Sống cho một ngày hay sống cho một đời

(ĐTCK) Nuôi và dạy dỗ con ăn học cho tới khi đủ sự trưởng thành hay dành dụm tiền bạc để mua cho con căn nhà sau này, vẫn là những luồng suy nghĩ gây tranh cãi của các bậc phụ huynh.
Sống cho một ngày hay sống cho một đời

1. Tôi ăn trưa với một nhóm bạn bên ngành truyền thông và vài bạn làm công việc kinh doanh khác tại Vũng Tàu. Mọi người kể chuyện học hành của con cái, về ai đó ở chung cư, ai đó ở nhà phố, ai đó chọn nhà trong hẻm. Một cậu thanh niên hỏi, chị ơi, nếu ở chung cư thì chắc chỉ được chừng 50 năm thôi. Vậy thì con cháu chúng ta sau đó sẽ ở đâu?

Ủa, con cháu thì ở nhà của chúng chứ ở đâu bây giờ. Đời mình, mình mua nhà ở. Còn con chúng ta thì sẽ phải tự kiếm tiền mua nhà chứ em. Cha mẹ sinh con, có trách nhiệm nuôi dưỡng, cho ăn học tới khi trưởng thành. Khi con lớn thì cha mẹ cũng già rồi, vui thú với cuộc sống của người lớn tuổi.

Trong suốt thời gian đó, các bậc phụ huynh cũng vẫn có những niềm vui cá nhân. Có người ham mê du lịch, có người thích chơi tennis, có người lại khoái mua đồ hiệu. Chứ đâu có nghĩa khi sinh ra con, là phụ huynh của chúng phải sắp xếp tất cả mọi thú vui cuộc đời vào trong nhà kho, khóa thêm vô đó 5 - 7 chiếc khóa thanh xuân. Ngày qua ngày, khóa hoen rỉ đi, thì ngày cũng rơi rụng đi.

Quay tới quay lui, chờ con trưởng thành rồi mới chơi, thì sức đã cùng, lực đã kiệt. Hoặc có khi lại rơi vào trường hợp mà mọi người vẫn hài hước giỡn chơi nhau: “Trẻ không chơi, già đổ đốn”. Chứ đâu có nghĩa, cứ có con rồi là toàn bộ tiền bạc của phụ huynh phải dè sẻn, tiết kiệm tối đa, quên hết mọi nhu cầu của bạn thân chỉ với mục đích duy nhất để mua nhà, dành cho con gái, con trai sau này có nơi chỗ che mưa nắng.

Nghe câu chuyện của vài ba người đã lớn trong bàn ăn, cậu thanh niên trẻ có vẻ hơi miễn cưỡng, chưa đồng tình lắm. Lạ thiệt, lẽ ra ở lứa tuổi của cậu thì suy nghĩ phải thoáng hơn các bậc đàn anh, đàn chị ở lứa tuổi U50, U60 chứ nhỉ.

Cuối cùng thì sự trải nghiệm vẫn là thước đo của những giá trị chuẩn nhất trong cuộc sống. Cũng như ở lứa tuổi nào đó, thì người ta mới có thể cảm nhận được câu nói của Thánh Augustino: “Yêu đi, rồi hãy làm gì thì làm”.

2. Tôi có cô bạn sinh 3 con liên tiếp trong 5 năm. Trước đây, vợ chồng cô ăn nên làm ra, nên ở căn biệt thự khá lớn tại trung tâm Sài Gòn. Dần dần công chuyện kinh doanh giảm dần, nhưng chi phí cho cả gia đình với 3 đứa con thì lại tăng lên rõ rệt theo hàng năm, nên vợ chồng cô phải bán nhà lớn đi để mua nhà nhỏ, trang trải cho cuộc sống.

Tụi nhỏ học trường quốc tế. Mỗi một lớp tăng lên thì cũng đồng nghĩa với việc học phí tăng lên. Cô vợ than chi phí học của các con lên tới hơn 100 triệu đồng/tháng. Cho tới khi các con chuẩn bị tốt nghiệp THPT, cả vợ lẫn chồng đều thống nhất bán dần đất đai đã tích trữ trước đây để cho cả 3 đứa đi du học tại Úc.

Trong kế hoạch ấy, thằng con trai lớn qua trước, rồi lần lượt 2 đứa em gái qua sau. Ai cũng can ngăn vợ chồng cô bạn nên giữ lại ít tài sản để sau này dưỡng già, vợ chồng cô chỉ cười: “Căn nhà đang ở đây, khi nào già hẳn rồi thì bán luôn, thuê căn hộ nhỏ sống cho khỏe. Rồi khi nào già bệnh rồi, thì chạy luôn vào nhà dưỡng lão, vào bệnh viện có dịch vụ tốt, chứ giữ nhà hoài làm gì. Tiền bạc chỉ lo cho lũ trẻ học hành tới nơi tới chốn. Sau này con cái báo hiếu được cho cha mẹ thì vui. Nếu không, thì chừng đó cũng đủ sống dưỡng già rồi. Lo chi cho mau già, mệt lắm!”.

Sau hơn chục năm thực hiện kế hoạch tập trung cho con cái ăn học, giờ đây cả 3 đứa con của cô bạn đã yên ổn học hành và ra trường. Thằng con lớn hiện đã đi làm trong 1 công ty tại Úc, 2 đứa em gái thì cũng đang học đại học và cao học. Thằng anh nuôi 2 đứa em nên cha mẹ cũng bớt gánh nặng chi phí.

Mọi người lại lo lắng, sinh con cho nhiều giờ chẳng có đứa nào bên cạnh chăm sóc. Ô hay, sinh con ra chỉ để có người chăm sóc tuổi già, cơm nước trong bệnh viện, thì đó quả là suy nghĩ quá lệch lạc. Có ai mà sống thay ai trên đời này, kể cả cha mẹ và con cái.

Bởi thế, mà với căn nhà, thì có người giữ khư khư thành của để dành, mà cũng có người biến thành tài sản, mà mang tài sản ra để sử dụng cho đúng với mục đích, phù hợp với bản thân và gia đình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục