Sóng ngầm quanh các đợt tái cấu trúc?

(ĐTCK) Săn cố phiếu chuẩn bị thoái vốn, doanh nghiệp có nhân tố mới, đã trở thành chiến thuật của một bộ phận nhà đầu tư trên sàn. Kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nhưng cũng phải rất tỉnh táo để “rút chân” thật nhanh, nếu không bị “mất vốn” như chơi, đó là chia sẻ của vài người trong cuộc.
Cổ phiếu tăng giá một cách phi lý sẽ không dễ thuyết phục nhà đầu tư

Sóng lớn

Không khó để nhà đầu tư bám sàn tìm được những cổ phiếu tăng giá vùn vụt sau khi cơ cấu cổ đông có sự biến động lớn. Chẳng hạn, cổ phiếu VCS của CTCP Đá thạch anh cao cấp VCS Stone (trước đây là Vicostone), khi liên danh nhà đầu tư Red River Holdings-Bera thoái vốn vào tháng 6/2014, thị giá chỉ dao động quanh mức 12.000-14.000 đồng/CP.

Từ đó đến nay, VCS liên tục “phi nước đại”, thiết lập các đỉnh giá mới và hiện đạt xấp xỉ 160.000 đồng/CP. Nếu tính cả cổ tức chi trả bằng tiền mặt, cộng với chia thưởng từ cổ phiếu quỹ cho cổ đông, mức tăng giá của cổ phiếu này kể từ khi nội bộ doanh nghiệp “sóng yên, bể lặng” lên tới gần 15 lần.

Tất nhiên, giá cổ phiếu tăng mạnh có lý do đến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tục tăng trưởng cao, song cơ cấu cổ đông của VCS cũng khá cô đặc. Tỷ lệ cổ phiếu của các nhà đầu tư bên ngoài (không tính cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan, đạt gần 20% vốn).

Khi giá cổ phiếu VCS dao động quanh 130.000 đồng/CP, một nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán (rất am hiểu VCS – PV) còn tự tin đến mức cho rằng, “giá cổ phiếu cứ xuống dưới 125.000 đồng/CP là yên tâm mua được”.

Quả thực, sau đó, khi có tin kết quả kinh doanh của Công ty tăng mạnh, cổ phiếu VCS liền tăng giá và nếu có dưới ngưỡng trên, thì cũng nhanh chóng bứt phá. Trên thị trường, một số nhà đầu tư cho rằng, một nhóm nhà đầu tư mở tài khoản tại CTCK TP.HCM (HSC) đã thắng đậm với cổ phiếu VCS.

Cổ phiếu KSB của CTCP Khoáng sản Bình Dương đã tăng vùn vụt từ mức 40.000 đồng/CP lên xấp xỉ 100.000 đồng/CP, sau khi Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái xấp xỉ 51% vốn tại doanh nghiệp. Đi cùng với giá cổ phiếu tăng mạnh là những thông tin tích cực về giấy phép khai thác các mỏ đá, tiến độ dự án bất động sản và kết quả kinh doanh khả quan. Còn trên thị trường, giới thạo tin cho rằng, sự tham gia của những cổ đông mới của KSB, với năng lực quản trị mới, có vai trò không nhỏ trong đồ thị tăng giá cổ phiếu.

Cổ phiếu SHN của CTCP Tổng hợp Hà Nội cũng có diễn biến ngoạn mục, khi tăng từ 2.900 đồng/CP lên xấp xỉ 24.000 đồng/CP khi có thông tin đại gia Vũ Văn Tiền và Geleximco “giải cứu”, hoán đổi cổ phiếu của CTCP Đầu tư An Bình (ABG) vào SHN. Thông tin này “mật” đến nỗi, trước khi lễ ký kết cho việc bắt tay giữa hai bên diễn ra, nguồn tin thân cận với lãnh đạo SHN chỉ biết rằng, có đại gia tham gia tái cơ cấu SHN, còn danh tính đại gia được giấu kín.

Còn vô số các cổ phiếu có mức độ biến động giá kinh ngạc trước và sau khi có biến động về cổ đông lớn. Đơn cử, cổ phiếu RDP của CTCP Nhựa Rạng Đông đã tăng giá gấp 2,5 lần, từ mức 13.000 đồng/CP, khi SCIC thoái 43% vốn; “sóng lớn” tới 4-5 lần thị giá với cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành khi nhà đầu tư liên quan đến Tân Liên Phát vào cuộc; cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý tăng giá 2 lần sau khi Tổng công ty Sông Đà thoái 53% vốn; cổ phiếu SAV của CTCP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex tăng giá gấp đôi kể từ khi có đối tác chiến lược Hàn Quốc; cổ phiếu DMC của CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco cũng tăng gấp 2 lần khi Abbot trở thành cổ đông lớn nhất tại Công ty; hay những đợt tăng trần 5-10 phiên của cổ phiếu CIG (CTCP Coma 18) khi có nhóm cổ đông mới thuộc thế hệ đại gia bất động sản mới nổi tham gia thâu tóm Công ty…

Nhanh tay

Cơ cấu cổ đông thay đổi, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc rõ rệt, giá cổ phiếu thiết lập mặt bằng giá mới và duy trì phong độ là điều dễ hiểu. Nhưng có một đặc điểm chung ở không ít doanh nghiệp có yếu tố thoái vốn, theo tổng kết của một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, là “sóng” tăng giá cổ phiếu khó có sức bền.

Điều này có nhiều nguyên nhân. Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán lớn cho biết, gần đây, trên thị trường có những cá nhân hoặc nhóm nhà đầu tư thực hiện các thương vụ M&A với giá trị dăm bảy trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Họ không phải là những nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp, mà chỉ mua bán cổ phiếu đơn thuần vì mục đích đầu tư tài chính.

Những nhà đầu tư này có tiền “tươi” để thanh toán ngay cho việc mua cổ phần? Câu trả lời là không, họ sẽ dùng chiến thuật “mỡ nó rán nó”. Cổ phiếu mua từ thương vụ M&A được sử dụng để ký quỹ với khối lượng rất lớn, nhà đầu tư sử dụng tiền vay để thanh toán tiền mua cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư mới buộc phải có giải pháp để cổ phiếu tăng giá, nên diễn biến đi lên của những cổ phiếu sau thoái vốn là điều có thể hiểu được.

Tất nhiên, hiện thị trường đã thông minh hơn rất nhiều, cổ phiếu tăng giá một cách phi lý sẽ không dễ thuyết phục nhà đầu tư. Bởi vậy, đi kèm với thanh khoản tăng, giá tăng giảm đan xen, cần phải có thông tin từ hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án mới và kết quả kinh doanh, chia thưởng, trả cổ tức “khủng”…

Vì có lực tác động, nên khi hết lực đẩy, giá cổ phiếu sẽ giảm trở lại. Bởi vậy, nhà đầu tư bám theo chiến thuật này thường “đánh nhanh, rút nhanh”, những cũng có người “say sóng” và chịu lỗ nặng.

Quan sát trên sàn có thể thấy, nhiều cổ phiếu sau khi tăng giá mạnh đã giảm trở lại về mức giá trước khi vào “đường đua”, thậm chí là giảm sâu hơn.

Game còn nóng

Nhận xét về dòng tiền trong năm 2017, lãnh đạo một số quỹ lớn cho hay, tiền sẽ được quay vòng nhanh, nhiều hơn vì nhiều thương vụ thoái vốn lớn sẽ có sự tham gia hỗ trợ của nghiệp vụ margin. Điều này sẽ giúp thanh khoản tăng mạnh và thị trường 2017 chắc chắn sôi động hơn.

Còn với nhiều nhà đầu tư cá nhân, nếu như trước đây danh mục của họ chia hết cho các tỷ trọng cổ phiếu an toàn, thì nay đã có một sự chuyển biến mới: dành một tỷ trọng nhỏ tham gia các “game mạo hiểm”. Một nhà đầu tư mở tài khoản tại CTCK FPT( FPTS) cho biết, biết là cổ phiếu có yếu tố bí ẩn, nhưng mới đây, ông vẫn mạnh dạn mua vào cổ phiếu ở mức giá 150.000 đồng/CP, khi đạt giá 156.000 đồng/CP, ông đã bán ra. Nhà đầu tư này cho biết, trên sàn có khá nhiều nhà đầu tư có tâm lý như ông.

Theo định hướng của Chính phủ, sẽ có nhiều doanh nghiệp thực hiện thoái vốn Nhà nước trong năm nay, đồng thời có nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, bán ra số lượng lớn cho các nhà đầu tư bên ngoài. Đây chính là cơ sở để các “game” trên thị TTCK diễn ra sôi động, thương vụ này nối tiếp các thương vụ khác. Đơn cử, hiện nay, một nhóm nhà đầu tư “cá mập” đang săn cơ hội mua chi phối 1 trong 4 tổng công ty mà Bộ Xây dựng đang triển khai cổ phần hóa. Đây là các nhà đầu tư có tiềm lực, song rất kín tiếng, đã tham gia nhiều thương vụ lớn trên TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, game thoái vốn còn sôi động bởi một số quỹ nước ngoài lớn đang đến kỳ thoái vốn. Tiếng nói của họ có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, lại là những “thợ săn” lão luyện, họ có nhiều cách thức để gia tăng thêm giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp, nhằm thoái được vốn ở mức giá có lợi nhất.

Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, một quỹ nước ngoài đặt mục tiêu thoái vốn tại 2 doanh nghiệp với giá cao hơn ít nhất 30% so với thị giá cổ phiếu trên sàn. Doanh nghiệp trong danh mục của quỹ này có hoạt động kinh doanh rất tốt, đã được “thúc” lên sàn ngay trong năm 2017 để quỹ dễ dàng thoái vốn.        

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục