Sự bất cập khi lạm phát gia tăng trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Agustin Carstens, Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu dường như đang chuẩn bị đối mặt với một thay đổi lớn, khi nhiều phương án ứng phó với lạm phát có thể sẽ phản tác dụng".
Sự bất cập khi lạm phát gia tăng trên toàn cầu

Thông điệp từ các giám đốc ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới rõ ràng như sau: Với lạm phát hiện hữu trước mắt, để đối phó với điều đó, phải cần có một nỗ lực phi thường. Khả năng sẽ có một cuộc suy thoái đi kèm với một lượng lớn người bị mất việc, thêm vào đó là các đợt chấn động đối với các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, đó là một rủi ro đáng để nhận. Các ngân hàng trung ương đã dành nhiều thập kỷ xây dựng uy tín về khả năng chống lạm phát, nhưng nếu thất bại trong việc giữ ổn định, điều này có thể làm lung lay nền tảng của chính sách tiền tệ hiện tại.

Bà Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Việc giữ lấy lòng tin của khách hàng đòi hỏi chúng tôi phải đưa lạm phát trở lại mức cân bằng một cách nhanh chóng. Lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu, thì nguy cơ mất niềm tin vào khả năng của chúng ta đối với công chúng càng lớn. Ngay cả khi chúng ta bước vào thời kỳ suy thoái, về cơ bản chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục theo như chính sách của mình".

Lạm phát hiện đang gia tăng một cách đáng sợ ở nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới, ở mức chưa từng thấy trong gần nửa thế kỷ qua. Đáng chú ý là Mỹ, mức lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong vài tháng tiếp theo.

Vấn đề đáng ngại đầu tiên là giá năng lượng tăng cao, nguyên nhân là bởi cuộc xung đột của Nga-Ukraine, đồng thời đang tạo ra một cú sốc với chuỗi cung ứng, điều mà chính sách tiền tệ có ít ảnh hưởng tới vấn đề này.

Các khoản chi tiêu lớn của các chính phủ cũng nằm ngoài sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương, làm vấn đề này thêm trầm trọng. Một nghiên của Jackson Hole cho rằng: Một nửa lạm phát của Mỹ là do chi tiêu của chính phủ và Fed sẽ không thể kiểm soát được giá cả nếu không có sự hợp tác của chính phủ.

Giáo sư Peter Blair Henry, Đại học New York, cho biết: “Đối với Fed trong thời điểm hiện tại, đây là thời gian khủng hoảng. Sự tín nhiệm trong 40 năm qua của Fed đang gặp nguy, vì vậy họ sẽ làm giảm lạm phát bằng mọi giá, kể cả khi điều đó gây thiệt hại cho các thị trường mới nổi."

Nhiều nước trong thị trường mới nổi lựa chọn vay bằng đô la Mỹ, dẫn đến việc khi Fed tăng lãi suất, những nước này đã bị tác động trên nhiều phương diện.

Hậu quả là chi phí đi vay tăng, gây ảnh hưởng đến khả năng thanh toán. Nó cũng chuyển thanh khoản sang các thị trường của Mỹ đẩy rủi ro lại cho thị trường mới nổi, khiến cho việc vay vốn trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, việc tỷ giá đồng đô la tăng so với hầu hết các loại tiền tệ, khiến các thị trường mới nổi gặp tình trạng nhập khẩu lạm phát.

Minh chứng rõ ràng là trong khi một loạt các quốc gia nhỏ hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina đang bị ảnh hưởng nặng nề, thì các quốc gia lớn hơn như Trung Quốc và Ấn Độ lại không.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết: “Khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp, và khoảng 20 nền kinh tế mới nổi, cận biên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ vẫn có có thể đi vay nhưng chắc chắn điều kiện vay của họ kém hơn rất nhiều".

S&P Global hiện coi rủi ro cho vay ở Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức cao. Rủi ro tín dụng đối với các công ty tài chính cũng ở mức cao hoặc cực kỳ cao ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

"Có một số nền kinh tế như Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ... sẽ bị ảnh hưởng nếu Fed tăng lãi suất và giữ lãi suất vẫn ở mức cao", S&P Global nhận định.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng lạm phát ở nước này sẽ giảm xuống 65% vào cuối năm nay, từ mức gần 80% ghi nhận trong tháng 7/2022, với thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến sẽ ở mức 47,3 tỷ USD trong năm 2022. Mô hình kinh tế mới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ưu tiên tăng trưởng, xuất khẩu, tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư, đồng thời tìm cách cắt giảm lãi suất.

Chu kỳ nới lỏng lãi suất trong năm 2021 của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến đồng lira của nước này giảm 44% so với đồng USD tính đến cuối tháng 12/2021 và giảm hơn 27% kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Đồng lira ngày càng suy yếu cùng với sự gia tăng của giá năng lượng và các hàng hóa khác trên thị trường toàn cầu đã khiến lạm phát tăng vọt ở mức gần 80% trong tháng 7/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục tăng trước khi đi xuống vào cuối năm nay. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 65% vào cuối năm 2022 và giảm mạnh xuống 24,9% vào cuối năm 2023. Mô hình kinh tế mới của Tổng thống Erdogan đang hướng tới mục tiêu biến thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài của nước này thành thặng dư, song sự gia tăng giá cả trên toàn cầu đã khiến mục tiêu đó trở nên khó đạt được hơn.

Thâm hụt thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ ở mức 105 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái, trước khi giảm xuống còn 80 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến sẽ ở mức 47,3 tỷ USD trong năm nay, cao hơn ba lần năm 2021. Đây sẽ là mức thâm hụt hàng năm cao nhất kể từ năm 2013.

Con số này có thể sẽ thu hẹp xuống còn 22 tỷ USD vào năm 2023. Thâm hụt ngân sách của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng mạnh lên 461,2 tỷ lira (25,4 tỷ USD) trong năm nay và dự kiến ghi nhận mức 659,4 tỷ lira (hơn 36,3 tỷ USD) vào năm tới.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục