Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP

Tiền thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp phải đưa vào ngân sách; Tuyến Metro số 1 và số 2 ở TP.HCM tiếp tục lùi tiến độ; Sẽ có một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP… là những tin tức về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Tiền thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp phải đưa vào ngân sách

Tại phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tiền thoái vốn nhà nước cổ phần hoá là một khoản thu của ngân sách trung ương nên đưa vào ngân sách nhà nước.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Chính phủ đề xuất để nguồn thu này ở Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp, thay vì đưa vào ngân sách nhà nước.

Theo lý giải tại Tờ trình của Chính phủ, ngoài nhiệm vụ chi chuyển vào ngân sách nhà nước thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội, tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn phải thực hiện nhiệm vụ chi hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật liên quan. Nếu toàn bộ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được nộp thẳng vào ngân sách, Chính phủ nhận thấy, sẽ phát sinh vướng mắc, bất cập trong việc bảo đảm thực hiện cả hai nhiệm vụ trên.

Để bảo đảm thực hiện cả hai nhiệm vụ này, Chính phủ đề xuất, cần quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thông qua Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp như hiện nay hoặc hình thành tài khoản tạm giữ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Song, quản lý nguồn thu này thông qua quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là phương án được Chính phủ lựa chọn.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, việc để tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp là không thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định, thu ngân sách trung ương là các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương, các khoản thu hồi vốn của ngân sách Trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, thu lợi nhuận được chia tại các công ty này. Có nghĩa thoái vốn nhà nước cổ phần hoá là một khoản thu của ngân sách trung ương. Khoản thu ngân sách địa phương cũng tương tự, từ đầu tư vào các tổ chức kinh tế, thu cổ tức tại doanh nghiệp nhà nước của địa phương.

Số tiền thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thu được trong giai đoạn 2013 - 2018 lên đến 257 nghìn tỷ đồng nên tất cả phải đưa vào ngân sách.

Với yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, không thể giao cho một tổ chức, doanh nghiệp hay ban quản lý quỹ được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chi số tiền này.

“10.000 tỷ đồng đã là dự án trọng điểm quốc gia, phải đưa ra Quốc hội. Khoản thu này lên đến mấy trăm nghìn tỷ đồng nên không thể ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng  nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như tiến hành sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuyến Metro số 1 và số 2 ở TP.HCM tiếp tục lùi tiến độ

Hai tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tiếp tục lùi thời gian hoàn thành do vướng mắc trong khâu thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và giải phóng mặt bằng.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 2

Do vướng mắc trong khâu thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và giải phóng mặt bằng nên hai tuyến metro số 1 và metro số 2 tiếp tục lùi thời hạn hoàn thành. (ảnh: Trọng Tín).

Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố vừa có cáo cáo UBND TP.HCM về tình hình triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Theo ban quản lý đường sắt đô thị, tiến độ thẩm định tuyến metro số 2 đến nay không đạt như dự kiến và tiếp tục phải điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ công tác điều chỉnh dự án đang phụ thuộc vào việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Do quá trình thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư diễn ra quá lâu, hơn 2 năm chưa giải quyết xong, dự án metro số 2 tiếp tục điều chỉnh mốc thời gian về đích từ 2024 đến năm 2026 cho phù hợp với thực tế.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Ban quản lý Đường sắt đô thị cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ thực hiện đã chậm hơn chỉ đạo của UBND Thành Phố là trước ngày 20/8/2019.

Ban quản lý Đường sắt đô thị cùng với các nhà tài trợ cho dự án nhận định việc chậm tiến độ trong bất kỳ khâu nào của công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn ảnh hướng đến kế hoạch bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2020 và ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án cũng như thu xếp vốn bổ sung cho dự án.

Liên quan đến dự án tuyến metro số 1, Ban quản lý Đường sắt Đô thị cho biết, dự án tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác từ quý 4/2021 thay vì đưa vào khai thác vào năm 2020 như kỳ vọng, do thẩm định dự án điều chỉnh đến nay không đạt như dự kiến. Nguyên nhân do Bộ Xây dựng chưa có ý kiến về thiết kế điều chỉnh để Hội đồng thẩm định dự án thực hiện bước tiếp theo.

Tập đoàn Trường Thành Việt Nam muốn đầu tư dự án điện gió Ninh Gia tại Lâm Đồng

Dự án điện mặt trời Bình Nguyên do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đầu tư đã chính thức vận hành thương mại trong tháng 6/2019.

Sở Công thương Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam khảo sát gần 1.135 ha khu vực Dự án Nhà máy Điện gió tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 3

Dự án điện mặt trời Bình Nguyên do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đầu tư đã chính thức vận hành thương mại trong tháng 6/2019.

Theo đó, khu vực khảo sát này gồm các diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp (cây cà phê, cây ăn trái…), đất quy hoạch lâm nghiệp và ngoài lâm nghiệp, không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, không liên quan đến đất quốc phòng. 

Trước mắt, nhà đầu tư đề xuất lắp đặt 1 trụ đo gió trên diện tích khoảng 8.000 m2, sau khi thu thập đầy đủ số liệu sẽ hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng ban đầu.

Được biết, Dự án Nhà máy Điện gió Ninh Gia đăng ký với các thông tin như: diện tích đất triển khai khoảng 35 ha, độ cao 100 m, tổng công suất 100MW, sản lượng điện 250 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư gần 3.090 tỷ đồng.

Tập đoàn Trường Thành Việt Nam hiện là một trong ba doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo.

Vào đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Sermsang Power Corporation (Thái Lan) đã đưa vào hoạt động dự án điện mặt trời Bình Nguyên công suất gần 50 MW tại Quảng Ngãi.

Nhà máy Điện mặt trời Bình Nguyên được đánh giá là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Nam Trung Bộ nói chung. Nhà máy được đầu tư quy mô, bài bản và ứng dựng tối đa khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến cùng các kỹ sư hàng đầu Việt nam và thế giới với trình độ chuyên môn cao. Chỉ sau 9 tháng kể từ thời điểm khởi công, nhà máy đã đưa vào vận hành thương mại vào tháng 5/2019 và đến nay đã chính thức đi vào hoạt động.

Cùng khoảng thời gian này, Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp có công suất 49,5MWp cùng hệ thống pin mặt trời được lắp đặt trên diện tích 60,1 ha tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định của Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cũng được vận hành, đấu nối điện lưới quốc gia.

Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp sẽ vận hành thương mại, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia từ 78.000 - 80.000 kWh điện.

Tập đoàn này còn có một dự án điện mặt trời khác là Dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội, được khánh thành hồi tháng 6.

Đây là dự án Nhà máy Điện mặt trời lớn nhất tại miền Trung và lớn thứ ba của cả nước với công suất lên đến 256 MWp, diện tích dự án gần 260 ha, do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Công ty TNHH BGrimm Power (Vương quốc Thái Lan) hợp tác làm chủ đầu tư, tổng thầu là China Energy Engineering Corporation (CEEC).

Cần phải nói thêm, Dự án Điện mặt trời Hòa Hội được khánh thành sau hơn 7 tháng thi công, đáp ứng đúng tiến độ và chất lượng tốt.

Loạt dự án năng lượng tái tạo được triển khai với thời gian thần tốc đã góp phần khẳng định vị thế của Tập đoàn này trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời, khẳng định kinh nghiệm và năng lực thực tế của các đối tác trong và ngoài nước mà Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đã hợp tác.

Foxconn thuê đất Khu công nghiệp Đông Mai mở nhà máy lắp ráp tivi

Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh do Viglacera làm chủ đầu tư vừa thu hút thành công một “ông lớn” về điện tử - Foxconn vào thuê đất đầu tư nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi.

Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn), doanh nghiệp Đài Loan với quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính đã quyết định đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh, và chọn KCN Đông Mai - Viglacera làm địa điểm dừng chân.

Việc thuê đất tại KCN Đông Mai nằm trong chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất của Foxconn.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 4

Foxconn sẽ mở nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD.

Từ đầu năm nay, Foxconn đã nghiên cứu mở nhà máy lắp ráp tại Quảng Ninh, và tham gia các buổi gặp mặt với UBND tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Sau quá trình khảo sát kỹ lưỡng, Tập đoàn đã quyết định ký kết hợp đồng thuê đất với quy mô 10 ha tại KCN Đông Mai thuộc sở hữu của Viglacera.

Ông Harry Zhuo, Tổng giám đốc Foxconn cho biết, nhà máy tại Quảng Ninh sẽ lắp ráp linh kiện màn hình ti vi, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD, nhu cầu lao động 3.000 người.

"Hiệu quả của dự án tại Quảng Ninh sẽ là cơ sở để Foxconn tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng thêm nhiều lĩnh vực trong tương lai", theo đại diện Foxconn.

Foxconn là nhà sản xuất theo đơn đặt hàng lớn nhất thế giới và hiện có hơn 100 công ty cũng như chi nhánh tại các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Anh, Pháp, Việt Nam...

Bộ Giao thông đề nghị bố trí vốn ngân sách cải tạo đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài

Việc sửa chữa hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện đang trông cả vào nguồn 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Việc khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế đẫn đến xuất hiện hư hỏng, xuống cấp trên đường cất hạ cánh và đường lăn tại cả 2 cảng hàng không lớn nhất nước.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 5

Việc khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế đẫn đến xuất hiện hư hỏng, xuống cấp trên đường cất hạ cánh và đường lăn tại cả 2 cảng hàng không lớn nhất nước.

Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ này đề nghị người đứng đầu Chính phủ trong quá trình xem xét, quyết định phương án sử dụng 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, cân đối, bổ sung thêm vốn cho Bộ GTVT để triển khai ngay các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có văn bản số 5957/BKHĐT-KCHTĐT ngày 23/8/2019 có ý kiến về việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư cải  tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất với quan điểm việc bố trí vốn cho đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất có thể được xem xét trong cơ chế tổng thể của Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, sau khi được Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT đánh giá về sự cần thiết, cấp bách của việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư cải  tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất để đề xuất Thủ tướng Chính phủ sử dụng trong số 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến giao cho Bộ GTVT.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.

Trong quá trình đề xuất Chính phủ về phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát, tổng hợp và có đề xuất danh mục nhu cầu bố trí vốn cho ngành GTVT, trong đó ngoài việc ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp, có đề xuất một số dự án mới của các lĩnh vực giao thông (đường thủy nội địa, hàng không, đường bộ, hàng hải...); trong đó có 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT được biết, phương án Bộ KH&ĐT trình Chính phủ mới chỉ dự kiến bố trí cho Bộ GTVT từ nguồn 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để trả nợ các dự án BT và bố trí cho một số dự án giao thông cần thiết, cấp bách của các lĩnh vực giao thông khác (đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2...).

Được biết, hiện nay, tình hình khai thác tại 2 cảng hàng không quốc tế lớn nhất của cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang phải chịu sức ép rất lớn do nhu cầu vận tải tăng cao trong thời gian gần đây. Đặc biệt, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không này đã khai thác vượt tần suất khai thác so với thiết kế dẫn tới các hư hỏng.

Mặc dù, các cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời đối với các điểm hư hỏng (trám vá bê tông nhựa, phun Uretek..) để đảm bảo phục vụ hoạt động bay an toàn; tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế, nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay tại các cảng trên.

Trước tình hình trên, từ đầu năm 2018 đến nay Bộ GTVT đã có các văn bản số 1287/BGTVT-KHĐT ngày 2/2/2018, số 7203/BGTVT-KHĐT ngày 4/7/2019, số 5664/BGTVT-KHĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất với 3 phương án: sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; sử dụng vốn của ACV (Quỹ đầu tư phát triển); nguồn thu từ hoạt động khu bay  để thực hiện.

Bệnh viện Da liễu Trung ương muốn xây dựng cơ sở 2 tại Quảng Ninh

Sáng 10/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Bệnh viện Da liễu Trung ương về ý tưởng đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện này tại Quảng Ninh.

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, Bệnh viên Da liễu Trung ương đã trình bày tại buổi làm việc về ý tưởng đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại Quảng Ninh. Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng, 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế. Quy mô của dự án rộng tối thiểu 1ha, với 200 giường bệnh nội trú. Khu vực khảo sát xây dựng cơ sở 2 nằm ở TP Hạ Long. Dự kiến đầu năm 2021 dự án sẽ được khởi công và phấn đấu đến giữa năm 2022 đưa vào hoạt động.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 6

Bệnh viện Da liễu Trung ương muốn mở cơ sở 2 tại Quảng Ninh. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ đại diện của Bệnh viện, hiện trung bình 1 ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận từ 500 - 1.000 bệnh nhân đến thăm khám và điều trị nên rất muốn mở rộng quy mô của bệnh viện. Trong khi đó, qua tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Da liễu Trung ương đánh giá Quảng Ninh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn đứng trong top đầu cả nước, đặc biệt khách du lịch đến với tỉnh ngày càng tăng cao. Đây là những tiêu chí quan trọng để Bệnh viện Da liễu Trung ương đề xuất lựa chọn mở cơ sở 2 tại Quảng Ninh.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao ý tưởng, đề xuất xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Da liễu Trung ương tại Quảng Ninh. Ông Thắng đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ngành dự họp, Bệnh viện Da liễu Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện nội dung thủ tục đầu tư dự án. Đông thời, ông Thắng giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh làm đầu mối để hướng dẫn Bệnh viện hoàn thành quy trình thủ tục. Đối với việc tìm địa điểm, tỉnh sẽ hỗ trợ Bệnh viện lựa chọn nơi phù hợp, với diện tích tối thiểu rộng 1ha, tối đa 2-3ha để Bệnh viện có quỹ đất dư mở rộng quy mô sau này.

TP.HCM: Vận động doanh nghiệp trong 21 khu công nghiệp, khu chế xuất dùng điện mặt trời

Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho rằng nếu doanh nghiệp trong 21 khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM đầu tư điện mặt trời thì kéo giảm chi phí sản xuất không nhỏ; các đơn vị sự nghiệp TP.HCM đã được khoán tiền điện nên nếu đầu tư điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm ngân sách lớn…

EVNHCMC vừa có kiến nghị tới UBND TP.HCM có giải pháp đẩy mạnh việc sử dụng điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM.  Theo EVNHCMC, cho đến nay, tình hình lắp đặt, sử dụng điện mặt trời tại TP.HCM chưa thực sự xứng tầm so với các địa phương có tiềm năng tương tự trong cả nước.

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 7
Trong phạm vi cả nước, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã đưa vào vận hành 82 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MWp (chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện hiện có của cả nước). Riêng trên địa bàn TP.HCM, tính đến nay, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời chỉ mới là 45,1 MWp, đạt 1,09% tổng công suất sử dụng cực đại của Thành phố năm 2018.

Theo EVNHCMC, UBND TP.HCM đã có quy định khoán chi phí tiền điện cho các đơn vị hành chính công và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Thành phố (bao gồm các trụ sở, văn phòng, trường học, bệnh viện, …), nên việc lắp đặt điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả, do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới…

Từ đó,  EVNHCMC kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo cho các Sở ngành quận huyện và các đơn vị đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ưu tiên việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao vận động các doanh nghiệp, đơn vị trong 21 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, nhà điều hành của đơn vị; Các ngân hàng trên địa bàn phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế (World Bank, ADB, JICA, KfW,…) để đề xuất các khoản tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời cho các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn.

Sẽ có một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật Đầu tư PPP đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư, sẽ có một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề: "Quan hệ đối tác công tư" trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, bà Vũ Quỳnh Lê chia sẻ tóm tắt một số điểm mới của Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Luật PPP).

Tin kinh tế đang chú ý tuần qua: Hai tuyến metro ở TP.HCM bị lùi tiến độ và một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP ảnh 8

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện.

Theo bà Lê, dự thảo luật lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư, sẽ có một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP. Theo đó, có một số lĩnh vực đã được lược bỏ bao gồm: Công trình chiếu sáng công cộng; Văn hoá; Thể thao; Du lịch; Hạ tầng viễn thông; Hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

Tổng kết từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn triển khai tại nước ta và khuyến nghị từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, các nhà tài trợ, bà Lê cho biết, hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Dự thảo các chính sách như:

Về quy mô dự án áp dụng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định một hạn mức được đầu tư PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên. Theo dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hiện nay, dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện... có quy mô từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng được phân loại là dự án nhóm B.

Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án – 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ là 113/148 dự án – 76,35%). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng.

Về phân loại dự án PPP, liên quan đến nội dung phân loại dự án PPP, Dự thảo Luật quy định việc phân loại theo quy mô dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.500 tỷ đồng trở lên (trừ dự án quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này); dự án có tổng mức đầu tư dưới 4.500 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn đầu tư công bố trí từ ngân sách trung ương từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, bà Lê cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các kinh nghiệm trên thế giới.

Cụ thể: Đơn giản hóa quy trình, lựa chọn nhà đầu tư, việc phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (như phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 22 dự thảo).

Về lộ trình xây dựng Luật, bà Lê cho biết, hiện Dự thảo Luật PPP đang được thảo luận để xin ý kiến lần đầu. Dự thảo đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch Đầu tư để lấy ý kiến góp ý để tiếp tục được chỉnh sửa và tin tưởng rằng Luật đầu tư công theo hình thức đối tác công tư sẽ giúp tăng niềm tin và thu hút nhiều nguồn lực của xã hội vào các dịch vụ công trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.

Bà Lê cũng cho biết, Dự thảo Luật đang có 12 Chương 102 điều, đảm bảo đồng bộ thống nhất giữa Luật PPP và các luật khác. Dự kiến, Dự thảo Luật PPP sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10/2019.

Hồ Hạ (tổng hợp)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục