổ công tác của Chính phủ.
"Thách thức phía trước còn rất lớn, những dự án luật còn chưa đưa vào chương trình năm 2019, cần rà soát xem phải sửa đổi văn bản pháp luật nào để thích ứng với Hiệp định CPTPP", Bộ trưởng nhấn mạnh.