UPCoM, nơi “náu mình” của nhiều “ông lớn”
Với quy định gắn cổ phần hóa với việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, sàn UPCoM hiện là nơi hội tụ của rất nhiều “ông lớn” có gốc gác là doanh nghiệp nhà nước.
Có thể kể tới những cái tên như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị độc quyền quản lý sân bay dân dụng; Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội chuyên mảng đầu tư ra nước ngoài; Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), đơn vị có khoản đầu tư đem lại dòng cổ tức lớn như Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), đơn vị đang quản lý 407.800 ha đất cao su, trong đó 201.083 ha diện tích cao su kinh doanh ở nhiều địa phương trên cả nước; Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (BCM), đơn vị quản lý và phát triển chủ yếu các khu công nghiệp trọng yếu ở tỉnh Bình Dương…
Tổng giá trị vốn hóa của sàn này hiện đã đạt 1.002.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với HNX - 190.000 tỷ đồng và thấp hơn HOSE - 3.315.000 tỷ đồng.
Xét về quy mô vốn hóa, các doanh nghiệp như ACV, VGI, VEA, MCH, GVR, BCM, MSR tương đương với các doanh nghiệp nằm trong nhóm VN30 (trên sàn HOSE). Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên chưa tương xứng với quy mô tài sản và thương hiệu.
Nếu các doanh nghiệp này sử dụng tài sản hiệu quả hơn vị thế độc quyền, thương hiệu, quy mô tài sản, thị giá cổ phiếu được cải thiện, vốn hóa doanh nghiệp tăng thêm thì về trung và dài hạn sẽ làm thay đổi cục diện bảng xếp hạng vốn hóa trên sàn.
Thậm chí, khi chuyển sang niêm yết trên HOSE, với những tiêu chuẩn khắt khe hơn về hiệu quả hoạt động cũng như minh bạch thông tin, hình ảnh được cải thiện cũng giúp gia tăng giá trị vốn của các doanh nghiệp.
Vốn ngoại vẫn đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ đánh giá cao tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư ngoại chủ yếu vẫn rót vốn vào các cổ phiếu trên sàn niêm yết, đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm VN30 - những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, minh bạch nhất và hiệu quả nhất trên thị trường chứng khoán.
Kỳ vọng hiệu ứng chuyển sàn
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc chuyển sàn đã tạo được hiệu ứng rất tích cực cho các cổ phiếu SAB, POW, GEX, HVN, VGC… Mặc dù giai đoạn vừa chuyển sàn, kết quả kinh doanh chưa được cải thiện nhưng dòng tiền, đặc biệt là từ khối ngoại tham gia mua ròng các cổ phiếu của các doanh nghiệp này rất tích cực, đẩy thị giá các cổ phiếu tăng mạnh.
Điều này không xảy ra khi cổ phiếu còn giao dịch ở sàn UPCoM. Với mức vốn hóa lớn, SAB đã được vào rổ chỉ số VN30. Trong khi các mã khác như POW, GEX liên tục được các quỹ đầu tư chỉ số mua vào.
Câu chuyện chuyển sàn đang được kỳ vọng là một trong những yếu tố hỗ trợ cho thị trường cổ phiếu giai đoạn cuối năm 2019. Thị trường đang hướng sự quan tâm tới các thương vụ chuyển sàn của GVR, BCM, hay ACV.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết sẽ chuyển sàn trong quý III/2019 và giảm tỷ lệ vốn nhà nước về 75%. Đại hội cũng thống nhất phương hướng phát triển doanh nghiệp là ổn định diện tích trồng cao su, không mở mới, tập trung vào mảng khu công nghiệp và ngành phụ trợ có biên lợi nhuận cao. Bên cạnh đó là việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo thuận tiện cho việc chuyển sàn niêm yết sau này.
Tính tới thời điểm 31/3/2019, GVR có tổng tài sản 76.566,4 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là tài sản dài hạn 59.192,2 tỷ đồng (hơn 77%); hơn 9.800 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, hơn 3.100 tỷ đồng tồn kho.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2019, trong cơ cấu tài sản dài hạn của GVR, có 17.800 tỷ đồng là vườn cây cao su; 6.200 tỷ đồng là nhà cửa, vật kiến trúc, 2.900 tỷ đồng là máy móc thiết bị; 22.992,2 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu là vườn cây cao su là 20.583,9 tỷ đồng. Nhìn chung, tài sản của GVR chủ yếu là giá trị trên đất, mà chưa phản ánh nhiều giá trị quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp sở hữu.
Với quỹ đất lên tới 407.800 ha, trải rộng nhiều vùng trong cả nước, hiệu quả sử dụng vốn năm 2018 của Tập đoàn tương đối thấp, hệ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) là 3,35%, còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 4,42%.
Vốn chủ sở hữu của GVR tại thời điểm cuối tháng 3 là 50.089,1 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 26,31%; nợ vay trên tổng nguồn vốn là 17,21% - một cơ cấu tài sản, nguồn vốn có thể xem là thận trọng.
BCM cũng có kế hoạch chuyển sang sàn HOSE ngay trong năm 2019. Doanh nghiệp dự tính room ngoại ở mức 49%. Trước đó, doanh nghiệp đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Nước và môi trường Bình Dương (BWE) từ 41% về 25%, bán hết 73,36% vốn tại ACC. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục lên kế hoạch sắp xếp giảm tỷ lệ sở hữu nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Theo ghi nhận, BCM hiện đang quản lý trực tiếp 6 khu công nghiệp, bao gồm Mỹ Phước 1 (378 ha), Mỹ Phước 2 (478 ha), Mỹ Phước 3 (985 ha), Thới Hòa (202 ha), Bàu Báng (1.994 ha) và Khu công nghiệp Bình Phước (4.633 ha) hiện đang xây dựng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn góp vốn với các nhà đầu tư Singapore vào liên doanh mang tên VSIP trên nhiều địa bàn từ Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương. Mặc dù sở hữu nhiều thế mạnh, nhưng hiệu quả sử dụng vốn năm 2018 của BCM vẫn chưa cao, với ROA là 4,64%, ROE là 17,54%.
Tính tới 31/3/2018, BCM có tổng tài sản 44.594 tỷ đồng, trong đó có 22.123 tỷ đồng tồn kho, 14.319 tỷ đồng tài sản dài hạn, hơn 4,894 tỷ tồn kho… Nguồn vốn để tài trợ chủ yếu là 13.888 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 19.618 tỷ đồng tiền vay ngắn và dài hạn; 6.863 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn…
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang của Công ty để đền bù giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất, xây cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án. Có thể thấy, quy mô tài sản lớn chưa được khai thác nhiều.
Trong khi đó, Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) hiện phải quyết toán vốn nhà nước về thuế, cơ chế quản lý khu bay, phân định tài sản ACV và Nhà nước.
Bên cạnh đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ về vấn đề thất thoát nhận thu tiền tại hệ thống đường dẫn, hiện vẫn chờ Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xử lý. Chừng nào chưa xử lý xong các vấn đề trên, việc chuyển sàn của ACV vẫn chưa được thực hiện.