Mới đây, Mỹ công bố lạm phát vào tháng 5 bất ngờ tăng tốc lên mức cao kỷ lục là 8,6%, cao hơn nhiều dự báo trước đó của giới chuyên gia. Việc lạm phát tăng mạnh cũng dẫn đến dự báo Fed nâng lãi suất điều hành cao hơn mức dự báo trước đó là 0,5 điểm cơ bản. Thực tế, đến phiên họp ngày 16/6, Fed đã nâng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm cơ bản.
Trong talkshow Chọn danh mục số thứ 8 với chủ đề Dấu hỏi lạm phát do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, mức nâng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm cơ bản của FED là phù hợp với kỳ vọng sau thông tin lạm phát của Mỹ.
Chương trình Chọn danh mục kỳ 8 |
Trong khi đó, ở Việt Nam, yếu tố lạm phát đến từ giá hàng hóa, biến động giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước trong thời gian tới. Do đó, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ có phản ứng tiêu cực với thị trường chứng khoán thế giới.
Tuy nhiên, nhìn nhận về triển vọng nhóm ngành ít chịu tác động của lạm phát và có thể tăng trưởng nhu cầu sau đại dịch, bà Phương Lan gọi tên nhóm đầu tư công, trong đó có nhóm về hạ tầng và giao thông thông minh.
Đối với nhóm có nhóm kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, chuyên gia kỳ vọng vào nhóm tiện ích công cộng, nhóm tiêu dùng thiết yếu, nhóm bất động sản khu công nghiệp và hàng không. Riêng nhóm hàng không cần sự quan sát trong ngắn hạn, do chi phí nhiên liệu đang ở mức cao.
Trước diễn biến của thị trường sau thông tin lạm phát và tăng lãi suất của Mỹ, bà Phương Lam nhận xét, tâm lý thị trường còn khá yếu, nên khả năng phục hồi chưa bền vững.
Xét về thông tin đến cuối tháng 6, VDSC nhận thấy thị trường hầu như không còn thông tin tích cực để hỗ trợ, nhưng cũng không có thông tin nào mang tính quá tiêu cực để dẫn đến tình trạng bán tháo mạnh.
“Sau phiên tăng điểm mạnh hôm nay (16/6), thị trường trong những phiên tới có thể cân bằng hơn. Thị trường có thể xuất hiện những phiên tiêu cực, có phiên xanh, phiên đỏ, nhưng chênh lệch khoảng 5 - 7% so với mức điểm hôm nay”, bà Phương Lam dự báo.
Gợi ý về nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên chú ý trong giai đoạn này, bà Phương Lam nhấn mạnh, việc chọn cổ phiếu nào còn phụ thuộc vào mục đích của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Hiện tại, thị trường không còn là giai đoạn ăn xổi ở thì, mà nó là sự chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư trung và dài hạn.
Tuy nhiên, vì Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt, do đó, chuyên gia đến từ VDSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể quan sát các nhóm ngành có sự hưởng lợi như: bất động sản khu công nghiệp, sản xuất, dệt may, thủy sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng thiết yếu và bán lẻ.
Xét riêng hai nhóm thủy sản và dệt may, Mỹ hiện đang thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua hai ngành hàng này có xu hướng giảm. Bà Phương Lam cho biết, lạm phát trong tháng 5 của Mỹ ở thủy sản và dệt may tăng lần lượt 14% và 5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tăng giá ở nhóm thủy sản có vẻ cao hơn nhóm may mặc.
Ngoài ra, vấn đề giảm sức mua còn phụ thuộc vào độ co dãn của cầu theo giá và tỷ trọng chi tiêu của 2 nhóm này trong rổ hàng hóa tiêu dùng của Mỹ. VDSC thông tin rằng, tỷ trọng của nhóm dệt may ở khoảng 2,5% và thủy sản cũng tương đương mức đó. Tuy nhiên, co dãn cầu ở nhóm thủy sản không bằng nhóm dệt may, nên việc cắt giảm chi tiêu ở nhóm dệt may có thể nhiều hơn.
Bà Lam cũng thông tin thêm, số tồn kho của các nhà máy tại Mỹ đang ở mức cao, có thể đơn hàng của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới và tăng trưởng xuất khẩu ở 2 nhóm này, đặc biệt ở nhóm thủy sản sẽ không được cao trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nếu kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra, nhóm dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nhóm thủy sản. Nếu lạm phát được kiểm soát và sức mua của người tiêu dùng tăng lên thì nhóm dệt may sẽ được phục hồi tốt hơn nhóm thủy sản”, bà Lam phân tích.