Chuyển sàn niêm yết, doanh nghiệp có gì khác?

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang chứng kiến nhiều cuộc dịch chuyển từ thị trường UPCoM, sàn HNX sang HOSE. TV2, MBS, DBC... là những doanh nghiệp đang được nhà đầu tư chờ đợi trong công cuộc “di cư” này. 
Chuyển sàn niêm yết, doanh nghiệp có gì khác?

Ngày 6/6/2019, CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) sẽ đưa hơn 12,3 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), với giá tham chiếu 151.000 đồng/cổ phiếu.

Việc chuyển sàn của TV2 thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi cổ phiếu này luôn nằm trong danh mục có thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất trên thị trường chứng khoán. Giai đoạn 2015 - 2017, EPS đạt lần lượt gần 13.000 đồng, 20.911 đồng, 38.608 đồng.

Năm 2018, EPS của TV2 đạt 21.467 đồng (đây cũng là giai đoạn Công ty thực hiện tăng vốn từ 58,6 tỷ đồng lên 123,1 tỷ đồng, chủ yếu thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức). Thị giá TV2 đang ở mức 160.000 đồng/cổ phiếu, tăng 18.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần 13% trong 1 tháng qua.

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu chi phối tại TV2 với 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương 51,32% vốn điều lệ. Hai cổ đông lớn còn lại là Quỹ America LLC sở hữu 13,23% và ông Tạ Công Sơn sở hữu 6,39%.

Cùng với kế hoạch chuyển sàn, TV2 công bố Đề án định hướng phát triển, phương án kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động giai đoạn 2019 - 2025, định hướng 2030 của Công ty. Theo đó, ba lĩnh vực Công ty tập trung phát triển là tư vấn xây dựng điện, mảng kinh doanh (tổng thầu EPC các dự án nguồn và lưới điện) và mảng đầu tư (đầu tư các dự án nguồn điện và tập trung năng lượng tái tạo).

Mục tiêu của TV2 là đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng, cổ tức trên vốn điều lệ tối thiểu 25% vào năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 đạt doanh thu bình quân trên 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 240 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 30%. Mô hình hoạt động của TV2 sẽ là Công ty mẹ - công ty con.

Tháng 5 vừa qua, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên HOSE. Cùng với kế hoạch chuyển sàn, năm 2019 cũng là năm DBC đặt kế hoạch doanh thu cao nhất từ khi niêm yết với hơn 10.410 tỷ đồng. Chỉ tiêu lãi sau thuế DBC đặt ra là 356,4 tỷ đồng, cao hơn 44,9% so với kế hoạch lập năm 2018; trong đó, 306,4 tỷ đồng là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, còn lại từ các lĩnh vực khác.

Theo kế hoạch, năm 2019, DBC tiếp tục thực hiện huy động vốn theo các hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi và phát hành riêng lẻ trái phiếu.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trong thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ của DBC. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn dự kiến, qua đó kéo nhu cầu tiêu dùng hồi phục, trong khi nguồn cung suy giảm sẽ hỗ trợ giá bán lợn hồi phục mạnh mẽ, qua đó hỗ trợ kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu DBC trong năm 2019. Bên cạnh đó, việc chuyển sàn từ HNX sang HOSE cũng là yếu tố tác động tích cực tới giá cổ phiếu.

Dù thị trường có nhiều biến động trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MBS của CTCP Chứng khoán MB lại “giữ giá” khá tốt, dao động quanh mức 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi câu chuyện chuyển sàn và nhiều tin đồn về việc sẽ có đối tác ngoại tham gia vào MBS.

MBS cũng có nhiều kế hoạch đáng chú ý khác. Năm 2019, MBS đặt kế hoạch doanh thu 1.171 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng, tăng vọt 78% so với năm 2018. Ngoài ra, MBS cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc cho phép nhà đầu tư chiến lược nhận chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến sở hữu lớn hơn 25% quyền biểu quyết sẽ không phải thực hiện chào mua công khai.

Hiện tại, MBBank là cổ đông chi phối với gần 80% vốn sở hữu. Giới phân tích nhìn nhận, việc thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược của MBS sẽ giúp đa dạng giải pháp kinh doanh cho Công ty, tuy nhiên để thu hút nhà đầu tư chiến lược thì giá chuyển nhượng cần thấp hơn so với giá thị trường.

MBS cũng sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:0,2866) và 5 triệu cổ phiếu ESOP. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.   

Không phải cứ chuyển sàn thì cổ phiếu tăng, nhà đầu tư cần phân tích kỹ cho từng trường hợp.

Còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đã lên kế hoạch chuyển sàn sang HOSE. Về cơ bản, HOSE là sàn giao dịch tập trung nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn, thanh khoản cao và các tiêu chuẩn niêm yết cao. Vì vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn, chào đón đối tác chiến lược và cả việc nâng cao hình ảnh cổ phiếu.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cứ chuyển sàn thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng cho từng trường hợp, thay vì áp dụng công thức chung cho mọi cuộc chuyển sàn. Và đừng quên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt bởi đó là “bảo hiểm” tốt cho khoản đầu tư.  

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ