Sớm có thị trường chứng khoán mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm tích lũy.
Sớm có thị trường chứng khoán mới nổi

Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có báo cáo tổng kết 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó nêu bật những thành tựu, hạn chế và nhóm giải pháp cần hiện thực hóa để tiếp tục phát triển thị trường trong thời gian tới.

Báo cáo nhận định, quan điểm về việc hình thành thị trường chứng khoán nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước đã được Đảng và Nhà nước xác định cụ thể từ đầu những năm 1990, trong bối cảnh vấn đề vốn cho phát triển kinh tế đất nước ngày càng trở nên cấp thiết và hệ thống các ngân hàng thương mại không thể đáp ứng được; Nhà nước bắt đầu thực hiện chủ trương đa dạng hoá sở hữu, yêu cầu phải có thị trường chứng khoán để hỗ trợ công tác cổ phần hoá.

Trải qua 25 năm thành lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (28/11/1996) và 21 năm vận hành thị trường (phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2020), đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Về quy mô, giai đoạn 2011- 2020 đã huy động được gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Lễ ra mắt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 1997 (ảnh: UBCKNN)
Lễ ra mắt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 1997 (ảnh: UBCKNN)

Sự xuất hiện của thị trường chứng khoán đã góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Tổng quy mô thị trường (bao gồm tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu) tính đến cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỷ trọng 47% tổng tài sản của hệ thống tài chính.

Thị trường cũng ngày càng tiệm cận với quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng. Số liệu cuối năm 2020 cho thấy, trong khi quy mô tín dụng ngân hàng chiếm 146,2% GDP thì quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán đạt 84,1% GDP (chưa điều chỉnh), vượt mục tiêu 70% GDP được đề ra tại Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020 2015 và gấp hơn 2,6 lần so với năm 2015 (32,4% GDP), gấp hơn 7,3 lần so với năm 2010.

Dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 47,83% GDP tại thời điểm cuối năm 2020, gấp gần 3 lần quy mô dư nợ thị trường trái phiếu trên GDP năm 2011, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 là 45% GDP vào năm 2020.

Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 song thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số và giá trị giao dịch.

Tính đến cuối tháng 11/2021, chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử là 1.500,81 điểm, tăng 36% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020.

Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 2,9 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Dù còn khá non trẻ nhưng thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã phát triển nhanh chóng. Khối lượng giao dịch bình quân phiên năm 2020 gấp hơn 14,2 lần so với năm 2017. Khối lượng hợp đồng mở (OI) tại thời điểm cuối năm 2020 gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3000 tài khoản năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2021 đã có hơn một triệu nhà đầu tư mới, nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt gần 3,8 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số.

Định hướng cho giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế gắn với đồng bộ các giải pháp phấn đấu sớm được nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi để thu hút tốt hơn sự quan tâm, tham gia đầu tư của các tổ chức nước ngoài.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, chuyên trang về thị trường tài chính The Armchair Trader cho rằng, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là có nền tảng kinh tế mạnh, triển vọng phát triển lạc quan, sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi tốt nhất thế giới hậu Covid-19.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với thị trường chứng khoán sau 20 năm tích lũy là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Theo đó, một trong mục tiêu sắp tới là phải sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên “mới nổi”.

M. Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ