Phiên giảm điểm kỷ lục từ đầu năm 2023 tới nay
Thị trường liên tục trải qua nhiều biến động từ đầu năm 2023 tới nay và xu hướng tăng mạnh bắt đầu từ tháng 5. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 18/8, thanh khoản thị trường tăng cao và hàng loạt cổ phiếu bị bán mạnh và trắng bên mua.
Hàng loạt cổ phiếu dư bán sàn trong phiên ngày 18/8 |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8, Chỉ số VN-Index giảm 4,5%, về 1.177,99 điểm, chỉ số VN30 giảm 4,63%, về 1.190,1 điểm. Trong đó, sắc đỏ bao trùm sàn HOSE với 486 mã giảm điểm (167 mã giảm sàn), 18 mã tham chiếu và chỉ có 25 mã xanh.
Ngoài ra, thanh khoản của sàn HOSE ghi nhận kỷ lục hơn 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên (trung bình 20 phiên chỉ là hơn 1 tỷ cổ phiếu khớp lệnh/phiên), đây là mức khớp lệnh kỷ lục từ đầu năm tới nay. Thêm nữa, giá trị giao dịch sàn HOSE cũng ghi nhận hơn 35.813 tỷ đồng, mức kỷ lục từ đầu năm tới nay.
Như vậy, sắc đỏ đã bao trùm toàn bộ thị trường trong phiên với thanh khoản sàn HOSE đạt mức kỷ lục về khối lượng và giá trị giao dịch, đánh dấu phiên giao dịch kỷ lục từ đầu năm tới nay.
Chỉ số VN-Index phá vỡ xu hướng tăng từ đầu năm 2023 nhưng vẫn trên MA 50, 100 và 200 |
Thực tế, trước khi giảm mạnh ngày 18/8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua giai đoạn giằng co từ ngày 1/8 tới 17/8, cổ phiếu có dấu hiệu cải thiện thanh khoản nhưng điểm số không tăng và liên tục tạo ra các phiên “break out” giả, sau đó lại tiếp tục xu hướng tích luỹ trong biên độ lớn, tạo cảm giác hưng phấn nhưng cuối phiên thường không giữ được nền giá cao.
Ngoài ra, chỉ số RSI có xu hướng quá mua kéo dài từ 14/7 tới nay, xuất hiện phân kỳ âm khi giá cổ phiếu có xu hướng hướng lên, tạo thành các vùng giá cao nhưng chỉ báo RSI lại có xu hướng đi xuống, hình thành các đỉnh thấp hơn.
Cổ phiếu sống trong kỳ vọng kéo dài
Trong vòng hơn 7 tháng đầu năm 2023, thị trường chứng kiến sự tăng điểm của cổ phiếu trên diện rộng, mức tăng bằng lần xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành, đặc biệt là các nhóm có kết quả kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu càng bùng nổ, điều này trái ngược với bức tranh tài chính mà doanh nghiệp thể hiện.
Cụ thể, theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý I/2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đã giảm 19,3%, quý II/2023 tiếp tục giảm trung bình 12,9%.
Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lao dốc trong quý II/2023 |
Ngoại trừ nhóm dịch vụ tài chính tăng trưởng mạnh trong quý II với mức tăng trung bình 943% do hưởng lợi từ đà tăng của cổ phiếu giúp danh mục tự doanh hồi phục. Ngược lại, các nhóm dầu khí, hoá chất, kim loại, bán lẻ, thép… đã kéo lùi bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong đó, thống kê lợi nhuận nhóm dầu khí giảm 74%, nhóm kim loại giảm trung bình 88%…
Nhìn chung, ngoại trừ nhóm dịch vụ tài chính, bức tranh tài chính nhiều nhóm ngành đều gặp khó khăn và đi xuống. Tuy nhiên, trái với tình hình kinh doanh, các nhóm cổ phiếu từ bán lẻ, dầu khí, hoá chất, sản xuất thép, xây dựng… lại đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh của giá cổ phiếu.
Theo các chuyên gia nhận định, việc giá cổ phiếu tăng nhưng kết quả kinh doanh vẫn đi xuống chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trong đó, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay kỳ vọng sẽ sớm điều chỉnh giai đoạn cuối năm, góp phần tạo kỳ vọng cho thị trường.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã và đang đẩy mạnh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, một số dự án bắt đầu có hướng gỡ khó, điều này tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư kỳ vọng.
Trong đó, lãi suất tiết kiệm thấp, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển một phần tiền vào thị trường chứng khoán để kỳ vọng những biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ thị trường sẽ sớm tác động vào doanh nghiệp, từ đó giúp kỳ vọng bức tranh tài chính sẽ khởi sắc cuối năm.
Có thể thấy, thị trường tăng giá trong thời gian vừa qua chủ yếu dựa trên kỳ vọng của giới đầu tư hơn là chuyển biến thực tế của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, cũng như nền kinh tế nói chung.
Chỉ báo cẩn thận trước các ngưỡng đáng lưu ý sắp tới
Quay trở lại với câu chuyện của thị trường, mặc dù chỉ số VN-Index có dấu hiệu gãy kênh tăng giá từ tháng 5/2023 tới nay, nhưng trong ngắn hạn, chỉ số vẫn chưa gãy các đường MA hỗ trợ. Trong đó, đường MA 50 ở mức 1.170 điểm; đường MA 100 ở mức 1.118 điểm; và đường MA 200 ở mức 1.077 điểm.
Thông thường, trong giai đoạn đầu của xu hướng suy giảm, thị trường vẫn có những cơ hội nhất định cho nhà đầu tư, đặc biệt các vùng hỗ trợ mạnh để nhà đầu tư cân nhắc.
Trong đó, nếu liên tục thiết lập các đỉnh thấp hơn trong các đợt hồi phục, điều này sẽ là dấu hiệu thị trường có thể bước vào sóng giảm. Tuy nhiên, mỗi vùng hỗ trợ mạnh, thị trường sẽ có nhịp hồi phục ngắn hạn, điều này thường tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu về vùng an toàn, ít nhất là hạ margin xuống mức an toàn trước những diễn biến bất ngờ tiếp tục xuất hiện và lặp lại như phiên giao dịch ngày 18/8.
Đối với nhà đầu tư mới tham gia thị trường, khó khăn không phải giai đoạn sóng tăng, mà là giai đoạn sóng giảm, làm sao để bảo vệ tài khoản, bảo vệ sức mua để có thể tiếp tục đầu tư trong một chu kỳ sóng mới, thay vì chịu thua lỗ và từ bỏ thị trường.