Dồn lực đầu tư mở rộng hệ thống bưu cục
Ông Eric Liang, Phó tổng giám đốc BEST Express Global, quyền Tổng giám đốc BEST Express Việt Nam trải qua năm 2023 với nhiều cung bậc cảm xúc, mà theo ông là năm đặc biệt khi kinh tế thế giới nhiều khó khăn.
Thế nhưng, bất chấp bối cảnh đó, tên tuổi này vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng bưu cục. Kết thúc năm 2023, số lượng bưu cục tại Việt Nam của BEST Express tăng từ 450 lên 600.
Sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam, cùng với sự tăng trưởng về số lượng, mật độ bưu cục, nghiệp vụ vận chuyển của đội ngũ nhân viên đã có nhiều nâng cấp. Nhân viên được đào tạo nhiều hơn để nâng cao hiệu quả phát hàng, chất lượng phục vụ. Sản lượng bưu kiện xử lý trung bình mỗi ngày ghi nhận vào tháng 12 đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm.
Ở mảng trung tâm xử lý, phân loại, hãng cũng mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng và hiệu suất chia chọn. Đến nay, BEST có 36 trung tâm phân loại. Tổng công suất xử lý hàng hóa là 2,2 triệu đơn mỗi ngày. Hiện tại, thời gian phân loại chỉ từ 0,5 đến 2 giây một bưu kiện, tùy kích thước, trọng lượng.
Những con số trên cho thấy, khó khăn của BEST không nằm ở tình hình kinh tế ảm đạm của thế giới. Khó khăn lại đến từ việc nâng cao chất lượng của mạng lưới bưu cục.
Theo ông Eric Liang, mô hình nhượng quyền bưu cục khá mới, nên nhiều bưu cục mới thành lập chưa thật sự am hiểu về ngành, chưa nắm hết bức tranh chung và sự phát triển của thị trường, chưa nắm được định hướng của BEST và gặp một số khó khăn trong khâu bắt nhịp.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề BEST dự báo trước và cũng là chuyện tất yếu khi mở rộng mạng lưới. Để những bưu cục mới đạt chất lượng dịch vụ như mong muốn, Công ty phải đầu tư nguồn lực để tổ chức rất nhiều buổi đào tạo nhằm giúp các bưu cục nắm được xu hướng, tình hình thị trường.
Nguồn lực sẽ được dành để đầu tư vào những mảng mà BEST Express dự đoán bùng nổ trong tương lai. “Chúng tôi nhận thấy, dù kinh tế có nhiều thách thức, thị trường thương mại điện tử vẫn có tăng trưởng ấn tượng. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở mức 16-30%/năm”, ông Eric Liang chia sẻ.
Để bắt nhịp với thương mại điện tử, nguồn lực của BEST Express trong năm nay và năm sau vẫn sẽ dồn vào đầu tư mở rộng hệ thống bưu cục, nâng cao khả năng xử lý của các trung tâm phân loại. Mục tiêu là chất lượng giao nhận tốt, nhanh và thuận tiện hơn.
Thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng rất tiềm năng do có nhiều sàn thương mại điện tử lớn. Ngoài ra, kế hoạch khai thác các tuyến vận chuyển xuyên biên giới là trọng tâm phát triển của tên tuổi này trong dài hạn. Hiện BEST Express có sẵn những tuyến vận chuyển xuyên biên giới như Trung Quốc - Việt Nam, Trung Quốc - Malaysia, Trung Quốc - Thái Lan... Việc có sẵn những tuyến này đồng nghĩa BEST Express đã quen với nghiệp vụ vận chuyển xuyên quốc gia. Việc còn lại để phát triển mạnh hơn loại hình này là xây dựng những dịch vụ, tiện ích gia tăng cho các đơn vị có nhu cầu vận chuyển xuyên biên giới. Điều này giúp các đơn vị hào hứng hơn khi tham gia thị trường.
Dẫu vậy, khi Covid-19 qua đi, người dân trở lại với hoạt động mua sắm thường ngày tại các cửa hàng truyền thống, nhu cầu giao vận sẽ giảm dần. Đáng chú ý, nếu trước đó, các tên tuổi phụ thuộc vào nguồn đối tác lớn là các sàn thương mại điện tử, thì giờ đây, họ phải đối mặt với sự rời đi.
Tình trạng của Ninja Van (Singapore) là một ví dụ. Khi thị trường giao vận thương mại điện tử đủ lớn và trở nên tiềm năng, các đối tác của Ninja Van là GoTo (trước đây là PT Tokopedia), Lazada và Shopee đều nhận ra, họ có thể tự làm mà không cần tới các bên thứ ba. Các sàn này, sau giai đoạn “đốt tiền”, đang theo đuổi chính sách tối ưu chi phí, dẫn tới động thái siết chặt các bên giao vận thứ ba.
Chẳng hạn, Shopee đã có bộ phận giao vận riêng là Shopee Express. Cuối năm 2022, Shopee tại Philippines cũng chấm dứt quan hệ hợp tác với Ninja Van. Lazada cũng có đơn vị vận chuyển của riêng mình là LEX (Lazada Express)...
Đây cũng là điều mà lãnh đạo Ninja Van có thể đã lường trước, khi muốn mở rộng sang mảng giao hàng cá nhân. Không cụ thể thành mô hình nhượng quyền bưu cục, nhưng tại Việt Nam, Ninja Van đang tích cực đẩy mạnh mô hình hợp tác kinh doanh chuyển phát nhanh với các nhà đầu tư cá nhân từ số vốn nhỏ hoặc có sẵn mặt bằng trống, nhằm xây dựng các điểm gom hàng, nhận hàng trên cả nước. Tuy nhiên, Ninja Van sẽ phải đối đầu gay gắt với các doanh nghiệp của Việt Nam như VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, hay gần đây là sự mở rộng của J&T Express.
“Sốt” nhượng quyền bưu cục
Việt Nam là một thị trường lớn, màu mỡ và sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt 14 - 16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam dự kiến đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng kép 24,1% giai đoạn 2022-2030.
Nhượng quyền bưu cục đang trở thành cơn sốt khởi nghiệp.
Để bắt kịp xu hướng này, BEST tiếp tục mở rộng số lượng, mật độ các bưu cục để phủ sóng khắp các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa. Trước mắt, mục tiêu trong năm 2024 là đưa số lượng bưu cục lên con số 800 - 900.
Trong khi đó, ở mảng vận chuyển xuyên biên giới, BEST tập trung xây dựng các tuyến vận chuyển, hoàn thiện hệ thống kho vận nâng cao nghiệp vụ để khi hàng hóa đi bằng mọi con đường từ hàng không cho đến đường biển, đều đến tay người dùng với tốc độ nhanh nhất.
Chẳng hạn, hiện tại, hàng gửi từ Trung Quốc mất 4 - 8 ngày, tùy đích đến. Con số này sẽ được cải thiện trong tương lai khi mạng lưới hoàn thiện. Cùng với đó, BEST hợp tác với nhiều đơn vị nhằm tối ưu khâu quản lý kho bãi, đơn hàng, giúp người dùng theo dõi chi tiết hành trình.
Với những kế hoạch đó, BEST Express kỳ vọng, 2024 sẽ là năm bùng nổ, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 100%, lượng kiện hàng xử lý tăng gấp đôi so với hiện nay.
Lạc vào “ma trận” nhượng quyền
Ông Bùi Thái Hoàng, CEO Công ty cổ phần Giao hàng Tiêu chuẩn từng chia sẻ, nhượng quyền thương hiệu chuyển phát đang tăng trưởng nóng và sôi động, người muốn tham gia như lạc vào ma trận, với nhiều rủi ro.
Trên thị trường không hiếm tên tuổi đi mua phần mềm, hệ thống bên ngoài, có những đơn vị chỉ như một ứng dụng chọn lựa đối tác vận chuyển cũng bán nhượng quyền... Các nhà đầu tư trong lĩnh vực chuyển phát nhanh nên lựa chọn các đơn vị tự chủ về công nghệ, có quy trình, quy định nghiệp vụ rõ ràng để đảm bảo thành công khi mua nhượng quyền.
Điều này phần lớn do tâm lý sợ lỡ mất cơ hội, nhiều người lao vào cuộc chơi nhận nhượng quyền, thiếu đi đánh giá khách quan, bị cuốn theo trào lưu.
Trên các mặt báo, không ít câu chuyện người trẻ từ bỏ những công việc ổn định hoặc thu nhập tốt như giáo viên, ngân hàng, kế toán… để nhận nhượng quyền từ các đơn vị giao nhận và thành công.
Ông Hà Văn Thắng, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Giao hàng Siêu Việt cũng cho rằng, những lời quảng cáo và mời gọi từ các đơn vị chuyển phát nhanh khiến nhiều người lầm tưởng nhượng quyền bưu cục là mô hình khởi nghiệp đơn giản: Chỉ cần có mặt bằng để lập bưu cục, đóng phí nhận nhượng quyền là tự động có đơn hàng và thu được lợi nhuận. Nhưng thật sự, không phải cứ nhận nhượng quyền là sẽ hái ra tiền.
Từng nhượng quyền nhiều đơn vị chuyển phát nhanh, ông Thắng rút ra rằng, mô hình này đòi hỏi người khởi nghiệp đầu tư không ít.
Hiện nay, thị trường có nhiều mô hình nhượng quyền bưu cục với cách thức vận hành khác nhau, có mô hình yêu cầu mức phí nhượng quyền khá thấp, dưới 50 triệu đồng; lại có mô hình chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng (bao gồm phí nhượng quyền, phí cọc, phí đầu tư kho bãi, xe trung chuyển…). Nhiều mô hình còn buộc đại lý nhận nhượng quyền phải giao hàng thay cho đơn vị vận chuyển, khi có đơn hàng về địa phương. Các đơn hàng này không có lợi nhuận và thường đòi hỏi tỷ lệ giao hàng thành công rất cao. Đại lý có thể bị phạt nếu phát sinh giao hàng không thành công (có thể lên tới 85%).
Bản thân ông Thắng từng là đại lý dẫn đầu về doanh số của một đơn vị chuyển phát chỉ sau 6 tháng nhận nhượng quyền, nhưng kinh doanh suốt một năm vẫn không có lãi. Hơn hết, ông nhận ra, với mạng lưới 10.599 đơn vị hành chính cấp xã - bao gồm cả những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - không có đơn vị chuyển phát nào có thể tự nhận là tối ưu dịch vụ một cách toàn diện trên cả nước. Đơn vị mạnh ở khu vực này lại yếu ở khu vực khác, hoặc đơn vị chuyên vận chuyển tốt mặt hàng này, thì kém ở mặt hàng khác.
Nếu nhận nhượng quyền từ một doanh nghiệp vận chuyển, các đại lý sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng vận chuyển của đơn vị đó. Nhiều khi biết rõ khu vực nào đó đang quá tải, nhưng cũng không có lựa chọn nào khác.