Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chính phủ họp bàn tìm giải pháp; Hà Nội cam kết giữ nguyên vẹn hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9; Các tập đoàn hàng đầu Singapore hứa rót tỷ USD vào Hà Nội... là những tin tức đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chính phủ họp bàn tìm giải pháp

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra sáng 26/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 1

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra sáng nay, 26/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đây cũng là thời điểm các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm chuẩn bị được công bố.

Mặc dù số liệu chính thức chưa chính thức được công bố, song diễn biến nền kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất - kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.

Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Điều này khiến Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột và đã nhiều lần hối thúc việc phải thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Gần đây nhất, ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch (đến nay, đã đạt trên 90% kế hoạch được Quốc hội thông qua).

Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hai lần có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về việc triển khai công điện nêu trên và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.

Để thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết. Đây chính là mục đích chủ yếu của Hội nghị.

Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán.

Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Trong năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và kết quả rà soát các dự án đảm bảo đủ, đúng thủ tục đầu tư theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.

 Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt  192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó, 4 bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung. Có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Nhìn chung, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Hải Phòng: Đề xuất đưa sân bay Tiên Lãng vào quy hoạch phát triển giao thông hàng không

Ngày 25/9, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thành phố Hải Phòng đã đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đưa Cảng hàng không Tiên Lãng điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến 2030.

Báo cáo với Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, những năm gần đây được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương, một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của miền Bắc và cả nước được đưa vào khai thác sử dụng đã tạo cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với thành phố Hải Phòng. Ảnh: Tiến Thắng.

Điển hình là các dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường nối thành phố Hạ Long - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...

Ngoài các dự án do Trung ương đầu tư, Hải Phòng cũng đã đầu tư nhiều công trình lớn từ ngân sách thành phố như khu bay Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; tuyến đường bao Tây Nam KCN Đình Vũ, các cầu vượt trên tuyến QL5, cầu Hoàng Văn Thụ, nút giao thông Nam cầu Bính, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng và 09km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tuyến đường trục chính đô thị...

Đặc biệt, khi triển khai nội dung Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng đã chủ động phối hợp cùng các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương tổ chức, nghiên cứu các thủ tục cần thiết để sớm triển khai một số công trình kết nối giữa Hải Phòng và các tỉnh như dự án xây dựng cầu Quang Thanh, Cầu Dinh, cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, xây mới cầu Nghìn....

Cũng tại buổi làm việc này, ông Tùng cho biết, từ năm 2009, Hải Phòng đã đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu, đưa quy hoạch Cảng hàng không Tiên Lãng vào quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020 – 2030. Quy hoạch cảng hàng không Tiên Lãng được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế thứ 2 cho Quy hoạch vùng Thủ đô, cảng này dự phòng cho Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội). Ông Tùng cũng kiến nghị với Bộ GTVT sớm nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; hoàn thiện nghiên cứu, triển khai các thủ tục sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đề nghị Bộ GTVT xây dựng các bến tiếp theo cảng quốc tế Lạch Huyện, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu ra khỏi khu vực nôi thành Hải Phòng. Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp QL37, đoạn qua địa phận Hải Phòng, Hải Phòng cũng đề nghị Bộ GTVT trong trường hợp chưa thể bố trí nguồn ngân sách TW, Hải Phòng sẽ ứng vốn để triển khai cải tạo, nâng cấp mở rộng ngay QL37 trở thành đường có tiêu chuẩn đường giao thông đồng bằng cấp 3, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thống nhất với các kiến nghị của Hải Phòng về cải tạo nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận Hải Phòng, xây dựng Cảng số 3, số 4 Cảng nước sâu Lạch Huyện. Bộ GTVT phối hợp các địa phương sớm nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh đoạn qua Hải Phòng; hoàn thiện các thủ tục để sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; ủng hộ đề xuất của địa phương và cho biết nếu đủ điều kiện có thể di dời việc vận chuyển hành khách từ ga chính sang ga Thượng Lý, tuy nhiên cần phải mở rộng đầu tư nâng cấp ga Thượng Lý để đáp ứng nhu cầu; nhất trí bổ sung quy hoạch sân bay Tiên Lãng vào điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, đạt kết quả quan trọng góp phần cải thiện bộ mặt hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật như: đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thiện các thủ tục để tiến tới khởi công một số gói thầu triển khai trước tại 2 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn); công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiết kế kỹ thuật, dự toán tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt...

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 3

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, nhìn chung các công trình giao thông đang chậm tiến độ, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; chậm giải ngân vốn đầu tư công có nguy cơ phải điều chuyển vốn, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông vận tải. Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các thành viên tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã và đang triển khai, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Trong đó, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, về thể chế và công tác chỉ đạo, điều hành cần chủ động đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Công tác bố trí vốn, cần phải chủ động báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để có chỉ đạo bổ sung nguồn vốn kịp thời cho dự án, đảm bảo tiến độ thực hiện đề ra.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cụ thể đối với từng dự án.

Bộ Giao thông vận tải và các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; trong đó, tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân cho các dự án; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để hoàn thành theo đúng kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để kịp thời bổ sung nguồn vốn đối ứng phục vụ công tác GPMB nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân của dự án.

Về cơ chế thu hút vốn đầu tư, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP, dự án đường sắt tốc độ cao, các dự án sân bay...

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò

Ngày 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Thái Thanh Quý cho biết: Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa kết thúc đã tiến hành xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An).

Theo đó, tuyến đường ven biển Nghệ An, đoạn từ Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535 (Km76+000 - Km83+500) sau khi được đầu tư đưa vào sử dụng sẽ góp phần kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh thông qua cầu Cửa Hội; kết nối Cảng Cửa Lò, Cảng biển quốc tế Vissai, Cảng DKC và các khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, FLC.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 4

Dự án này có chiều dài tuyến là 7,5 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 46, huyện Nghi Lộc và điểm cuối giao với Tỉnh lộ 535 thị xã Cửa Lò (nối với tỉnh Hà Tĩnh qua cầu Cửa Hội). Ảnh minh họa

Dự án này có chiều dài tuyến là 7,5 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 46, huyện Nghi Lộc và điểm cuối giao với Tỉnh lộ 535 thị xã Cửa Lò (nối với tỉnh Hà Tĩnh qua cầu Cửa Hội). Ảnh minh họa

Trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) - đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535 (Km 76+00 - Km 83+500) và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Nghệ An đã quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) - đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535 (Km 76+00 - Km 83+500). 

Dự án này có chiều dài tuyến là 7,5 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 46, huyện Nghi Lộc và điểm cuối giao với Tỉnh lộ 535 thị xã Cửa Lò (nối với tỉnh Hà Tĩnh qua cầu Cửa Hội). Thiết kế công trình theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 7 m và gia cố lề mỗi bên 2 m bằng kết cấu như kết cấu mặt đường. Đây là tuyến mới và phạm vi thực hiện tại huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

Được biết, công trình dự án thuộc nhóm B và tổng mức đầu tư dự án là 521 tỷ đồng, bao gồm nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, ngân sách Trung ương là 260,156 tỷ đồng (đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến bố trí vốn tại Văn bản số 4240/BKHĐT-TH ngày 25/5/2017 và báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn tại Văn bản số 6481/BC-BKHĐT ngày 9/9/2019); Ngân sách của tỉnh Nghệ An là 260,844 tỷ đồng trên cơ sở khai thác quỹ đất hai bên đường của dự án, nguồn khai thác các khu đất đấu giá trên địa bàn tỉnh Nghệ An và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác).

Như kỳ vọng của tỉnh Nghệ An, tuyến đường ven biển tỉnh của tỉnh này nối từ Nghi Sơn – Cửa Lò, sau khi được đầu tư đưa vào sử dụng sẽ góp phần làm hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh Nghệ An nói riêng và mạng lưới đường bộ ven biển của cả nước nói chung.

Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh thông qua cầu Cửa Hội; kết nối với hệ thống cảng biển và các khu du lịch trong tỉnh… tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội - du lịch của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng.

Theo xác nhận của Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, thời gian thực hiện dự án 3 năm, kể từ ngày khởi công dự án.

Bác đề xuất làm đường gom cao tốc đoạn qua địa phận Hà Nội của CTCP BOT Hà Nội - Bắc Giang

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc bổ sung hạng mục đường gom tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa phận Hà Nội là không khả thi do tiến độ kéo dài và phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Bộ Giao thông - Vận tải vừa có văn bản trả lời Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 2, Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang liên quan việc bổ sung đường gom và hàng rào dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 5

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 và Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang, hạng mục đường gom đoạn qua địa phận Hà Nội có chi phí đầu tư lớn (khoảng 376 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 236 tỷ đồng). Đây là khu vực tập trung đông dân cư, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên việc bổ sung hạng mục này vào dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn này không khả thi do tiến độ kéo dài và phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho biết, thực tế hiện nay đoạn tuyến từ cầu Thanh Trì đến cầu Phù Đổng (điển đầu dự án Hà Nội - Bắc Giang) vẫn đang khai thác hỗn hợp (không có đường gom). Do vậy, trước mắt chỉ ưu tiên đầu tư hệ thống đường gom trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hệ thống đường gom địa phận thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu đầu tư khi nguồn lực cho phép.

Về hạng mục hàng rào ngăn cách giữa đường gom và đường cao tốc, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, việc đầu tư hệ thống hàng rào để đảm bảo ATGT và từng bước hoàn thiện dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT thành đường cao tốc là cần thiết.

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang sử dụng nguồn vốn quản lý, bảo trì của dự án để lắp đặt hàng rào tại một số vị trí gây bức xúc về ATGT. Do vậy, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, Bộ Giao thông - Vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh khai thác được quy định tại Thông tư 30/2018 của Bộ Giao thông - Vận tải để chỉ đạo Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, quyết định xây dựng hệ thống hàng rào ngăn cách giữa đường gom và đường cao tốc phù hợp với quy trình quản lý, vận hành khai thác công trình và hợp đồng dự án.

Hà Nội cam kết giữ nguyên vẹn hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm), thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội nêu rõ, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được kết nối với tuyến số 1 tại ga C8 (Hàng Đậu) và kết nối với tuyến số 3 tại ga C10 (Trần Hưng Đạo). Khoảng cách giữa 2 ga này là 2,4 km.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 6

Thành phố Hà Nội khẳng định vị trí, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm là hoàn toàn tối ưu.

Do đó, Ga ngầm C9 ở khoảng giữa là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy tàu và nhu cầu tiếp cận hành khách khu vực trung tâm, đảm bảo an toàn vận hành khai thác theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị.

Cũng theo báo cáo, vị trí ga ngầm C9 về cơ bản đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2008. Trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét nhiều phương án khác nhau thì phương án vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vào vườn hoa phía bờ Hồ Gươm (phía trước Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội) là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác. Phương án này được đánh giá là tối ưu về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực sẽ hỗ trợ người dân, du khách thuận tiện trong việc tiếp cận khu di tích. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan di tích, góp phần khai thác, quảng bá và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm.

Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng cam kết bảo đảm giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng các Sở, ngành, đơn vị tư vấn làm việc với các trường Đại học (Xây dựng, Kiến trúc), trao đổi với các nhà sử học, các nhà khoa học, kiến trúc sư về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Song song với đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức trưng bày, xin ý kiến rộng rãi người dân trong tháng 3/2018 với kết quả 90,3% ủng hộ, đồng ý với quy hoạch này.

Theo các báo cáo trước đây của Thành phố, phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 được đề xuất phê duyệt nằm ở vị trí rộng nhất của bờ hồ Hoàn Kiếm, khoảng cách từ kết cấu gần nhất đến hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, khoảng cách đến Tháp Bút và các công trình khác đủ xa (ga C9 cách Tháp Bút khoảng 36 m; tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp 1 m) không gây ra ảnh hưởng lún và các tác động khác khi thi công xây dựng, vận hành khai thác; công trình phụ trợ và các cửa lên xuống được bố trí vào đất của các Tổng Công ty điện lực, tránh giải phóng mặt bằng nhà dân được thiết kế kiến trúc hài hòa, không phá vỡ cảnh quan tuyến phố Đinh Tiên Hoàng; cửa lên xuống số 3 sẽ thay thế nhà vệ sinh công cộng hiện tại, cải thiện cảnh quan và bảo vệ môi trường khu di tích Hồ Hoàn Kiếm.

Đây là phương án đề xuất đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi: Không phải giải phóng mặt bằng dân cư, nên không phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng và giảm thiểu rủi ro của việc chậm tiến độ triển khai dự án; Chi phí đầu tư xây dựng thấp nhất do tối ưu về hướng tuyến, ít rủi ro, phức tạp phát sinh trong thi công; vị trí ga C9 được đặt gần các khu vực di sản, phố cổ nên đã góp phần làm tăng lượng du khách trong nước, quốc tế thăm quan các di tích lịch sử hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ; tăng khả năng phục vụ nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân, tăng tính kết nối thuận tiện, hiệu quả với các loại hình giao thông khác, giảm mật độ xe cộ lưu thông, giảm nhu cầu điểm đỗ xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông...

Ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm), thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình, tuyến đường đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố, và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh Dự án tại công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016. Tuy nhiên, tính đến nay, dự án đã kéo dài gần 11 năm, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến quy hoạch của ga ngầm C9.

Các tập đoàn hàng đầu Singapore hứa rót tỷ USD vào Hà Nội

Trong chuyến thăm và làm việc tại Singapore nhằm thúc đẩy hợp tác tham gia tổ chức Giải đua ô tô Công thức 1 tại Việt Nam, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp gỡ các doanh nghiệp lớn của Singapore như Tập đoàn ROK Group, Tập đoàn công nghệ Grab và Công ty Công viên cảnh quan Singapore (NPark Singapore) để đàm phán về các hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư vào Hà Nội trong thời gian tới.

Với ROK Group, tập đoàn điện tử truyền thông nổi tiếng toàn cầu, ông Jonathan Kendrick, Chủ tịch Tập đoàn này đã đưa ra các dự án hợp tác phát triển công nghệ tại Hà Nội, bao gồm sản xuất điện thoại di động 3D đầu tiên trên thế giới, sản xuất phim tư liệu 3D về Việt Nam, sản xuất xe điện cùng hệ thống sạc pin xe điện tại Việt Nam (vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD) và hợp tác xuất khẩu sản phẩm bia truyền thống Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 7

Công ty công viên cảnh quan Singapore sẽ hỗ trợ công tác chăm sóc cây ở công viên và trên đường phố để xây dựng Hà Nội bền vững và đáng sống.

Trong khi đó, ông Russell Cohen, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Grab cũng cho biết ý định sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới để mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình tại thị trường Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn ông Chuah Hok Seong, Giám đốc NPark Singapore có thể cử các nhóm chuyên gia của mình sang Hà Nội để tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ, công nhân của Thành phố trong công tác chăm sóc cây ở công viên và trên đường phố, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố đáng sống.

Cũng trong chuyến làm việc tại Singapore lần này, ông Nguyễn Đức Chung đã có buổi gặp gỡ với các đối tác có kinh nghiệm tham gia công tác tổ chức Giải đua ô tô Công thức 1 (F1) tại Việt Nam để thông tin về kế hoạch và tiến độ triển khai công tác chuẩn bị của  Hà Nội cho Giải đua F1 Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với ông Jean Todt, Chủ tịch FIA kiêm Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông, hai bên cũng nhất trí với đề xuất sẽ tổ chức Hội nghị thành viên FIA tại Việt Nam trong khoảng thời gian diễn ra Giải đua F1 tháng 4/2020 với sự tham dự của đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng có cuộc gặp riêng rẽ với ông Khun Sontoya, Thị trưởng thành phố Pattaya (Thái Lan), và ông Sheik Mohammed bin Essa Al Khailifa, Hoàng thân Bahrain, Chủ đội đua F1 McLaren, và ông Lawrence Stroll, Chủ đội đua F1 Racing Point, cũng là cổ đông lớn các hãng thời trang như Rafph Lauren, Tommy Hilfiger, Michael Kors…

Gửi lời chúc mừng Hà Nội giành được quyền đăng cai tổ chức Giải đua F1, Thị trưởng thành phố Pattaya và Hoàng thân Bahrain cho rằng, sự kiện này sẽ là cơ hội vàng góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ của Hà Nội và Việt Nam.

Ông Khun Sontoya thống nhất với đề xuất hai bên nghiên cứu, thúc đẩy ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) để Thai Super Series tổ chức giải đua phụ trong khuôn khổ chặng đua F1 tại Hà Nội, từ đó tạo cơ sở cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Pattaya.

Trong khi đó, ông Lawrence Stroll, cổ đông lớn của các hãng thời trang như Rafph Lauren, Tommy Hilfiger, Michael Kors… cho biết, sẽ sớm thăm Hà Nội để tìm hiểu tiềm năng phát triển các trung tâm phân phối mua sắm thời trang quốc tế tại các vị trí ở cả trung tâm và ngoại vi Thủ đô.

Đầu tư gần 1.300 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn III

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III (giai đoạn II) - tỉnh Hà Nam.

Theo chủ trương, Dự án trên được thực hiện tại thị trấn Đồng Văn, xã Tiên Nội và xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với quy mô 168,41 ha do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn III tỉnh Hà Nam thi công làm nhà đầu tư.

Mục tiêu Dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Vốn đầu tư dự án là 1.272 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư là 200 tỷ đồng và vốn huy động là 1.072 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, các nội dung giải trình và các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc triển khai thực hiện Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của Tỉnh; tự chịu trách nhiệm lựa chọn Nhà đầu tư để thực hiện Dự án đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư cho 3 nhà máy điện gió gần 5.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định cấp chủ trương đầu tư cho 3 dự án nhà máy điện gió tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, Nhà máy điện gió Phong Liệu do Công ty cổ phần điện gió Phong Liệu làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 48 MW, sản lượng dịch vụ cung cấp điện năng 150,26 triệu kWh, địa điểm thực hiện tại các xã: Hướng Linh, Tân Thành, Hướng Tân, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) với diện tích sử dụng có thời hạn 16,51 ha, đất chiếm dụng tạm thời 9,2 ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm. Dự kiến đến tháng 10/2021 nhà máy sẽ vận hành phát điện.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 8

3 dự án điện gió lần này đều được thực hiện tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Nhà máy điện gió Phong Huy do Công ty cổ phần điện gió Phong Nguyên làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 48 MW, sản lượng dịch vụ cung cấp điện năng 150,26 triệu kWh, địa điểm thực hiện dự án tại các xã: Tân Thành, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) với diện tích sử dụng có thời hạn 16,46 ha, đất chiếm dụng tạm thời 9,2 ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.600 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm. Dự kiến đến tháng 10/2021 nhà máy sẽ vận hành phát điện.

Nhà máy điện gió Phong Huy do Công ty cổ phần điện gió Phong Huy làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 48 MW, sản lượng dịch vụ cung cấp điện năng 150,26 triệu kWh, địa điểm thực hiện tại các xã: Tân Thành, Hướng Tân (huyện Hướng Hóa)  với diện tích sử dụng có thời hạn 16,33 ha, đất chiếm dụng tạm thời 9,2 ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.600 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm. Dự kiến đến tháng 10/2021 nhà máy sẽ vận hành phát điện.

Các dự án điện gió được thực hiện tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là dự án có ngành nghề đặc biệt ưu đãi, thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu; ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định; thực hiện đầy đủ và tuân thủ các thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, thuế, an toàn lao động, phòng ngừa cháy nổ… Sau 6 tháng kể từ ngày cấp chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không triển khai thực hiện thì chủ trương đầu tư hết hiệu lực, dự án bị chấp dứt hoạt động theo quy định.

Thừa Thiên Huế: Khởi công dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển 1.000 tỷ đồng

Ngày 21/9, Công ty cổ phần đầu tư Vinh Thanh tổ chức lễ khởi công dự án Ground Breaking Ceremony Hue Amusement and Beach Park. Đây là dự án do tập đoàn PSH (Catalonia -Tây Ban Nha) đầu tư với 100% vốn nước ngoài.

Dự án Huế Amusement and Beach Park được xây dựng tại thôn 6 xã Vinh Thanh và thôn 3 xã Vinh An, huyện Phú Vang. Dự án này là dự án đầu tiên mà Tập đoàn PSH  triển khai tại Việt Nam sau hơn 3 năm tìm hiểu.

Dự án có quy mô hơn 50 ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Sau một thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư đến nay, dự án đã bắt đầu triển khai thi công đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 9

Khởi công dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển đầu tiên của Tập đoàn PSH tại Việt Nam.

Dự án gồm tổ hợp dịch vụ du lịch gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí như công viên nước, vườn chim, khu thương mại, trưng bày và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ đi kèm khác với quy mô đầu tư 1.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, 42 biệt thự cao cấp và các tổ hợp dịch vụ khác.

Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện tổ hợp khách sạn với 120 phòng. Khi dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch và vui chơi giải trí, làm tăng tính hấp dẫn cho môi trường du lịch của tỉnh.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, trong những năm gần đây, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc xây dựng môi trường đầu tư minh bạch và thông thoáng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trở thành một địa điểm đầu tư thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược lớn có thương hiệu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  khẳng định: "Phát triển du lịch ven biển là một trong những chiến lược của tỉnh trong thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động, trở thành điểm sáng trong việc xây dựng điểm du lịch xanh, thân thiện với môi trường trên địa bàn."

Hơn 19,2 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký vào Bình Thuận

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019 diễn ra vào sáng 22/9, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn kỷ lục hơn 450.000 tỷ đồng (tương đương hơn 19,2 tỷ USD).

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 21.800 tỷ đồng (khoảng 920 triệu USD).

Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm và cam kết giữ nguyên hồ Hoàn Kiếm khi làm ga ngầm metro C9 ảnh 10

Trong đó, có 5 dự án đô thị dịch vụ với số vốn hơn 15.800 tỷ đồng; 3 dự án công nghệp với số vốn hơn 5.300 tỷ đồng; 2 dự án nông nghiệp với 456 tỷ đồng và 1 dự án y tế là Trung tâm điều trị tim mạch và Ung thư chất lượng cao với tổng vốn là 150 tỷ đồng.

Bên cạnh trao quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ký ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 435.000 tỷ đồng (tương đương 18,5 tỷ USD).

Trong đó, chiếm số lượng vốn đăng ký nhiều nhất là 2 dự án liên quan đến công nghiệp với số vốn đăng ký hơn 392.000 tỷ đồng; 3 dự án liên quan đến nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 880 tỷ đồng và 6 dự án liên quan đến du lịch với tổng số vốn đăng ký hơn 42.000 tỷ đồng.

Được biết, trong những năm qua, Bình Thuận luôn được biết đến là địa phương thu hút dòng vốn mạnh mẽ từ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, năng lượng sạch... Các dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế tỉnh tăng 8,46%, thu ngân sách đạt 4.745 tỷ đồng, tăng 30,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2018, lượng khách đến du lịch đạt khoảng 5,7 triệu lượt, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 12.864 tỷ đồng, cao hơn 18,98% so với năm trước.

Với vị trí liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận hội tụ nhiều thuận lợi, tài nguyên đa dạng, bờ biển dài, có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định.

Đặc biệt, hiện hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh dần hình thành và đồng bộ, Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến vận hành trong giai đoạn 2020 - 2021. Riêng Bình Thuận sẽ có ba tuyến cao tốc gồm Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm dự kiến khởi công vào cuối năm 2019. Sân bay Phan Thiết cũng sớm thi công trong thời gian tới.

Đồng thời, cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu với tải trọng lên đến 50.000 DWT đã đi vào hoạt động, cùng với các công trình giao thông trọng điểm sẽ kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nâng cao hiệu quả của hệ thống dịch vụ logistics.

Hồ Hạ (tổng hợp)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục