Hàng trăm mã nằm sàn, thị trường lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo trên diện rộng khiến các cổ phiếu la liệt nằm sàn và chỉ số chung đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó VN-Index bốc hơi hơn 55 điểm xuống dưới mốc 1.180 điểm.
Hàng trăm mã nằm sàn, thị trường lao dốc

Mặc dù cảnh báo đã được phát đi sau phiên giao dịch hôm qua rằng thị trường đang có những tín hiệu khá tiêu cực, nhưng dường như nhà đầu tư không tin rằng diễn biến có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái quá xấu. Bên cạnh đó, các dự báo về thị trường vẫn cho rằng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm vẫn khá vững chắc.

Những dự cảm xấu xuất hiện và dần gia tăng trong phiên sáng khi áp lực bán ngày càng dâng cao và lan rộng thị trường khiến bảng điện tử chìm ngập sắc đỏ. Mặc dù đà bán tháo chưa xuất hiện khi chỉ có một vài mã nằm sàn nhưng gánh nặng từ các cổ phiếu lớn cùng đà giảm trên diện rộng đã khiến VN-Index tạm dừng phiên sáng để mất tới 20 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ sau khoảng 30 phút “cầm cự” trên mốc 1.200 điểm, đà bán tháo đã diễn ra trên diện rộng khiến thị trường lao dốc mạnh. Lực bán dứt khoát và xối xả khiến thị trường la liệt cổ phiếu nằm sàn.

Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, thị trường có tới hơn 130 mã giảm sàn, trong đó từ những tên tuổi lớn như VIC, VHM, MWG, VCI, HCM… đến các mã nóng như NVL, DIG, DXG, TCH… đều khoác áo xanh mắt mèo.

Tại thời điểm này, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 40 điểm, tạm đứng ở mức giá 1.190 điểm và đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng khi lực bán tháo ngày càng lan rộng hơn trên thị trường.

Dường như sau chuỗi thời gian kéo dài 3 tháng liền tăng nóng, “một trận mưa” là điều không sớm thì muộn sẽ phải có để hạ nhiệt thị trường, nhưng trận càn quét này là quá lớn và đột ngột.

Thị trường đóng cửa khi có tới 275 mã giảm sàn, chiếm tới gần 1/2 số mã giảm và gấp tới gần 7 mã số mã tăng là 39 mã. Trong đó, riêng trên sàn HOSE có tới 167 mã giảm sàn và chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 55 điểm, là phiên giảm sâu nhất trong 14 tháng qua, kể từ phiên 13/6/2022 giảm hơn 57 điểm.

Không chỉ gây sốc bởi pha lao dốc mạnh của chỉ số chung, đã lâu lắm rồi nhà đầu tư mới chứng kiến phiên giao dịch thanh khoản trên 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt trên 36.000 tỷ đồng, xác nhận phiên cao nhất trong khoảng 19 tháng, kể từ phiên 10/1/2022 đạt hơn 41.800 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có tới 486 mã giảm, gấp tới 20 lần số mã tăng (25 mã), VN-Index giảm 55,49 điểm (-4,5%), xuống 1.177,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,7 tỷ đơn vị, giá trị 36.145,25 tỷ đồng, tăng 51,15% về khối lượng và 41,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 56,9 triệu đơn vị, giá trị 1.287,75 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất VCB giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,1%, còn lại 29 mã giảm và chủ yếu là giảm hơn 4%. Trong đó, VIC, VPB, MWg, VHM, GVR, POW và SHB đều đóng cửa giảm sàn.

Xét về nhóm ngành, không có nổi nhóm nào có thể ngược dòng thành công. Với đà lao dốc mạnh của thị trường, nhóm cùng nhịp đập là chứng khoán có mức giảm sâu nhất. Ngoại trừ duy nhất SSI thoát sắc xanh mắt mèo nhưng cũng trong xu hướng giảm mạnh hơn 5,5%, còn lại đều đóng cửa nằm sàn. Trong đó VND vẫn là mã giao dịch sôi động nhất ngành với hơn 50 triệu đơn vị, đóng cửa còn dư bán sàn gần 1,77 triệu đơn vị.

Đứng ngay sau đó là nhóm cổ phiếu bất động sản, trong đó riêng cặp đôi lớn VIC và VHM lần lượt lấy 4,6 điểm và 4,1 điểm của chỉ số chung. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm giao dịch sôi động nhất thị trường.

Trong top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường thì có tới 3 tên tuổi của nhóm này, với sự dẫn đầu vẫn là NVL khớp lệnh đạt 58,96 triệu đơn vị và đóng cửa dư bán sàn chất đống với gần 10,2 triệu đơn vị; tiếp theo là DIG khớp hơn 43 triệu đơn vị và dư bán sàn 6,69 triệu đơn vị; DXG khớp 39,37 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 3,5 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã bất động sản khác cũng trong trạng thái dư bán sàn chất đống, điển hình LDG dư bán sàn tới 24,24 triệu đơn vị; các mã HPX, BCG, TCH, PDR, DXG, HQC, ITA, VIC, KHG, CII, SCR, DRH… cũng dư bán sàn vài triệu đơn vị.

Nhóm trụ cột ngân hàng cũng gia tăng gánh nặng lên thị trường với VPB, SHB, EIB đóng cửa nằm sàn; TCB, SSB, BID, OCB thoát sắc xanh mắt mèo nhưng đều giảm hơn 6%; còn lại các mã giảm trên 3-4%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chứng kiến phiên “đỏ lửa”.

Chốt phiên, sàn HNX có 32 mã tăng và 207 mã giảm, trong đó có 65 mã giảm sàn, HNX-Index giảm 14,01 điểm (-5,6%), xuống 235,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 238,17 triệu đơn vị, giá trị 4.169,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,18 triệu đơn vị, giá trị 7,25 tỷ đồng.

Cũng như trên sàn HOSE, nhóm HNX30 chỉ còn duy nhất 1 mã là SLS ngược dòng thành công khi kết phiên chỉ tăng nhẹ 0,5%, còn lại phần lớn đều giảm hơn 5%, trong đó có tới hơn 1/2 số mã nằm sàn.

Đáng chú ý là HUT sau phiên sáng ngược dòng thị trường chung và tăng mạnh mẽ, sang phiên chiều lực bán xối xả cũng khiến cổ phiếu này không thoát khỏi nằm sàn. Đóng cửa, HUT giảm 9,8% xuống mức giá sàn 23.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh bùng nổ đạt 12,89 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, CEO cũng chính thức chia tay sắc xanh và đóng cửa giảm 4,4%, xuống mức 24.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 31,39 triệu đơn vị.

Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường là SHS khớp 45,2 triệu đơn vị, cũng không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo khi đóng cửa giảm 9,6% xuống mức 15.100 đồng/CP và dư bán sàn 1,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS, VIG, cũng nằm sàn, BVS giảm sát sàn khi mất 9,6%...

Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu lao dốc về mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 3,47 điểm (-3,75%), xuống 89,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 143,8 triệu đơn vị, giá trị 1.692,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,72 triệu đơn vị, giá trị 126,87 tỷ đồng, trong đó riêng AAS thỏa thuận 6,5 triệu đơn vị, giá trị 78 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi đóng cửa giảm 6,9% xuống mức 18.800 đồng/CP, thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường UPCoM với hơn 18 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Đứng ở vị trí tiếp theo là SBS và C4G đều khớp hơn 7 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt giảm 11,1% và 9%.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ DCS ngược dòng thành công, đóng cửa tăng trần lên mức 800 đồng/CP và khớp lệnh 3,75 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm sâu, trong đó đáo hạn gần nhất là VN30F2309 vào ngày 21/9 tới đây, đã giảm 58,8 điểm, tương đương -4,7% xuống 1.188 điểm, khớp lệnh 274.934 đơn vị, khối lượng mở 35.209 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, tất cả đều mất điểm, trong đó CMBB2306 sôi động nhất khi khớp hơn 3,43 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 17,3% xuống mức 1.820 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2305 khớp 2,43 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 24,3% xuống 840 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục