Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét 16 dự án luật, thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết. Trong đó, có 1 dự án luật điều chỉnh 13 luật khác theo hình thức rút gọn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn sẽ được tổ chức theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” (người hỏi đặt 1 câu hỏi, người trả lời giải đáp ngay).
Hình thức hỏi đáp này đã được thí điểm tại phiên họp thứ 22 UBTVQH (3/2018) với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.
Mỗi đại biểu hỏi 1 câu chỉ 1 phút và Bộ trưởng trả lời mỗi câu trong 3 phút. 3 đại biểu hỏi 3 câu một lúc để Bộ trưởng trả lời 3 câu trong 9 phút, nếu quá thì sẽ cắt.
“Đây là áp lực rất lớn đối với Bộ trưởng trước gần 500 đại biểu, hàng trăm nhà báo, hàng triệu cử tri theo dõi trực tiếp. Vì thế, chúng ta cũng cần chia sẻ với các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn tại hội trường”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Nhiều cử tri nhắn tin cho tôi hoan nghênh cách chất vấn như vậy: Hấp dẫn, tăng cường đối thoại, lại tránh được tình trạng hỏi trùng lặp; rồi hỏi nhiều câu quá thì người trả lời nghe, ghi chép không kịp nên khi trả lời không đầy đủ”.
Tại kỳ họp này cũng không gợi ý thảo luận bằng văn bản nữa, mà gợi ý vào ngay trong báo cáo thẩm tra để đại biểu nghiên cứu, lựa chọn vấn đề quan tâm để thảo luận.
Bên cạnh đó, cần chủ động thông tin nhiều chiều về các dự án luật, tránh hiện tượng nhiều vấn đề mà UBTVQH chưa nghe ý kiến mà trên mạng xã hội đã ồn ào, cơ quan soạn thảo bị “ném đá” tới tấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần giảm thời gian thảo luận tổ, tăng thời gian đại biểu thảo luận toàn thể ở hội trường. Thời gian bố trí hợp lý thảo luận các dự án luật, tăng thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, các báo cáo về phòng chống tham nhũng, lãng phí và các dự án luật quan trọng khác…