Start-up không thể cạnh tranh bằng mức lương hậu hĩnh

0:00 / 0:00
0:00
Các công ty khởi nghiệp trong nước đang tìm kiếm những cách thức mới để thu hút nhân tài, ngoài việc đưa ra mức lương thưởng cạnh tranh.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Ra mắt năm 2012 tại Malaysia với duy nhất một sản phẩm - GrabTaxi, sau 9 năm, Grab phát triển thành một “siêu ứng dụng”. Hiện Grab có khoảng 25 triệu người dùng giao dịch hàng tháng, 5 triệu tài xế đã đăng ký và 2 triệu người bán đối tác. Grab đã có mạng lưới 8 trung tâm công nghệ khắp thế giới và tạo ra 120 tính năng mới trong năm 2020.

Đằng sau quy mô khổng lồ trên là đội quân kỹ sư công nghệ với những giải pháp phần mềm, hệ điều hành, công cụ bảo mật và các giao thức khác. Nhưng ông Suthen Thomas, Giám đốc công nghệ của Grab cho biết, ngày mới ra mắt, họ chỉ có 3 thành viên. Theo ông, đội ngũ công nghệ mạnh là yếu tố quan trọng làm nên vị thế của Grab.

Mặc dù đã phát triển lớn, nhưng ông Suthen thừa nhận Grab vẫn là một công ty trẻ và liên tục tăng trưởng. Vì thế, công ty này vẫn tìm kiếm các nhân sự công nghệ sẵn sàng “xắn tay áo” và làm bất kỳ điều gì cần thiết dù cho đó không phải là một công việc của một kỹ sư truyền thống.

Cách Grab phản ứng với dịch bệnh là một minh chứng cho thấy sự bền bỉ của đội ngũ. Nhiều hạng mục trong tiến độ phát triển đã thay đổi để tập trung vào các tính năng giao hàng mà người dùng rất cần trong đại dịch. Năm ngoái, Grab ra mắt 120 tính năng mới, chủ yếu tập trung vào GrabFood, GrabMart và GrabExpress.

Mỗi tháng, Grab cập nhật khoảng 10 tính năng mới. Ứng dụng này tăng quy mô dịch vụ giao đồ tươi sống từ 2 thị trường lên 8 thị trường và hơn 50 thành phố trong 3 tháng. Để làm được điều này, Grab đã xây nền tảng cho phép tăng quy mô trên nhiều thị trường nhanh chóng.

Tuy nhiên, ông Suthen vẫn đau đầu về việc làm sao đảm bảo đội ngũ tìm được niềm vui trong công việc với các thử thách mới và đạt được sự hoàn hảo với tốc độ phát triển của công nghệ. Điều này càng quan trọng hơn khi Grab dự kiến thực hiện IPO tại Mỹ vào cuối năm nay thông qua việc sáp nhập với một công ty SPAC với mức định giá gần 40 tỷ USD.

Sự đầu tư cho đội ngũ nhân sự kỹ thuật, công nghệ của Grab cho thấy, cạnh tranh giữa các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á và các công ty công nghệ nước ngoài đang có ý định thâm nhập khu vực này ngày một rõ. Họ muốn tận dụng lợi thế của thị trường tiêu dùng đang phát triển và lực lượng lao động có giá cả phải chăng hơn đang ngày một gia tăng.

Đang có cuộc khủng hoảng nhân tài đối với các start-up, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á cho các vị trí quản lý sản phẩm và kỹ thuật. Hiện các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc tham gia vào khu vực (bao gồm TikTok, Tencent, Alibaba và Zoom) thường trả mức giá cao hơn so với mặt bằng thị trường cho các tài năng công nghệ. Thậm chí, trong một số trường hợp, họ đưa hẳn séc trống cho những người có khả năng làm việc với hiệu suất cao để tự điền mức lương mong muốn.

Trước tình hình đó, các công ty khởi nghiệp trong nước đang tìm kiếm những cách thức mới để thu hút nhân tài, ngoài việc đưa ra mức lương thưởng cạnh tranh. Trong đó, phần lớn các nhà sáng lập cho biết, chìa khóa để đánh bại đối thủ nằm ở khả năng lãnh đạo và văn hóa của doanh nghiệp.

Các start-up sẽ trở nên nổi bật khi chọn cạnh tranh về tầm nhìn và sứ mệnh. Nhiều start-up ở thị trường Đông Nam Á đang đi trước xu hướng khai thác nhân tài trên toàn khu vực và Covid-19 có thể giúp họ thực hiện quá trình đó. Nếu các doanh nghiệp trên toàn cầu dần thích nghi với hình thức làm việc từ xa, thì các start-up đang tìm kiếm nhân sự ngay tại đất nước mình.

Một trong các quyết định đầu tư vào start-up của SoftBank Ventures là Quỹ sẽ làm việc với tất cả các thành viên của start-up đó… Việc này giúp Quỹ có thể nhìn thấy tổng thể các thành viên chủ chốt của công ty hòa hợp với nhau. “Chỉ khi biết điểm yếu của họ là gì, CEO mới có thể biết cách bù đắp cho họ thông qua những người khác, khi đó, mảnh ghép hoàn hảo mới được tạo nên”, đại diện SoftBank Ventures cho hay.

Minh Ngọc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục