Cơ hội mới trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng giảm lãi suất dự báo sẽ tiếp tục, cộng thêm kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp hồi phục trong nửa cuối năm là những yếu tố được giới chuyên gia cho rằng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán.
Mặt bằng giá cổ phiếu không còn rẻ, song cơ hội vẫn luôn hiện hữu với nhà đầu tư có kinh nghiệm. Mặt bằng giá cổ phiếu không còn rẻ, song cơ hội vẫn luôn hiện hữu với nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Tâm lý tích cực đưa hiệu suất VN-Index vượt trội

Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 9,2% trong tháng 7, vượt trội so với hầu hết các thị trường trong khu vực và trái ngược với bức tranh lợi nhuận quý II ảm đạm. Diễn biến này, được các chuyên gia tài chính lý giải, là nhờ kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi (như giảm thuế VAT, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng lương cơ bản) dần ngấm vào thực tiễn, qua đó, góp phần giúp lợi nhuận doanh nghiệp đi lên trong nửa cuối năm.

Nhờ niềm tin này, dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán sôi động trở lại, đưa thanh khoản sàn HOSE nhiều phiên vượt mức 1 tỷ USD. Nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ từ đáy, đưa chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm và neo kỳ vọng mới cho giới đầu tư về vùng 1.300 điểm. Giai đoạn này, dòng tiền chưa cho tín hiệu suy yếu, là cơ sở cho nhiều nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục.

Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức hôm 8/8, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital nhận xét, với các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, 2022 là một năm khá buồn, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã khắc phục được một phần lỗ trong năm nay. Hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế, ngân hàng lớn đều khá cởi mở, các yếu tố hỗ trợ cho thị trường tài chính xuất hiện nhiều hơn. Ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong các tháng gần đây, các thị trường tài chính trên thế giới phản ứng khá tích cực, vì việc tăng lãi suất theo lộ trình và được chia thành các bước nhỏ, không quá dồn dập. Hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đã ghi nhận mức tăng từ 15 - 28% kể từ đầu năm tới nay, trong đó có Việt Nam.

Nhận định được bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra, thị trường tăng trưởng gần đây phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư khi các cơ quan, ban, ngành có các giải pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Theo VDSC, trong nửa cuối năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tích cực hơn rất nhiều so với nửa đầu năm và những ngành đang được trả giá cao hơn đều đang là những ngành được kỳ vọng phục hồi đà tăng trưởng như bán lẻ, hàng tiêu dùng lâu bền… Các nhóm ngành khác thì duy trì được nền tăng trưởng tích cực như ngân hàng, tiêu dùng hay tiện ích công cộng, trong khi mức định giá tương đối hợp lý.

Tuy nhiên, bà Phương Lam lưu ý rằng, tâm lý nhà đầu tư đang rất tích cực, chấp nhận trả mức P/E cao cho kỳ vọng kinh tế phục hồi nửa cuối năm, nhưng nếu thực tế không như kỳ vọng thì rất dễ khiến thị trường điều chỉnh mạnh.

VDSC tính toán, P/E của VN-Index hiện vào khoảng 16 lần và theo dữ liệu quá khứ, nhà đầu tư mua vào ở vùng định giá này có tỷ suất sinh lời trong dài hạn rất thấp. Nếu quyết định giải ngân thời điểm này, nhà đầu phải cân nhắc về ngành và cổ phiếu.

Liên quan đến định giá P/E thị trường, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng, P/E thị trường ở mức 21 lần, tương đương giai đoạn bùng nổ về dòng tiền, tức là khi dòng tiền tăng “nóng” như quý I/2018 và quý II/2021. Dòng tiền có xu hướng đổ về nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, khiến định giá nhóm này tăng gấp đôi so với định giá nhóm VN30, gây ra sự lệch lạc nhất định.

“Nhà đầu tư cũng không nên chỉ nhìn vào P/E thị trường chung để quyết định đầu tư. Trong từng giai đoạn, định giá của từng doanh nghiệp trong ngành cũng có sự khác nhau”, bà Phương lưu ý.

Tốc độ phục hồi doanh thu và lợi nhuận sẽ khác nhau đáng kể giữa các ngành, thậm chí giữa các công ty trong cùng ngành. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu rất quan trọng.

Ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)

Từ góc nhìn của ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), hệ số P/E trượt của VN-Index đã tăng rất nhanh kể từ đầu năm.

Nghĩa là, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng thấp, thị trường đã sẵn sàng trả mức định giá cao hơn cho cổ phiếu trong bối cảnh lãi suất giảm, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Mặc dù không phản bác điều này, chúng tôi tin rằng tốc độ phục hồi doanh thu và lợi nhuận sẽ khác nhau đáng kể giữa các ngành, thậm chí giữa các công ty trong cùng ngành. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu là rất quan trọng”, ông Nhân nói.

VCBF nhận thấy thị trường đã và đang dịch chuyển mối quan tâm từ các yếu tố vĩ mô sang các yếu tố vi mô, cụ thể là triển vọng kinh doanh và định giá của từng công ty. Sự thay đổi này có thể dẫn đến chênh lệch lớn giữa các nhà đầu tư về ước tính lợi nhuận, định giá, kỳ vọng lợi nhuận tiềm năng mà các cổ phiếu có thể mang lại và đó là cơ hội cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm, kỹ năng tạo ra lợi nhuận vượt trội so với thị trường.

Lọc cơ hội, linh hoạt theo biến động thị trường

Đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.761, tăng gần 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6 và tăng 0,5% so với đầu năm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Một trong những nguyên nhân là các ngân hàng đang dè chừng biến động tỷ giá. Nhưng, theo ông Nghĩa, cũng có 3 yếu tố giúp tỷ giá khó sốt trở lại và NHNN có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành.

Cụ thể, chỉ số USD Index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD Index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Đồng thời, giá hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng nhưng vẫn có dư địa để can thiệp thông qua thuế, phí và cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

“Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023 - 2024 sẽ duy trì ổn định. Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Nghĩa nhận xét.

Theo chuyên gia, tỷ giá USD/VND sẽ được hỗ trợ tốt hơn trong nửa cuối năm, nhờ thặng dư thương mại duy trì mức cao, dòng vốn FDI vào Việt Nam và kiều hối ổn định, cộng với kỳ vọng hoạt động bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ sôi động hơn, làm tăng nguồn cung ngoại tệ trong nước.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã được thực hiện quyết liệt và sự phục hồi của nền kinh tế, cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ là một trong những yếu tố then chốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề tỷ giá USD/VND không quá áp lực trong năm nay và năm sau nhờ USD Index hạ nhiệt, nhưng một số đồng tiền trong khu vực châu Á như Nhân dân tệ, Yên Nhật... đang mất giá nhanh. Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế rất lớn, cần lưu ý đến diễn biến này.

Thứ hai là tiến độ giải ngân đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư. Chính sách tài khóa hiện sẽ có vai trò rất quan trọng khi tăng trưởng tín dụng kém, do đó, mức độ và hiệu quả giải ngân đầu tư công sẽ có tác động quan trọng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Thứ ba là tốc độ tăng trưởng tín dụng. Lãi suất điều hành liên tục được điều chỉnh giảm, lãi suất huy động cũng diễn biến tương tự. Lãi suất cho vay cũng dần hạ nhiệt, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn khá ì ạch. Mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế và dòng tiền tín dụng sẽ được khơi thông ra sao là một trong những biến số vĩ mô quan trọng.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank (mã CTS) dự báo, nhiều khả năng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm vào nửa cuối năm, qua đó kích thích tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản, cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu biểu như Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; Nghị định 08/2023/NĐ- CP cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có thêm thời gian để trả nợ và tái cấu trúc nợ… Đây là những yếu tố sẽ tác động tích cực tới thanh khoản thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2023.

Nhận định về cơ hội đầu tư trong nửa cuối năm, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều khó khăn, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2023 là 226.159 tỷ đồng, tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 28,11% kế hoạch năm.

Các dự án trọng điểm dự kiến tập trung triển khai giai đoạn 2021 - 2025 gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1...

Tăng trưởng đầu tư công không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng - xây dựng, mà còn có thể khiến cho một số nhóm ngành được hưởng lợi gián tiếp như ngân hàng, logistics.

Dù vậy, ông Trung cho rằng, bối cảnh vĩ mô vẫn tồn tại những rủi ro như Fed còn khả năng tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2023. Kể từ khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ được khởi động vào tháng 3/2022, tính đến ngày 26/7/2023, Fed đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 11 với mức 0,25%/năm lên ngưỡng 5,25 - 5,5%/năm, mức cao nhất trong vòng hơn 22 năm.

Chủ tịch Fed, ông Powell cho rằng, lạm phát đã được kiểm soát phần nào nhưng chúng ta “vẫn còn chặng đường dài phải đi để đạt được mục tiêu 2%”. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể sẽ làm lạm phát trong nước tăng nhẹ do chịu tác động của nhập khẩu lạm phát và chi phí đẩy, tỷ giá USD/VND cũng sẽ tăng theo. Áp lực lạm phát và tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mặt bằng lãi suất trong nước mặc dù NHNN đã có những chính sách điều hành hướng tới duy trì lãi suất ở mức thấp.

Ông Trung lưu ý thêm, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng mạnh vào quý III/2023, với giá trị đáo hạn dự kiến là 91.800 tỷ đồng. Mặc dù đã có những biện pháp hỗ trợ tích cực cho thị trường trái phiếu từ phía Chính phủ, nhưng với quy mô đáo hạn lớn sẽ gây sức ép lên khả năng thanh toán của doanh nghiệp, có thể làm tăng nợ xấu, gây ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Đồng tình với quan điểm mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp khiến kênh cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và những cải thiện vĩ mô trên phạm vi toàn cầu và trong nước sẽ tiếp tục đem lại sự lạc quan cho thị trường chứng khoán, song ông Phạm Lê Duy Nhân lưu ý nhà đầu tư không nên xem nhẹ quản trị rủi ro. Bởi thực tế cho thấy, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong ngắn hạn vẫn kém khả quan.

Sự suy giảm của xuất khẩu, nếu kéo dài hơn dự kiến, sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, do đó có thể làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, trong khi lãi suất ở Việt Nam liên tục được cắt giảm thì mặt bằng lãi suất ở Mỹ vẫn ở mức cao, vì vậy, đồng nội tệ có thể đối diện với rủi ro giảm giá. Điều này cũng sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa của NHNN.

Theo VCBF, cơ hội đầu tư vào các ngành và các cổ phiếu phải dựa trên cả hai yếu tố, đó là tiềm năng tăng trưởng trên tương quan với mức định giá hiện tại. Tiềm năng tăng trưởng, theo triết lý của VCBF, là phải ở khung thời gian từ 3 - 5 năm. Hiện tại, mặt bằng định giá chung của các ngành cũng như cổ phiếu đã tăng lên khá nhiều nên việc tìm kiếm cơ hội mới cũng khó khăn hơn.

VCBF cũng đồng ý rằng giá cổ phiếu của nhiều công ty trong nhiều nhóm ngành, do sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi sắp tới, đã được đẩy lên khá cao, thậm chí nếu so với mức lợi nhuận các công ty này có thể tạo ra trong 1 - 2 năm tới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các cổ phiếu đã trở nên quá đắt đỏ so với tiềm năng dài hạn.

Trong một môi trường đầu tư mới như hiện nay, bà Hoài Phương khuyến nghị, nhà đầu tư phải có chiến lược rất khác biệt so với năm trước. Đó là sự linh hoạt theo những biến động và sự kiện thị trường.

Hải Vân – Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục