Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đang thúc đẩy các động thái can thiệp mới trên khắp châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một số đợt sụt giảm nghiêm trọng nhất trên thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất cách đây 6 tháng, các nhà chức trách ở châu Á đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn một vòng xoáy đi xuống của thị trường tài chính.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đang thúc đẩy các động thái can thiệp mới trên khắp châu Á

Hôm thứ Tư (28/9), Hàn Quốc là quốc gia tiếp theo có động thái can thiệp vào thị trường tài chính, ngân hàng trung ương nước này cho biết, sẽ mua lại khoản trái phiếu chính phủ trị giá 2,1 tỷ USD.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), cơ quan chức năng đã thả nổi các biện pháp kiểm soát tiền tệ và báo hiệu sự sẵn sàng cấm bán khống cổ phiếu. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đã chỉ thị cho một số quỹ hạn chế bán lượng lớn cổ phiếu và nói với các ngân hàng về việc đảm bảo việc cố định hàng ngày của đồng nhân dân tệ.

Các chính phủ trên toàn thế giới đang phải vật lộn với hậu quả từ quỹ đạo tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của Fed kể từ những năm 1980, với sự gia tăng nhanh chóng của đồng đô la đã thúc đẩy dòng vốn rút khỏi các thị trường tài chính. Những nỗ lực nhằm kiểm soát các thị trường ở châu Á - khu vực bị ám ảnh bởi ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 - cho đến nay vẫn mang lại ít kết quả thuyết phục.

Mitul Kotecha, người đứng đầu chiến lược các thị trường mới nổi tại TD Securities ở Singapore cho biết: “Sự can thiệp sẽ chỉ giúp làm chậm sự suy giảm tài sản châu Á hơn là ngăn chặn nó. Lãi suất cao hơn của Mỹ, đồng đô la mạnh và lãi suất thực tương đối thấp trong khu vực cho thấy áp lực sẽ còn tồn tại trong những tuần tới”.

Các nhà chức trách ở Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã can thiệp hoàn toàn để hỗ trợ tiền tệ. Nhưng những nỗ lực dường như không đủ.

Đồng yên vẫn ở gần mốc 145 mỗi đô la và đồng nhân dân tệ đã chạm mức yếu nhất kể từ năm 2008. Trong một tuyên bố công khai hiếm hoi được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đưa ra vào thứ Tư (28/9) cho biết, các ngân hàng không nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu cơ vào tiền tệ và các cơ quan quản lý sẽ giúp điều tiết thị trường đi đúng hướng.

“Đừng đặt cược vào sự tăng giá hoặc giảm giá một chiều của đồng nhân dân tệ, vì chắc chắn sẽ phải gánh chịu thiệt hại trong dài hạn”, PBOC cho biết trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư (28/9).

PBOC cho biết thêm rằng, họ có "nhiều kinh nghiệm" để chống lại các cú sốc bên ngoài và định hướng hiệu quả các kỳ vọng của thị trường. Tuyên bố cũng đề cập đến việc các công ty đặt cược đầu cơ vào tỷ giá hối đoái và các tổ chức tài chính là vi phạm chính sách.

Tetsuji Sano, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết: “Sẽ rất khó để PBOC mua đồng nhân dân tệ vì điều này sẽ làm giảm tính thanh khoản của đồng nhân dân tệ khỏi thị trường tiền tệ khi PBOC đang cố gắng nới lỏng các điều kiện tiền tệ. Trung Quốc có thể thực hiện một số bước nhỏ để hạn chế sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ và ngăn chặn dòng vốn chảy ra, chẳng hạn như làm cho thủ tục mua ngoại tệ của người dân Trung Quốc trở nên phức tạp hơn”.

Các nhà chức trách ở Hàn Quốc đã tương đối thành công hơn khi trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng điểm sau khi ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ mua lại trái phiếu chính phủ.

Ngày càng có nhiều các câu hỏi về việc liệu động thái tăng cường can thiệp của các nhà chức trách có hiệu quả hay không khi cuộc khảo sát vào tháng 9 của Bank of America cho thấy rằng, nhiều nhà quản lý quỹ toàn cầu hơn bao giờ hết đang chấp nhận rủi ro thấp hơn bình thường.

Chỉ số chứng khoán MSCI châu Á – Thái Bình Dương và chỉ số MSCI tiền tệ các thị trường mới nổi

Chỉ số chứng khoán MSCI châu Á – Thái Bình Dương và chỉ số MSCI tiền tệ các thị trường mới nổi

Mặc dù có nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn cơn hoảng loạn ở châu Á, ngày 28/9 là một trong những ngày tồi tệ nhất đối với thị trường tín dụng của khu vực trong năm nay và Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Can thiệp là một hành động cân bằng cho các nhà hoạch định chính sách. Việc hành động quá ít hay quá muộn có thể dẫn đến nhận thức rằng các quan chức bất lực trong việc xử lý các biến động thị trường tài chính, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Nhưng can thiệp quá nhiều có thể làm xói mòn niềm tin vào sự tự do của thị trường, giống như việc Trung Quốc xử lý bong bóng thị trường chứng khoán vào năm 2015.

Theo Nomura, một hạn chế có thể đến từ dự trữ ngoại hối của khu vực, điều đó có thể buộc các ngân hàng trung ương châu Á phải tìm kiếm các cách thay thế để hỗ trợ đồng tiền của họ, với các biện pháp có thể bao gồm yêu cầu các nhà xuất khẩu bán số tiền thu được bằng ngoại tệ, đặt hạn chế vào các tài khoản giao dịch chứng khoán và đưa ra các biện pháp thúc đẩy dòng vốn chảy vào.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục