Sòng phẳng, nhân văn trong thu hồi nợ

Dự kiến, ngày mai (20/5), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó nội dung được các ngân hàng mong chờ nhất là luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo.

Từng được đặt ra nhiều lần tại nghị trường Quốc hội, nhưng phải đến kỳ họp này, quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các ngân hàng mới có thể chính thức được luật hóa. Trước đó, nội dung này đã được đưa vào tại Nghị quyết 42/2017/QH 14 và trở thành “vũ khí” hiệu quả để ngành ngân hàng xử lý nợ xấu trong suốt 7 năm. Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nợ xấu lại vọt tăng do tâm lý chây ỳ trả nợ tăng lên.

Hiện quy mô nợ xấu toàn nền kinh tế đã lên khoảng 1 triệu tỷ đồng. Số “vốn chết” khổng lồ này đang gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn và là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao. Thêm vào đó, tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, tuần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, trong đó có quyền thu giữ tài sản đảm bảo.

Có thể nói, luật hóa quyền thu giữ tài sản đang trở thành vấn đề cấp bách nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay về xử lý nợ xấu, giúp tăng dòng chảy vốn trong nền kinh tế, từ đó giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp. Việc luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo cũng giúp cân bằng quyền lợi hợp pháp giữa “con nợ” và “chủ nợ”, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay, từ đó giúp kiến tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng, “có vay, có trả”.

Luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo không chỉ bảo vệ quyền lợi ngân hàng, mà còn bảo vệ tiền gửi của người dân. Lý do là nguồn tiền ngân hàng cũng chính là tiền huy động từ người dân. Hơn thế, hiệu quả thu hồi nợ kém không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Trước đây, một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng sẽ trái với Hiến pháp. Song, Bộ Tư pháp đã thẩm định và cho thấy, quy định trên không trái Hiến pháp, bởi ngân hàng không đơn phương thu giữ tài sản đảm bảo, mà chỉ thực hiện theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết từ trước đó giữa khách hàng và ngân hàng.

Băn khoăn lớn nhất hiện nay khi luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng là liệu có xảy ra tình trạng ngân hàng lạm dụng để thu hồi nợ, thực hiện các hành vi đòi nợ trái đạo đức, vi phạm quyền nhà ở của công dân hay không.

Thực tế cho thấy, cho dù “có vay, có trả” là quan hệ sòng phẳng giữa bên đi vay và bên cho vay, nhưng xây dựng được văn hóa đòi nợ nhân văn vẫn là một trong những cách tạo dựng thương hiệu đẹp của tổ chức tín dụng. Khách hàng sẽ rời bỏ nếu ngân hàng bị mang tiếng là một nhà băng có cách đòi nợ kiểu “côn đồ”.

Để tránh tình trạng lạm dụng, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục thu giữ, nghiêm cấm áp dụng biện pháp vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Có nghĩa, tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ; các cơ quan như chính quyền địa phương, công an… sẽ giám sát để ngăn ngừa hành vi lạm dụng, qua đó đảm bảo trật tự và quyền lợi các bên.

Dù vậy, quy định trên - như nhận xét của một số chuyên gia phân tích - cũng chỉ là “dựng rào cho kín”. Điều đó cho thấy, quan trọng nhất vẫn là ngân hàng và người vay phải xây dựng được văn hóa cho vay, có nghĩa, ngân hàng cho vay và giám sát sử dụng vốn vay đúng mục đích, còn khách hàng có thiện chí trả nợ. Khi đó, “quyền thu giữ tài sản đảm bảo” sẽ chỉ là liệu pháp tâm lý để phòng ngừa.

Nhiều khả năng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bấm nút chấp thuận luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, các ngân hàng cũng không thể coi đây là “cây đũa thần”, mà phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng, năng lực quản trị rủi ro trong bối cảnh quy mô tín dụng tăng nhanh. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng phải tìm giải pháp phát triển hơn nữa thị trường mua bán nợ nhằm giải quyết rốt ráo bài toán nợ xấu.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục