Cạnh tranh gay gắt
Dù đã có các chính sách thúc đẩy sự phát triển của gạch không nung, nhưng dường như để cạnh tranh với gạch đỏ, các loại gạch không nung vẫn đang trong tình trạng yếu thế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phan Xuân Tĩnh, phụ trách sản xuất Nhà máy gạch không nung Trần Châu (Hà Tĩnh) cho biết, doanh nghiệp của ông đang gặp phải không ít khó khăn. Một mặt, vừa phải cạnh tranh với gạch đỏ truyền thống, mặt khác, phải lo đối phó với vấn nạn gạch không nung kém chất lượng trà trộn trên thị trường. Thậm chí, mượn danh sản phẩm của đơn vị để bán hàng, Theo ông Tĩnh, tại Hà Tĩnh, hiện có khoảng 4 nhà máy sản xuất gạch không nung quy mô lớn và nhiều cơ sở nhỏ, sản xuất theo kiểu thủ công cùng loại sản phẩm này. Ngoài ra, trên địa bàn còn rất nhiều lò gạch nung truyền thống. Cả gạch đỏ, gạch không nung chất lượng kém đều đang cạnh tranh trực tiếp với gạch không nung của Trần Châu.
Cũng theo ông Tĩnh, hiện may mắn với Trần Châu là phần lớn các công trình sử dụng vốn ngân sách tại địa phương đều đã sử dụng gạch không nung. Ngoài ra, bản thân công ty mẹ của Trần Châu cũng có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng nên sản phẩm gạch không nung của đơn vị có thêm được đầu ra, doanh nghiệp cũng khá dễ thở. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các công trình nhà dân hiện vẫn còn nhiều khó khăn do người dân vẫn chuộng gạch đỏ hơn.
Không được may mắn như Công ty Trần Châu, câu chuyện của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Thành An (Thái Bình) lại rối ren hơn. Rắc rối nằm ở khâu kiểm soát chính sách và bối cảnh của doanh nghiệp tại địa bàn đứng chân.
Ông Trần Văn Phú, Giám đốc Công ty cho biết, ngay cả với các công trình sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh, việc đưa được gạch không nung của Công ty vào dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu vẫn tìm cách đưa gạch kém chất lượng, của các cơ sở sản xuất thủ công vào dự án.
“Chúng tôi không chỉ phải cạnh tranh với gạch đỏ, mà cả với gạch không nung từ các cơ sở sản xuất nhỏ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có công trình lấy đến khoảng 1 triệu viên, nhưng họ chỉ nhập một lượng nhỏ của chúng tôi làm mẫu, còn lấy gạch của các cơ sở nhỏ lẻ tuồn vào. Đó là do nhà thầu, chủ đầu tư nhưng cũng cho thấy, công tác quản lý của Sở Xây dựng, Sở Công Thương còn kém”, ông Phú cho biết.
Theo ông Phú, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, cần phải quán triệt từ địa phương, nhất là trong công tác thẩm định về việc sử dụng sản phẩm. Nếu tình trạng như hiện tại kéo dài, gạch không nung không phát triển được và các doanh nghiệp sẽ gặp vô vàn khó khăn, có thể phải đóng cửa.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp của ông Phú sẽ lắp đặt 3 dây chuyền, mỗi dây chuyền có công suất 25 - 30 triệu viên/sản xuất 2 ca/năm. Ngoài ra, Thành An cũng đầu tư cả dây chuyền sản xuất ngói. Tuy nhiên, hiện nay Công ty mới sản xuất khoảng 10 triệu viên mà vẫn còn tồn hàng, doanh nghiệp không dám đầu tư tiếp.
Nhận thức - rào cản lớn
Khi trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia về vật liệu xây dựng, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ghi nhận được một điểm chung là, rào cản lớn nhất khiến các sản phẩm gạch không nung chưa thể chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề nhận thức về sản phẩm.
Ông Tĩnh cho rằng, hiện nay, nhận thức của người dân về sản phẩm gạch không nung còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân cho rằng, gạch không nung không tốt bằng gạch đỏ. Do đó, sản phẩm gạch không nung rất khó tiếp cận với các công trình dân dụng.
Đồng quan điểm, ông Phú cho rằng, gạch đỏ đang cạnh tranh rất gay gắt do tâm lý của người tiêu dùng chưa tin tưởng do hiểu chưa đúng. Ngoài ra, còn có các lý do khác như sự trà trộn của gạch không nung kém chất lượng làm ảnh hưởng uy tín của các doanh nghiệp sản xuất lớn, có đầu tư nhiều về dây chuyền, công nghệ. Một điều nữa, nhiều người làm công tác thi công chưa quen, vẫn thành kiến với gạch không nung, cho rằng gạch không nung nặng, thi công vất vả. Trong khi trên thực tế, gạch không nung nếu sản xuất bằng dây chuyền hiện đại sẽ có cường độ lớn, bền chắc hơn gạch đỏ. Đặc biệt, hiệu suất thi công cũng cải thiện nhiều.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Lâm, chuyên gia vật liệu xây dựng (Trường đại học Xây dựng) cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc gạch không nung chưa góp mặt nhiều trong các công trình. Thứ nhất, do người dân vẫn có thói quen sử dụng gạch đỏ, đó là vật liệu phổ thông, quen thuộc với người dân khi có nhu cầu xây dựng, trong suốt nhiều thế hệ.
Nguyên nhân thứ 2 là do gạch không nung mới được phát triển mạnh chưa lâu. Ở giai đoạn đầu, các nhà máy nhiều khi chưa tuân thủ tốt các quy trình về sản xuất, dưỡng hộ sản phẩm, chưa tiếp cận đầy đủ nghệ sản xuất, dẫn đến có sự cố như nứt, thấm. Từ đó, người dân truyền tai nhau về việc này dẫn đến sự e ngại với sản phẩm.
Chuyên gia của Trường đại học Xây dựng lấy ví dụ, gạch không nung có sự khác biệt với gạch đỏ truyền thống khi sản xuất. Nếu gạch đỏ sau khi ra lò có thể xây dựng ngay, thì với với gạch xi măng cốt liệu lại cần có thời gian dưỡng hộ. Nói cách khác, gạch sau khi thành hình, cần được “nuôi” trong điều kiện thích hợp để có được sự ổn định về cơ lý, sau đó mới có thể sử dụng và đảm bảo chất lượng. Gạch bê tông cốt liệu sau khi được ép thành viên, 14 ngày đầu sẽ là giai đoạn phát triển nhanh, mạnh nhất, sau đó ổn định dần và ít co ngót. Tùy vào công nghệ sản xuất mà thời gian dưỡng hộ có thể dài ngắn khác nhau (thời gian nuôi gạch có thể lên đến 28 ngày mới có thể đưa vào xây dựng).
Kể cả cùng một dây chuyền, công nghệ, thì điều kiện thời tiết cung ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của gạch xi măng cốt liệu. Ví dụ, nếu thời tiết mưa, ẩm nhiều sẽ rút ngắn thời gian dưỡng hộ sản phẩm, nếu thời tiết nắng, hanh khô thì thời gian này sẽ kéo dài hơn.
Rào cản để gạch không nung chưa thực sự phổ biến là từ nhận thức, do đó, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, phải gỡ đầu tiên từ câu chuyện truyền thông cho sản phẩm. Theo ông Lâm, cần kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền để người dân hiểu, cần có sự chung tay vào cuộc của cả ba bên, đơn vị quản lý, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.
Đồng quan điểm, ông Phú lấy ví dụ, trước đây, bê tông tươi cũng từng gặp nhiều khó khăn khi người dân chưa tin tưởng, không biết tỷ lệ phối trộn nguyên liệu ra sao, chất lượng thế nào, nhưng nhờ truyền thông nhiều, người dân hiểu và tin. Thậm chí, nó còn giúp người làm thi công nhàn hơn, tiết kiệm nhân lực, vật lực nên ngày nay, bê tông tươi trở nên phổ biến.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com