Sông Đà, HUD, Vicem, Licogi... "ốm" vì ôm quá nhiều đất

16 Tổng công ty mà Bộ Xây dựng đang quản lý sử dụng vốn đầu tư 96.253 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% là vốn vay thương mại, với tiền lãi mỗi năm phải trả hơn 6.000 tỷ đồng.
Tập đoàn HUD đang quản lý hơn 31 triệu m2 đất Tập đoàn HUD đang quản lý hơn 31 triệu m2 đất

Nợ như Chúa Chổm

Theo tin từ Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 – 2015, Tổng công ty Sông Đà đứng đầu về số vốn đầu tư (19.088 tỷ đồng); tiếp theo là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), với 18.138 tỷ đồng; Tổng công ty Idico, với 8.872 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), với 8.249 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 6.394 tỷ đồng…

Số vốn đầu tư mà các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng sử dụng hầu hết tập trung vào lĩnh vực hạ tầng đô thị và phát triển nhà, với 58.284 tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn đầu tư được các DN ngành xây dựng sử dụng, hầu hết là vốn vay thương mại, chiếm trên 90% kế hoạch vốn hàng năm của các DN.

Điều đáng nói là, số vốn đầu tư thực hiện của các DN ngành xây dựng mới chỉ đạt 33,04% kế hoạch. Kế hoạch đầu tư ban đầu do các DN ngành xây dựng đề xuất và được Bộ Xây dựng phê duyệt cho giai đoạn 2011 - 2015 lên đến 291.352 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sự trầm lắng của thị trường bất động sản, nên số vốn đầu tư thực tế chỉ là 96.253 tỷ đồng.

Nếu nhìn từ góc độ tồn kho bất động sản hiện nay, thì việc không đạt kế hoạch của các DN ngành xây dựng có thể xem là  điều may mắn. Mặc dù vậy, số tiền lãi vay mà các DN xây dựng phải trả là hơn 6.000 tỷ đồng/năm.

Gặp khó vì “ôm” quá nhiều đất

Cuối năm 2013, khi nguồn thu ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký công văn hỏa tốc gửi HUD đòi khoản nợ hơn 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị Bắc TP. Hà Tĩnh và 4,5 tỷ đồng tiền nợ phạt chậm nộp. Toàn bộ số tiền sử dụng đất (214 tỷ đồng) của HUD tại dự án này bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nộp trước ngày 31/12/2013, nhưng HUD xin “khất” đến tháng 11/2014. 

Đây chỉ là một trong số hàng chục dự án do HUD làm chủ đầu tư trên địa bàn cả nước với tổng diện tích hơn 31 triệu m2. Số tiền sử dụng đất mà HUD phải trả cho các dự án này là không nhỏ.

Sau khi dừng thí điểm mô hình tập đoàn chuyển lại về mô hình tổng công ty, Tổng công ty Sông Đà đã bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý các nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 10.000 tỷ đồng.

Sông Đà đang phải đối mặt với sức ép nợ nần từ hàng loạt dự án đầu tư bất động sản dở dang, như Khu đô thị Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), Dự án Khách sạn Sông Đà - Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Khu đô thị Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội)…

Đây là các dự án đã được quy hoạch nhiều năm, đang giải phóng mặt bằng hoặc đã khởi công xây dựng, nhưng hiện đều còn ngổn ngang, dở dang.

Theo Kiểm toán Nhà nước, HUD đang quản lý hơn 31 triệu m2 đất, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) nắm hơn hơn 3,4 triệu m2; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) có trong tay hơn 21,5 triệu m2… 

Trong số này, “nhiều diện tích đất chưa được các địa phương ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, làm ngân sách thất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...; công tác quản lý đất tại nhiều doanh nghiệp còn yếu kém, để đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch, không hoặc chậm xây dựng các công trình công cộng khi được giao thực hiện các dự án đô thị...”, báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Bắt bệnh để xử lý

Trao đổi với các DN ngành xây dựng tại Hội thảo Xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến các hệ lụy là do thị trường “đóng băng”, việc đầu tư thiếu kế hoạch (khiến hàng trăm dự án dở dang không có tiền tiếp tục đầu tư hoặc đã làm xong, nhưng không có người mua)...

“May mà thị trường bất động sản mới ở giai đoạn đầu, còn chưa lớn, nhưng đã tìm ra nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ khó khăn bằng cách khắc phục lệch pha cung - cầu, gắn với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia để sản phẩm đến được với người mua, phù hợp với đa số nguồn cung, nhất là nhà bình dân… nên hệ quả chưa quá trầm trọng”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra để đối mặt với tình trạng các DN ngành sử dụng nhiều đất đai, vốn đầu tư tràn lan, kém hiệu quả là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng thì cổ phần hóa DN nhà nước và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa là mệnh lệnh bắt buộc của ngành xây dựng.

Hà Quang
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục