PBOC bắt đầu hạn chế tăng trưởng tín dụng để giải quyết rủi ro nợ. Lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn ở mức ổn định mặc dù giá xuất xưởng tăng gần đây.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các biện pháp kích thích tài chính kỷ lục khiến áp lực lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến. Các nhà tạo lập chính sách của Fed đang tranh luận khi nào có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu và có thể bắt đầu tăng lãi suất.
Không giống như trong chu kỳ thắt chặt trước đây của Mỹ, khi lãi suất ở Trung Quốc cũng tăng cao hơn một phần để giảm bớt lo ngại về dòng vốn chảy ra, thì lần này, dòng vốn đang đổ vào Trung Quốc. Mặc dù đồng nhân dân tệ có thể suy yếu khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng điều này lại tác động tích cực cho các nhà xuất khẩu và PBOC có thể không chịu ảnh hưởng lớn.
Tỷ giá CNY/USD |
Dariusz Kowalczyk, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản tại Credit Agricole CIB cho biết: “Trung Quốc đang thực hiện đường lối chính sách của riêng mình do câu chuyện tăng trưởng và lạm phát ở đây rất khác so với Mỹ. Sự thay đổi chính sách của Fed đang gây áp lực gia tăng đối với sự biến động của thị trường ngoại hối toàn cầu và PBOC cũng sẽ hoan nghênh việc tỷ giá hối đoái CNY/USD bị tác động bởi điều này”.
Bắc Kinh đã nhiều lần báo hiệu rằng, mức tăng của đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã quá nhanh và đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 vào tháng 5/2021. Mặc dù đồng nhân dân tệ đã giảm 1,2% kể từ khi Fed thay đổi lập trường bất ngờ về lãi suất, nhưng đồng nhân dân tệ vẫn tăng 0,9% trong năm nay so với đồng USD, đồng thời là đồng tiền hoạt động tốt thứ hai ở châu Á.
Thị trường lãi suất cao của Trung Quốc vẫn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu, điều này có thể giúp giữ cho đồng nhân dân tệ mạnh hơn so với các đồng tiền khác. Mặc dù lãi suất của Mỹ đã tăng sau tín hiệu của Fed, nhưng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc vẫn mang lại lợi suất cao hơn khoảng 1,6% so với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ.
PBOC bắt đầu báo hiệu sự chuyển hướng khỏi các biện pháp kích thích vào cuối năm ngoái, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang vật lộn để phục hồi sau những cuộc suy thoái sâu. Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra lo ngại về việc gia tăng nợ và bong bóng tài sản, cam kết sẽ ổn định tỷ lệ nợ và tránh bất kỳ “biến động mạnh” nào trong chính sách.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Plc ở Hồng Kông cho biết: “Ngay cả trong giai đoạn đầu của quá trình giảm bớt các chương trình kích thích của Fed, PBOC có thể vẫn sẽ bám sát tốc độ chính sách của riêng mình vì họ đã bắt đầu bình thường hóa. Đồng nhân dân tệ giảm giá là lý tưởng đối với Bắc Kinh”.
Chang Shu của Bloomberg Economics cho biết: “Làn sóng tăng giá của đồng nhân dân tệ có thể đã thay đổi sau thông báo diều hâu gần đây của Fed. Mặc dù vậy, nhu cầu doanh nghiệp tăng vào tháng 5 cho thấy, đồng nhân dân tệ vẫn còn hỗ trợ và khó có khả năng giảm giá nhanh chóng”.
Về lãi suất thị trường ngắn hạn, PBOC cũng đang báo hiệu sẵn sàng cung cấp đủ thanh khoản để tránh lãi suất tăng cao. Hôm thứ Năm (24/5), PBOC đã tăng cường bơm tiền mặt ngắn hạn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, đây là một sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của PBOC trong việc quản lý thanh khoản sau nhiều tháng cung cấp mức tối thiểu để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về vấn đề này, Robin Xing và các nhà kinh tế khác tại Morgan Stanley đã viết trong một ghi chú: “Chúng tôi không nghĩ rằng Fed với quan điểm diều hâu hơn sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc. Thay vào đó, có thể có một sự điều chỉnh trong lập trường chính sách về thắt chặt tại cuộc họp của các nhà chức trách Trung Quốc trong tháng 7 với sự tăng trưởng khó khăn gần đây”.