Sosuke Hanyu: Người đưa giống lúa Nhật sang trồng ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là đời thứ 38 của dòng họ Hanyu chuyên trồng lúa lâu đời ở Nhật Bản, ông Sosuke Hanyu đã đưa một số giống lúa Nhật Japonica sang trồng thử nghiệm ở Thái Bình và bắt đầu thu hoạch những thành phẩm đầu tiên vào Hè năm 2024.

Chọn Thái Bình để trồng lúa giống Nhật

Ông Sosuke Hanyu gây ấn tượng mạnh trong một sự kiện giới thiệu về gạo Nhật được trồng tại Việt Nam mới đây. Trong trang phục truyền thống của người Nhật, ông Sosuke Hanyu say mê kể về những hạt gạo cổ truyền của người Nhật ra đời tại Việt Nam như thế nào.

Chia sẻ với báo chí, ông Sosuke Hanyu cho biết: “Việt Nam là nước đầu tiên chúng tôi đưa cây lúa Nhật sang trồng, việc này bắt nguồn từ cuộc gặp của tôi với một doanh nhân là người Thái Bình. Vị doanh nhân đó nói Thái Bình là vùng đất nổi tiếng về sản xuất lúa gạo và bày tỏ mong muốn sử dụng công nghệ Nhật Bản để góp phần giảm bớt khó khăn cho cuộc sống của người nông dân. Điều này đã tạo sự đồng cảm mạnh trong tôi”.

“Khác với Nhật Bản, ở Việt Nam có thể thu hoạch 2 đến 3 vụ lúa trong 1 năm. Kỹ thuật và trình độ thâm canh của người nông dân ở Việt Nam gần đây cũng được nâng cao, nên tôi nghĩ rằng có thể sản xuất được gạo chất lượng cao ở Việt Nam”, ông Sosuke Hanyu chia sẻ thêm.

Năm ngoái ông Sosuke Hanyu bắt đầu thử nghiệm, ban đầu chỉ có 2 ha, hiện giờ diện tích canh tác ở Thái Bình đã là 150 ha. Ông được hỗ trợ kết nối với những người nông dân, chia sẻ và lắng nghe mong mỏi từ phía họ. Hàng tháng Hanyu đều đưa các kỹ sư nông nghiệp ở Đại học Nagoya và Đại học Tokyo sang trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với người dân Thái Bình.

Tuy nhiên, ông Sosuke Hanyu cho biết, hiện tại các giống lúa mang sang chưa thực sự phù hợp với thổ nhưỡng ở Việt Nam, nên sản lượng thu hoạch chưa đủ lớn và chất lượng cũng chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần do chế độ bảo quản thóc, thường ở Việt Nam chỉ bảo quản ở nhiệt độ thường, nên có thể bị ảnh hưởng chuột bọ, trong khi ở Nhật Bản, thóc luôn được bảo quản ở kho lạnh, giúp thóc gạo giữ được độ tươi mới. Ông đang tìm cách khắc phục vấn đề này ở Việt Nam.

Ông Sosuke Hanyu là đời thứ 38 của dòng họ Hanyu chuyên trồng lúa lâu đời ở Nhật Bản.

Ông Sosuke Hanyu là đời thứ 38 của dòng họ Hanyu chuyên trồng lúa lâu đời ở Nhật Bản.

Khi được hỏi việc hợp tác cùng những người nông dân ở Việt Nam, với rào cản về ngôn ngữ, có gặp khó khăn gì không, ông Sosuke Hanyu cho hay: “Chúng tôi hiện đang phối hợp làm việc rất tốt và không có rào cản nào giữa người Nhật và người Việt Nam”.

Ngoài việc đưa kỹ sư hàng đầu của Nhật Bản về Việt Nam để quan sát thực tế tại đồng ruộng, hàng ngày kỹ sư nông nghiệp tại địa phương cũng sẽ trao đổi tình hình qua mạng xã hội... để kịp thời xử lý, đưa ra lời khuyên nhanh chóng về các vấn đề như sâu bệnh, thời tiết.

Dự kiến nhân rộng quy mô trồng lúa Nhật trên đất Việt

Ngoài Thái Bình, ông Sosuke Hanyu cho hay, dự kiến sẽ mở rộng trồng giống lúa Nhật tại một số địa phương ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc trồng thử nghiệm ở Thái Bình còn chưa đủ dữ liệu để phân tích về thổ nhưỡng, thời tiết, nên nếu mở rộng ngay bây giờ thì có thể chưa đạt được hiệu quả.

“Mùa Hè ở miền Bắc Việt Nam rất nóng và tôi đang nghiên cứu thử nghiệm trồng thêm các giống lúa khác nhau để xem giống nào thích hợp. Nếu có nhiều giống lúa đạt hiệu suất cao thì sẽ dần mở rộng. Tôi rất mong có thể giúp cho cuộc sống của người dân ở Thái Bình tốt hơn, và có thể cung cấp cho các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam với giá phải chăng hơn”, ông nói.

Gia đình Hanyu đã điều hành việc sản xuất lúa gạo ở một ngôi làng trong nhiều thế hệ và bắt đầu đến Việt Nam trồng lúa giống Nhật từ năm 2023.

Gia đình Hanyu đã điều hành việc sản xuất lúa gạo ở một ngôi làng trong nhiều thế hệ và bắt đầu đến Việt Nam trồng lúa giống Nhật từ năm 2023.

Gia nhập thị trường, ông Sosuke Hanyu cũng tìm hiểu về các loại gạo Việt Nam và nghiên cứu về nó. Ông đánh giá cao các loại gạo của Việt Nam và nhận định gạo Nhật có sự khác biệt ở độ ngọt, dẻo khác hoàn toàn gạo Việt Nam. Ông cho rằng đó là điểm mạnh chính khi bước vào thị trường trăm triệu dân như Việt Nam.

Gia đình Hanyu đã điều hành việc sản xuất lúa gạo ở một ngôi làng trong nhiều thế hệ. Không có gia đình nào ở Nhật có truyền thống làm lúa gạo lâu đời như vậy, bởi gần đây, nhiều nông dân Nhật đã chuyển hướng từ làm nghề nông sang nghề khác.

"Tuy từng đời của dòng họ Hanyu có thăng trầm khác nhau, nhưng chúng tôi cùng với ông cha mình đã vượt qua các cung bậc khó khăn. Đến năm 2025, công ty của gia đình Hanyu sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Bản thân tôi luôn nỗ lực làm mới mình, kết nối, gặp gỡ với nhiều người để có các cơ hội kinh doanh mới”, ông Sosuke Hanyu chia sẻ.

T.H.A là Công ty của Hanyu tại Việt Nam tập trung phát triển các loại gạo phù hợp với nhiều loại thực phẩm ở Việt Nam và đặc biệt là mong muốn có thể sản xuất rượu sake tại Việt Nam. Nhật Bản có rất nhiều loại gạo khác nhau và những tiêu chuẩn để phục vụ sản xuất sake vô cùng nghiêm ngặt. Gạo làm rượu sake nhiều tinh bột hơn, ít chất béo hơn, ít đạm hơn so với gạo ăn thông thường.

Ông Sosuke Hanyu đưa giống gạo Nhật trồng thử nghiệm ở Việt Nam
Ông Sosuke Hanyu đưa giống gạo Nhật trồng thử nghiệm ở Việt Nam

“Hiện tại, tôi đã thử mang gạo của công ty về Nhật để sản xuất sake xem có phù hợp không. Nếu thành công, tôi sẽ là người Nhật đầu tiên đưa được một giống lúa trồng bên ngoài Nhật Bản sản xuất sake”, ông Sosuke Hanyu nói.

Sosuke Hanyu bày tỏ mục tiêu xa hơn mong muốn xây dựng được nhà máy sản xuất sake ở Việt Nam. Ngoài việc đảm bảo chất lượng lúa thì còn cần một dòng nước thật sự tinh khiết, không phải nước máy hay nước lọc thông thường. Ông hy vọng sớm tìm được nguồn nước phù hợp ở Việt Nam.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục