Sự phục hồi của kinh tế thế giới bước sang giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đang bước sang một giai đoạn mới khi nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu kế hoạch rút các biện pháp kích thích khẩn cấp.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới thời điểm cắt giảm kích thích đã củng cố xu hướng toàn cầu khi Ngân hàng Trung ương Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc và New Zealand cũng đang có kế hoạch tương tự.

Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chuyển hướng và đang tập trung vào việc kiểm soát nợ trong khi đảm bảo những bộ phận của nền kinh tế vẫn cần đủ thanh khoản. Tương tự, trong tuần qua, Mexico, Hungary và Cộng hòa Séc đã tăng lãi suất sau các đợt tăng vào đầu năm 2021 từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Lãi suất chính sách của các quốc gia trong năm nay

Lãi suất chính sách của các quốc gia trong năm nay

Sự thay đổi chính sách dự kiến ​​vẫn sẽ chậm vì sự lan rộng liên tục của các biến thể Covid-19 làm phức tạp thêm việc trở lại bình thường của các nền kinh tế và hầu hết các nhà hoạch định chính sách cho rằng, lạm phát sẽ giảm dần. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ dễ dàng của mình.

Các nhà kinh tế của JPMorgan ước tính lãi suất trung bình toàn cầu sẽ chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay lên 1,28% từ mức 1,27% hiện tại.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi diễn ra như thế nào sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với sự phục hồi của thị trường toàn cầu. Việc thay đổi chính sách quá nhanh của các ngân hàng trung ương có nguy cơ làm lung lay các nhà đầu tư, làm tổn thương niềm tin và kìm hãm đà phục hồi, nhưng nếu chính sách thay đổi quá chậm có thể gây ra lạm phát và làm xấu đi sự ổn định tài chính khi giá nhà và gía các loại tài sản khác tăng.

“Hãy thắt dây an toàn”, Vishwanath Tirupattur, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định của Mỹ tại Morgan Stanely đã viết trong một báo cáo cho khách hàng vào Chủ nhật (27/6), trong đó ông nói rằng, khuynh hướng diều hâu của Fed sẽ tăng cường tác động tới thị trường.

Sự thay đổi chính sách tiền tệ cũng trùng hợp với các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi toàn cầu có thể chậm lại khi chi tiêu lớn của chính phủ giảm dần và tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Mặc dù Tổng thống Joe Biden đang lên kế hoạch kích thích tài khóa quy mô lớn hơn nữa cho Mỹ nhưng dự kiến ​​sẽ được triển khai với tốc độ chậm hơn.

Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại AMP Capital Investors ở Sydney cho biết: “Sự phục hồi toàn cầu sẽ bắt đầu chậm lại khi động lực từ kích thích tiền tệ cùng với việc mở cửa trở lại và kích thích tài khóa bắt đầu giảm dần”.

Những người lạc quan cho rằng, vẫn có đủ động lực trong sự phục hồi để chống lại bất kỳ sự cắt giảm nào của ngân hàng trung ương và việc thắt chặt hoàn toàn các điều kiện tài chính vẫn còn lâu mới kết thúc. Tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 đang tăng nhanh và tiếp tục kích thích tài chính sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như việc giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hôm thứ Ba (22/6) rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ kiên nhẫn chờ đợi về việc tăng lãi suất và Fed vẫn phải nêu chi tiết khi nào và bằng cách nào họ sẽ bắt đầu dừng chương trình mua tài sản của mình.

Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore cho biết: “Việc thắt chặt tiền tệ có khả năng được thực hiện dần dần. Nếu Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục thuyết phục các nhà đầu tư và công chúng rằng lạm phát tăng trong năm nay khi các nền kinh tế mở cửa trở lại chỉ là tạm thời, sau đó các điều kiện tiền tệ có thể sẽ tiếp tục lỏng lẻo trong vài năm tới”.

Lịch sử cho thấy rằng con đường thoát khỏi các biện pháp kích thích là điều không dễ dàng. Những nỗ lực để thoát khỏi nguồn cung cấp thanh khoản rẻ trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư lo sợ.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar, nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio cho biết, ông kỳ vọng Fed sẽ đạt được kết quả mong muốn với những hành động tương đối khiêm tốn, mặc dù ông cũng đánh dấu những lo ngại về cách các thị trường có thể phản ứng.

“Hiện tại, sự phục hồi kinh tế của Mỹ và tiềm năng mở rộng nhanh hơn ở châu Âu và Nhật Bản mang lại cho các ngân hàng trung ương cơ hội giảm hỗ trợ khẩn cấp. Hỗ trợ chính sách tiền tệ đã lên đến đỉnh điểm. Và đúng là như vậy”, Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục